Kỷ vật thiêng liêng từ đêm giao thừa có Bác
Tháng 4 vừa qua, gia đình cụ Phạm Văn Công, tại Hà Nội, đã trao tặng Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh 2 bộ hiện vật: bàn ghế và ấm chén từng được sử dụng trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 1963, khi Bác Hồ đến thăm. Gia đình cũng trao tặng 2 bức ảnh quý chụp khoảnh khắc Người ghé thăm và 20 file ảnh tư liệu về hoạt động yêu nước của kiều bào tại New Caledonia (Tân Thế Giới - một lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở tây nam Thái Bình Dương). Những kỷ vật này mang giá trị lịch sử sâu sắc, thể hiện tình cảm kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình cụ Phạm Văn Công (bên trái), đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 1963.
Ra đi
Đầu thế kỷ 20, chính quyền thực dân Pháp đăng tuyển lao động trên nhiều tờ báo phục vụ khai thác thuộc địa. Những bản chiêu mộ được gửi về các địa phương, với hứa hẹn: Lương cao, mỗi ngày được cấp nửa cân gạo, 2 lạng thịt cá, rau củ, đường, muối, xà-phòng…
Như hàng nghìn lao động nghèo vùng đồng bằng Bắc Bộ, vợ chồng cụ Phạm Văn Công và Nguyễn Thị Quyển (Thái Bình) đã đăng ký đi phu tại một lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở tây nam Thái Bình Dương.
Đầu năm 1939, họ bắt đầu hành trình trở thành “chân đăng” nơi đất khách. Từ cảng Hải Phòng, họ phải vượt biển gần 2 tháng mới đến New Caledonia. Họ mang theo niềm tin sẽ được trả lương cao, sống tốt hơn và trở về sau 5 năm làm việc. Nhưng thực tế, họ bị bóc lột như nô lệ.
Khế ước ghi mỗi ngày làm việc 9 tiếng, nhưng thực tế họ phải lao động từ 10-12 tiếng, trong điều kiện khắc nghiệt, không được chăm sóc y tế và chỉ được nhận một nửa khẩu phần ăn. Mọi điều khoản về lương bổng, điều kiện sinh hoạt và hồi hương, đều bị chủ mỏ vi phạm.

Học sinh Trường Công Nhân và Thanh niên, thiếu nhi tại Tân Thế Giới kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890-19/5/1956).
“Mấy năm đầu, bố mẹ tôi phải sống trong lán trại công nhân, làm việc tại mỏ niken ở thị trấn Voh, phía bắc New Caledonia”, ông Đức (con trai cụ Công) cho biết.
Năm 1944, mãn hạn khế ước nhưng không được hồi hương, cụ Công cùng anh em thợ mỏ tổ chức nhiều cuộc đình công, biểu tình, đòi trở về nước, hồi hương và quyền lợi chính đáng. Phong trào bị đàn áp dữ dội, mặc dù vậy tinh thần đấu tranh của các “chân đăng” không lụi tắt.
Từ cuối năm 1946 gia đình cụ Công chuyển đến Noumeá - thủ phủ của New Caledonia, bắt đầu công việc tự do. Khi đó, ông Đức 4 tuổi, được bố mẹ cho học tiếng Việt tại nhà và tại trường cộng đồng.
Năm 1954, dù chính quyền thực dân Pháp cấm các trường dạy tiếng Việt, nhưng ngôn ngữ ấy vẫn ngân nga trong từng nếp nhà, qua lời ru, những câu chuyện kể.
“Ở New Caledonia, hầu như nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong các dịp lễ, Tết, các buổi sinh hoạt, chúng tôi đều trang trí bàn thờ Tổ quốc, treo quốc kỳ và ảnh Bác Hồ”, ông Đức kể lại.
Nhiều năm đã trôi qua, ông Đức vẫn nhớ như in từng giai điệu, ca từ bài hát Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Lưu Bách Thụ - ca khúc mà thế hệ ông thường hát ở New Caledonia:
“Dân Nam ơi, biết ơn Cụ Hồ đời đời
Bao nhiêu năm sống trong nguy nan, điêu linh...”.
Cùng thời kỳ đó, vợ chồng cụ Phạm Văn Trác và Lê Thị Hồ rời quê Ninh Bình sang đảo Espiritu Santo (nay thuộc đảo quốc Vanuatu, còn gọi là Tân Đảo) theo khế ước lao động 5 năm.
Hết hạn hợp đồng, họ cũng bị buộc ở lại. Dù cuộc sống nơi đất khách nhiều khó khăn, lòng họ vẫn luôn hướng về cố quốc.
“Gia đình tôi vẫn giữ nếp sống truyền thống, bố mẹ dạy các con nói tiếng Việt, trong nhà treo ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù vất vả mưu sinh, bố tôi vẫn tích cực đóng góp cho quỹ kháng chiến”, ông Thành kể.
Ngày 30/6/1946, khi hay tin nước nhà giành được độc lập, cộng đồng người Việt ở Tân Đảo đã tổ chức lễ chào cờ trang trọng tại thủ phủ Port Vila. Họ sáng tác và hát vang những bài ca yêu nước và quyên góp tiền gửi về nước, ủng hộ Chính phủ kháng chiến, kiến quốc.
Trở về
Ngày 12/1/1961, chuyến tàu đầu tiên đưa hơn 500 kiều bào từ New Caledonia cập cảng Hải Phòng. Gia đình cụ Công về đến quê hương vào mồng 5 Tết năm đó. Hôm sau, đoàn Việt kiều đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đại diện Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón tại Phủ Chủ tịch.
Mùa đông năm 1963, sau 24 năm xa xứ, gia đình cụ Trác trở về nước. Ông Thành, khi ấy mới 9 tuổi, vẫn nhớ như in cảm giác nôn nao lúc con tàu dần cập bến. Trên boong, cả nhà nghẹn ngào vẫy tay chào người thân đứng chờ dưới bến cảng.
Tháng 3/1964, trên chuyến tàu hồi hương cuối cùng từ New Caledonia, ông Đức đứng lặng bên lan-can, mắt dõi theo dải đất đang dần hiện ra trong mưa phùn. Hơn 20 năm xa xứ, lần đầu trở về, lòng ông trào dâng niềm xúc động khó tả.
Trong chuyến tàu hồi hương này, cộng đồng Việt kiều Tân Thế Giới gửi tặng Chính phủ 10 chiếc xe ô-tô Peugeot 404, một trong số đó sau này được dùng để đưa đón Bác. Chiếc xe ấy hiện trưng bày tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch và được công nhận là Bảo vật quốc gia từ tháng 12/2024.
Trở về quê hương, các gia đình kiều bào đều được chính quyền bố trí công việc phù hợp, giúp ổn định cuộc sống. Cụ Công thành lập hợp tác xã may mặc và tham gia Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cụ Trác làm việc tại Sở Lương thực Hà Nội, các con đều được tạo điều kiện học tập và làm việc.
Tiếp nối truyền thống yêu nước, 3 người con trai của cụ Công lần lượt lên đường ra trận: Ông Chúc bị thương tại Chư Tan Kra; ông Bình hy sinh tại chiến trường Trị Thiên-Huế; ông Minh tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.
Ký ức thiêng liêng
Hơn 50 năm đã trôi qua, những đứa trẻ năm xưa nay mái đầu đã bạc, người ít tuổi nhất cũng ngoài 70, nhưng ký ức về đêm giao thừa Bác Hồ đến thăm vẫn là kỷ niệm thiêng liêng đối với các gia đình hồi hương.
Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ đến thăm gia đình cụ Công tại nhà riêng ở 97 Đại La, Hà Nội. Dù không có mặt lúc ấy, ông Minh vẫn nhớ như in từng lời cha mẹ kể.
“Tối hôm đó, trong lúc bố tôi đang treo câu đối Tết dưới ảnh Bác Hồ, còn mẹ tất bật chuẩn bị mâm cơm đón giao thừa, thì bất ngờ có tiếng ô-tô dừng trước cổng. Chưa kịp chuẩn bị gì, bố mẹ tôi đã thấy Bác tươi cười, bước vào nhà”, ông Minh kể. Mẹ tôi xúc động thốt lên: “Có phải Bác Hồ đó không? Bao nhiêu năm rồi chúng con mong được gặp Bác…”. “Thế thì bây giờ gặp nhau rồi, ta nói chuyện đi!”, Bác cười hiền hậu, nói.
Bố tôi vội kéo chiếc ghế nhôm căng bạt còn mới, mời Bác ngồi. Nhưng Bác xua tay, chọn chiếc ghế gỗ giản dị cạnh bàn học, ngồi xuống. Những người đi cùng, đứng chung quanh Bác.
Bác hỏi bố mẹ tôi: Các con đi đâu, nhà chuẩn bị Tết ra sao, có bánh chưng không? Rồi Bác hỏi thăm cuộc sống của cộng đồng Việt kiều mới về nước có gì khó khăn? Bác ân cần dặn dò chuyện công tác, chuyện nuôi dạy con cái...
Mẹ tôi vội vã vào trong buồng bưng ra mấy cặp bánh chưng, đặt lên bàn kính mời Bác. Người cười bảo, Bác vừa ăn cơm xong, rồi rút thuốc lá ra hút. Cả buổi nói chuyện, Bác rất giản dị, thân tình như một người thân.
“Đêm giao thừa gia đình tôi được Bác đến thăm nhà. Đó là niềm vinh dự lớn lao không chỉ cho gia đình tôi mà còn cho cả những người con xa xứ. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn dành tình cảm, sự quan tâm sâu sắc đến kiều bào”, ông Minh chia sẻ.
Một năm sau, vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đến thăm gia đình cụ Phạm Văn Trác, tại số nhà 36 phố Lê Văn Hưu, Hà Nội.

Bức ảnh chụp khoảnh khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đang chia kẹo cho ông Thành, khi đến thăm gia đình cụ Trác, trong đêm giao thừa Tết Giáp Thìn 1964.
“Đúng 19 giờ 30 phút, tôi nghe thấy có tiếng gõ cửa. Bác Hồ bước vào, cùng 2 cán bộ, sau này tôi mới biết, 1 trong 2 người đó là bác Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác. Bác mặc bộ quần áo ka-ki mầu trắng, đi dép da. Vừa thấy Bác, chúng tôi reo lên vui sướng. Dù chưa từng gặp, hình ảnh Bác đã in sâu trong tâm trí chúng tôi từ những năm còn ở Tân Đảo”, ông Thành nhớ lại.
Bác đi quanh nhà, khen nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh tốt. Bác hỏi han bố mẹ tôi về cuộc sống bên Tân Đảo, về cộng đồng kiều bào, về công việc, sinh hoạt từ khi về nước. Biết chúng tôi nói tốt tiếng Việt, yêu thể thao, giữ được bản sắc văn hóa, Bác gật đầu hài lòng. Bác nói, đất nước còn chiến tranh, còn gian khổ, nhưng kiều bào về nước góp phần dựng xây Tổ quốc, đó là điều rất đáng quý…
Trước khi chia tay, Bác rút từ túi áo ra một gói giấy, giơ lên và hỏi lũ trẻ chúng tôi: “Các cháu có biết đây là gì không?”. Nói rồi, Bác chia kẹo cho chúng tôi. “Bao năm đã qua, tôi vẫn nhớ ánh mắt hiền từ và giọng nói ấm áp của Bác”, ông Thành xúc động chia sẻ.
Hơn 60 năm sau đêm giao thừa Bác Hồ đến thăm các gia đình kiều bào, những ký ức thiêng liêng ấy đã trở thành di sản tinh thần quý giá, được các thế hệ con cháu của họ gìn giữ với một niềm tự hào, như một mạch nguồn chảy mãi.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ky-vat-thieng-lieng-tu-dem-giao-thua-co-bac-post880504.html