Kỷ vật người lính

Các anh đã rời gia đình, quê hương ra đi bảo vệ Tổ quốc khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi. Trong số đó có nhiều người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và để lại nhiều kỷ vật mà giờ đây xem lại ai cũng dâng trào cảm xúc.

Vào một ngày cuối tháng 4/2024, ông Phùng Thái, ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hải (Bình Sơn) nhận được giấy mời gửi đến nhà. Khi xem qua nội dung mời gia đình nhận lại những di vật, kỷ vật của liệt sĩ Phùng Đình Tú (cha ông Thái), ông không cầm được nước mắt, chỉ mong đến ngày được sờ, nắm một vật gì đó liên quan đến người cha thân yêu của mình, để một lần được cảm nhận hơi ấm của tình phụ tử...

Trở về sau hơn 60 năm

Năm nay đã 72 tuổi, nhưng ông Phùng Thái chưa từng hình dung được hình dáng người cha của mình. Bởi ngày cha đi chiến trường rồi hy sinh, ông chưa từng được gặp cha. Suốt mấy chục năm qua, ông tìm kiếm nhiều nơi về tin tức của cha mình. Đã có lúc ông hy vọng khi biết được một thông tin nào đó, nhưng rồi tuyệt vọng...

Và rồi, ngày 6/5/2024, ông Thái đã nhận lại những kỷ vật của cha mình do Cục Chính sách (Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) bàn giao. Không kìm nén được xúc động, đôi mắt ông Thái đỏ hoe. Ông lật giở những bức ảnh đen trắng đã ố màu trong tập kỷ vật của cha mình là liệt sĩ Phùng Đình Tú. Hình bóng người cha qua bao năm biền biệt giờ như hiện hữu trước mắt ông qua những kỷ vật.

Một số kỷ vật của liệt sĩ Phùng Đình Tú được bàn giao lại cho gia đình.

Một số kỷ vật của liệt sĩ Phùng Đình Tú được bàn giao lại cho gia đình.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, cả nước có 1,2 triệu liệt sĩ. Sau ngày đất nước thống nhất, công tác xác định thông tin, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ được quan tâm đặc biệt. Dù vậy, do sự tàn khốc của chiến tranh và điều kiện khách quan khác, đến nay vẫn còn khoảng 180 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm, quy tập được; còn 300 nghìn hài cốt liệt sĩ đã tìm kiếm, quy tập được nhưng chưa xác định được danh tính.

Ngày mẹ ông Thái còn sống, bà kể là sau khi lấy nhau, cha ông đi tập kết ra Bắc. Năm 1952, cha ông được về thăm nhà. Kể từ đó, chiến tranh triền miên, tin tức về người cha yêu quý của ông biền biệt đến giờ. "Giờ đây, được nhìn thấy hình ảnh của cha, tôi không thể nhận diện được, vì chưa được thấy cha ngoài đời bao giờ. Thêm nữa là, ảnh chụp chung với các đồng chí ở đơn vị nên tôi phải về quê hỏi thăm những người lớn tuổi để nhờ xác định cha tôi là người nào trong những bức ảnh này để tôi rửa ảnh đưa lên bàn thờ", ông Thái xúc động nói.

Những năm tháng sau chiến tranh, mẹ con ông Thái dò hỏi, tìm kiếm nhiều nơi mong có được tin tức về chồng, về cha mình. “Tôi đã từng nghe thông tin cha tôi được an táng tại một nghĩa trang tận Hà Nội. Tôi cũng đã lặn lội tìm đến địa chỉ đó, nhưng không có tên cha tôi trong nghĩa trang. Tôi buồn bã quay trở về. Giờ mẹ tôi qua đời, bà đã mang theo niềm nhớ nhung cha tôi về cõi thiên thu”, ông Thái kể.

Ông Phùng Thái nhận lại những di vật, kỷ vật của cha mình là liệt sĩ Phùng Đình Tú.

Ông Phùng Thái nhận lại những di vật, kỷ vật của cha mình là liệt sĩ Phùng Đình Tú.

Liệt sĩ Phùng Đình Tú sinh năm 1930, quê ở xã Bình Hải (Bình Sơn), nhập ngũ tháng 10/1948, hy sinh năm 1956. Đó là nhưng thông tin ngắn gọn liên quan đến liệt sĩ Phùng Đình Tú được lưu giữ ở các cơ quan thực hiện chính sách. Còn đối với gia đình, vật duy nhất liên quan đến liệt sĩ Phùng Đình Tú là tấm bằng Tổ quốc Ghi công được gia đình thờ cúng. Giờ đây, gia đình đã nhận lại một số vật dụng, giấy tờ gồm giấy báo tử, thư chia buồn, sổ tay cá nhân, thư tay, thẻ mộ và hơn chục bức ảnh trắng đen. Trong cuốn sổ tay có chữ Phùng Đình Tú, được viết bằng mực xanh...

Xoa dịu nỗi đau

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, sau đó quay lại chiến trường miền Nam công tác (đi B). Lúc đi B, tất cả những vật dụng cá nhân phải gửi lại đơn vị quản lý. Mục đích là, nếu cán bộ chẳng may hy sinh, thì tổ chức còn có thông tin và báo về gia đình. Trong đợt trao trả di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho gia đình do Cục Chính sách tổ chức mới đây, có 7 liệt sĩ quê ở Quảng Ngãi hy sinh trong giai đoạn 1954 -1958.

Trong số đó, chỉ có một liệt sĩ đã được quy tập vào nghĩa trang, còn lại chưa có thông tin. Nhiều liệt sĩ hy sinh khi còn rất trẻ, họ chưa lập gia đình nên thân nhân chỉ là em ruột, cháu họ, em dâu. Đợt trao di vật, kỷ vật của các liệt sĩ cho gia đình lần này gồm có giấy báo tử, sổ tay, thư, ảnh cá nhân, thẻ quân nhân, huy chương, giấy khen, giấy chứng nhận thành tích, kỷ niệm chương. Có vài cuốn sổ tay chưa kịp ghi dòng nào ngoài cái tên của chủ nhân cuốn sổ... Đây là những di vật, kỷ vật gắn bó trong suốt quá trình tham gia chiến đấu của các liệt sĩ.

Đại diện Cục Chính sách bàn giao lại các kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân.

Đại diện Cục Chính sách bàn giao lại các kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân.

Trực tiếp trao trả những di vật, kỷ vật cho các gia đình, thân nhân liệt sĩ, Đại tá Hoàng Tuấn Hiền - Phó Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết, thời gian qua, bằng trách nhiệm của mình, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã phối hợp với ngành LĐ-TB&XH tích cực xác minh thông tin với mong muốn đưa các di vật, kỷ vật của liệt sĩ về với gia đình, người thân để phần nào xoa dịu nỗi đau của thân nhân, gia đình liệt sĩ.

Đồng thời, những di vật, kỷ vật của liệt sĩ sẽ góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau về lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước của thế hệ đi trước. Nhiều cảm xúc lắng đọng khi chứng kiến các di vật, kỷ vật được về với gia đình, thân nhân. Tâm nguyện của những gia đình, thân nhân liệt sĩ cũng đã thành hiện thực khi nhận những kỷ vật nhỏ bé nhưng là tài sản có giá trị tinh thần lớn lao.

Bài, ảnh: XUÂN THIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/phong-su-ky-su/202406/ky-vat-nguoi-linh-97411fa/