Kỳ vọng bước tiến dài trong công tác đảm bảo ATGT

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có rất nhiều điểm mới được kỳ vọng là bước tiến dài trong công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những biện pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 và Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019, trong đó xác định: “Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới”.

Chính phủ đã có Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 17/2/2020, Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 14/5/2020 và Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 31/8/2020, thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thực tiễn tình hình giao thông hiện nay có rất nhiều vấn đề đang đặt ra cần phải giải quyết như tai nạn giao thông vẫn ở mức cao; kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhiều người tham gia giao thông còn rất kém; tình trạng coi thường pháp luật, vi phạm trật tự, an toàn giao thông; ùn tắc giao thông vẫn rất phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, phù hợp với xu thế chuyên sâu hóa trong xây dựng pháp luật của nước ta hiện nay, việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT) là hết sức cấp thiết, đặt yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia giao thông lên một bước quan trọng, giải quyết tình hình thực tiễn đang đặt ra hiện nay.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Luật Bảo đảm TTATGT có mục đích chính là hạn chế tai nạn giao thông.

Về cơ sở khoa học, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là việc thiết lập, duy trì, củng cố, thúc đẩy trạng thái tham gia giao thông có nề nếp, kỷ cương, trật tự, an toàn đối với người và phương tiện tham gia giao thông, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra. Bản chất của trật tự, an toàn giao thông là điều chỉnh các hoạt động giao thông “động” liên quan đến hành vi của người tham gia giao thông.

Trên cơ sở đó, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ điều chỉnh về các chính sách: Quy tắc giao thông; phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông; giải quyết tai nạn giao thông; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm và trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Về điều kiện phương tiện tham gia giao thông, đây là yếu tố đã được các bộ, ngành và Chính phủ thảo luận rất kỹ và Chính phủ thấy rằng tỷ lệ tai nạn giao thông, do nguyên nhân từ chất lượng phương tiện chiếm tỷ lệ không nhiều so với các nguyên nhân khác (khoảng 10% là do nguyên nhân an toàn kỹ thuật và đường sá, 90% nguyên nhân do người tham gia giao thông).

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an), một trong những nội dung mới đáng chú ý được quy định cụ thể trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là khi giải quyết tai nạn giao thông sẽ xóa bỏ tư duy "xe to đền xe nhỏ".

Luật cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành có liên quan đến giải quyết tai nạn giao thông nhằm tránh hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi giải quyết hậu quả của vụ tai nạn giao thông. "Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông phải căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh, xác định rõ nguyên nhân, hậu quả để làm căn cứ bồi thường nên không có chuyện xe to đền xe nhỏ" - ông Bình phân tích.

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV , Quốc hội đã xem xét thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, dự án luật này sẽ tạo đột phá về an toàn giao thông, với nhiều chính sách mới, hoàn thiện và phù hợp. Việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được kỳ vọng là đòn bẩy, bước tiến dài nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay để từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông hiện đại trong xu thế phát triển đô thị thông minh.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/phap-luat/ky-vong-buoc-tien-dai-trong-cong-tac-dam-bao-atgt/414097.vgp