Kỳ vọng 4.500 phòng học mới ở TPHCM - Bài 2: Tháo gỡ những điểm nghẽn
Xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ khó khăn, TPHCM đã chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện quan điểm 'lấy dân làm gốc', dựa vào dân và nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh sống của người dân xuyên suốt trong công tác này. Bởi chỉ khi gỡ được 'nút thắt' này, mới tạo được đột phá trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đề án xây trường mở lớp của thành phố.
Gỡ “nút thắt”
Phường 14, quận Gò Vấp hiện có 15.000 hộ với gần 54.000 nhân khẩu, là địa phương có dân số đông nhất quận, nhưng chỉ có 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS. Năm học 2024-2025, phường có 1.400 trẻ đầu cấp, trong đó “gánh” toàn bộ học sinh cho phường 9, một phần của phường 12, dẫn tới tình trạng quá tải.
Phường có khu đất được quy hoạch xây trường từ năm 2010, đều là đất sạch do thành phố quản lý, không vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra chậm chạp, phải chạy “lòng vòng” lấy ý kiến nhiều sở ngành…
Đưa chúng tôi vào khu đất 1,6ha tại địa chỉ 59/9 và 59/9C, khu phố 11, đường Phạm Văn Chiêu - nơi được quy hoạch xây 2 trường học mới, Chủ tịch UBND phường 14 Nguyễn Thế Dũng không giấu được niềm vui: “Trước nhu cầu cấp bách trường lớp của phường và sự quan tâm đặc biệt của quận, đến nay các thủ tục đầu tư, kinh phí dự kiến xây dựng… đã cơ bản hoàn thành. Chúng tôi tin tưởng dự án sớm được khởi công, hoàn thành trong năm học 2025-2026”.
Tương tự, Chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp, Trần Hoàng Phương cho biết, năm 2023, địa phương phối hợp các đơn vị liên quan của quận vận động thành công hàng trăm hộ dân di dời, bàn giao mặt bằng để mở rộng gần 2,5km đường Dương Quảng Hàm - công trình giao thông trọng điểm của thành phố và hoàn chỉnh pháp lý, mặt bằng dự án xây mới cụm 2 trường học trên khu đất nằm trong Công viên Văn hóa Gò Vấp. Chính quyền tính toán không thiếu một tấc đất và vận dụng hết các quy định nên trên 160 hộ dân bị ảnh hưởng đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Chia sẻ thêm, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đào Thị My Thư cho biết, quận đang hoàn chỉnh thủ tục thực hiện 4 dự án xây trường học mới. Cụ thể, xây cụm 2 trường học (Trường THCS phường 6 trên diện tích khu đất 10.000m², tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng và Trường THPT Gò Vấp trên diện tích khu đất 12.000m², tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng) tại tờ bản đồ số 36, 37 trên địa bàn phường 6.
Đồng thời, quận đầu tư dự án xây cụm 2 trường học trên địa bàn phường 14, gồm trường tiểu học (0,6ha), tổng mức đầu tư 108 tỷ đồng và trường THCS (1ha), tổng mức đầu tư 185 tỷ đồng.
Cả 5 dự án này thuộc dự án nhóm B, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố. “Sau rất nhiều lần điều chỉnh, các khó khăn lần lượt được tháo gỡ, dự kiến quận sẽ khởi công các dự án này cuối năm 2024 và hoàn thành trong năm 2025. Ngoài ra, quận cũng đang điều chỉnh quy hoạch 1/2000 cho 3 dự án trường học khác và kêu gọi đầu tư 2 dự án trường mầm non theo hình thức xã hội hóa”, bà Đào Thị My Thư cho biết.
Tập trung thu hồi đất công
Giải bài toán thiếu trường lớp, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đang quyết liệt thu hồi đất công, xử lý công trình xây dựng trái phép, thuê sử dụng sai mục đích… Đáng chú ý là khu đất có diện tích 13.000m² tại địa chỉ 419 đường Lê Hồng Phong (phường 2, quận 10).
Phó Chủ tịch UBND quận 10 Huỳnh Văn Tâm cho biết, khu đất này được nhà nước giao cho Công ty CP Giày Sài Gòn (gọi tắt là GSG) thuê mặt bằng để làm văn phòng, nhà kho và xưởng từ năm 2000. Đến năm 2007, UBND TPHCM tiếp tục cho GSG thuê lại khu đất này và nêu rõ: “GSG không được cho thuê lại đất và tài sản gắn liền với đất”.
Thế nhưng, trong quá trình sử dụng, GSG đã tự ý cho Công ty TNHH Thành Bưởi thuê lại một phần mặt bằng trái phép. UBND quận 10 đã kiến nghị UBND TPHCM chấm dứt cho GSG thuê khu đất 419 đường Lê Hồng Phong, giao về quận quản lý và sử dụng cho mục đích giáo dục, cụ thể là xây trường THCS cho cụm liên phường 1, 2, 3 của quận 10 (khu vực chưa có trường THCS). Đến tháng 5-2019, UBND TPHCM có chủ trương thu hồi và đến tháng 5-2021 chính thức ban hành quyết định thu hồi, vì đã hết hạn thuê và không được gia hạn.
“Đến nay, sau hơn 3 năm từ khi có quyết định thu hồi đất, việc thu hồi khu đất này chưa hoàn thành, học sinh các phường 1, 2, 3 tiếp tục phải đi học ké trường THCS ở phường lân cận”, ông Huỳnh Văn Tâm bức xúc nói và khẳng định, việc xây trường trên địa bàn 3 phường 1, 2, 3 rất cấp bách, không thể chậm trễ.
UBND quận 10 đã có Công văn số 2586/UBND-TNMT đề xuất UBND TPHCM thống nhất thời điểm thực hiện cưỡng chế di dời người và tài sản ra khỏi khu đất 419 đường Lê Hồng Phong trong tháng 9 để bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất. Đồng thời, kiến nghị Sở KH-ĐT trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện dự án này.
Riêng đối với khu vực vùng ven ngoại thành, việc thiếu trường lớp, quá tải học sinh “nóng bỏng” không kém. Nóng nhất là 2 huyện Bình Chánh, Hóc Môn vì chịu nhiều áp lực trong tăng dân số cơ học, nhiều dự án xây mới trường lớp không thi công được vì vướng đền bù giải phóng mặt bằng...
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Võ Đức Thanh cho biết, trên địa bàn huyện có 22 dự án trường học mới (588 phòng học), với tổng mức đầu tư trên 3.800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Riêng xã Vĩnh Lộc A (gần 170.000 dân) và xã Vĩnh Lộc B (trên 146.000 dân) có 11 dự án trường học mới.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, huyện Bình Chánh đặc biệt chú trọng công tác dân vận, tuyên truyền thuyết phục người dân bị ảnh hưởng đồng thuận để sớm có mặt bằng xây trường. Đến nay, nhiều dự án trên địa bàn một số xã đã bàn giao ranh, mốc, đang thực hiện xác nhận các hồ sơ bồi thường…, phấn đấu trong quý 4-2024 sẽ khởi công 2-4 dự án xây trường học mới.
“Ngày 5-9 vừa qua, huyện đã đưa vào sử dụng Trường Tiểu học thị trấn Tân Túc; đã thi công xong khối phòng học, nhà thi đấu thể dục - thể thao khu E, F của Trường THCS Vĩnh Lộc A. Huyện cũng giao cho ban quản lý đầu tư xây dựng phối hợp chặt chẽ đơn vị xây dựng dự án Trường Tiểu học Tân Kiên, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án trong tháng 12 (dự kiến vượt 4 tháng so với kế hoạch ban đầu), để đưa vào sử dụng”, ông Võ Đức Thanh nhấn mạnh.
TP Thủ Đức: Trên 3.400 tỷ đồng xây mới 22 trường
Ngày 5-9, TP Thủ Đức đã khánh thành đưa Trường THCS Phú Hữu (khu nhà ở Song Lập, khu phố 3, phường Phú Hữu) và Trường Mầm non Sen Hồng 3 vào sử dụng. Riêng Trường THCS Phú Hữu là công trình trọng điểm của TP Thủ Đức, có quy mô 1 trệt 2 lầu trên diện tích đất 14.343m2, gồm 45 phòng học đầy đủ các phòng chức năng, tổng mức đầu tư trên 125 tỷ đồng, dự án vượt tiến độ 5 tháng. Đến cuối năm 2024, TP Thủ Đức tiếp tục đưa vào sử dụng Trường Mầm non Trường Thọ.
TP Thủ Đức cũng đang xúc tiến thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, khởi công đối với 22 dự án trường học mới (476 phòng), tổng mức đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, gồm: Trường Mầm non Hiệp Bình Phước, Trường Mầm non Tăng Nhơn Phú A, mở rộng Trường Mầm non Phước Bình, xây mới Trường Tiểu học Phú Hữu (giai đoạn 2), Trường Tiểu học Hiệp Phú 1 và Trường Tiểu học Hiệp Phú 2…
Riêng khu nhà đất tọa lạc tại địa chỉ 311.J5, đường số 1 + đường G, phường An Phú, vừa được HĐND TP Thủ Đức phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo thành Trường Tiểu học 19-5, với tổng mức đầu tư gần 26,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 2024-2026.
Hàng loạt dự án trường học khởi công trong quý 4-2024
Huyện Nhà Bè đang thi công dự án xây mới Trường Mầm non Phước Kiểng - Nam Sài Gòn, phấn đấu đưa công trình vào sử dụng dụng dịp 30-4-2025. Trong quý 4, huyện khởi công 5 dự án trường học khác, có tổng mức đầu tư trên 350 tỷ đồng.
Huyện Củ Chi đang tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh về pháp lý, bố trí vốn và giải pháp thi công để đẩy nhanh tiến độ khởi công 5 dự án trường học trong quý 4 với 112 phòng học mới, giá trị đầu tư gần 449 tỷ đồng. Huyện Hóc Môn có 8 dự án (181 phòng học), tổng mức đầu tư khoảng 685 tỷ đồng và huyện Cần Giờ có 6 dự án, tương đương 51 phòng học mới…
AN KHÁNH