Kỳ vọng các HTX giúp nghề muối ở Đông Hải thoát cảnh bấp bênh
Huyện Đông Hải lâu nay được xem là 'thủ phủ' nghề muối của tỉnh Bạc Liêu, thế nhưng diêm dân thường xuyên sống bấp bênh khi giá muối lên xuống thất thường. Để giúp diêm dân thoát cảnh bấp bênh, vươn lên có đời sống khấm khá hơn đang rất cần các HTX diêm nghiệp nâng cao năng lực, phát huy mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi giá trị, xây dựng đồng muối chất lượng cao với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương.
Nhớ lại quãng thời gian trước đây, ông Trần Văn Thưa, Chủ tịch HĐQT HTX Doanh Điền (xã Điền Hải) cho biết, bên cạnh phụ thuộc vào thời tiết, việc sản xuất muối của địa phương đối mặt với sự bấp bênh về giá cả khi chưa có liên kết đầu ra sản phẩm, tức phụ thuộc hoàn toàn vào lực lượng thương lái địa phương. HTX cũng chưa liên kết được với các kênh tiêu thụ ổn định, chỉ bán cho thương lái, bà con sản xuất muối của địa phương trong tỉnh đa phần cũng như vậy.
Xây dựng đồng muối chất lượng cao
Cách đây 3 năm, sau khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề làm muối được Trung ương và tỉnh Bạc Liêu rất quan tâm và hỗ trợ cho huyện Đông Hải tổng kinh phí 130 tỷ đồng (Bộ NN&PTNT phê duyệt từ tháng 3/2023) để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng muối chất lượng cao, sản xuất muối theo cách cơ giới hóa và sản xuất hiện đại như trải bạt.
Mục tiêu đầu tư của dự án này nhằm đảm bảo ổn định cho sản xuất, vận chuyển và lưu thông muối sau khi thu hoạch, gắn với thực hiện Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.
Theo ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, với Đề án Bộ NN&PTNT hỗ trợ như vậy sẽ góp phần giải quyết những khó khăn đang tồn tại về hệ thống giao thông, thủy lợi để phát triển ổn định vùng muối trọng điểm của huyện. Đồng thời, diêm dân có thêm điều kiện tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng hạt muối.
Trong buổi làm việc gần đây về phát triển nghề muối ở Đông Hải, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh việc quan tâm xây dựng hạ tầng phục vụ nghề muối ở Đông Hải là rất cấp thiết. Qua đó, giúp xây dựng thương hiệu hạt muối Bạc Liêu thông qua các sản phẩm chế biến muối chuyên sâu với bao bì, mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu đã chọn HTX diêm nghiệp Doanh Điền để trong thời gian tới tham gia vào vào việc triển khai Dự án xây dựng hạ tầng trọng điểm phục vụ cho nghề muối của tỉnh Bạc Liêu, trong đó có hệ thống thủy lợi và công trình đường giao thông dài khoảng 14km. Theo đó, sau khi triển khai dự án xây dựng hạ tầng sẽ đáp ứng phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất muối của bà con diêm dân và HTX trên diện tích khoảng 600ha.
Ngoài ra, HTX diêm nghiệp Doanh Điền còn được huyện Đông Hải chọn để tham gia dự án “Xây dựng mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm” năm 2023. Mục tiêu của dự án này là xây dựng được mô hình sản xuất muối sạch chất lượng cao, với năng suất tăng ≥ 10% so với phương pháp sản xuất muối truyền thống. Sản phẩm muối sản xuất ra đạt chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9638:2013 muối thô (Natri clorua).
Liên kết theo chuỗi giá trị
Trong quá trình triển khai, chính quyền huyện Đông Hải sẽ thực hiện xây dựng mô hình quản lý sản xuất kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao năng lực của HTX Doanh Điền thông qua các lớp đào tạo, tập huấn và xây dựng các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (dự kiến sẽ tiêu thụ được trên 90% sản phẩm muối của mô hình).
Bộ N&PTNT đã có dự án xây dựng đồng muối chất lượng caoở huyện Đông Hải với sự tham gia của HTX.
Với mô hình sản xuất muối sạch chất lượng cao (đơn cử như sản xuất muối trên ruộng lót bạt), ông Trần Văn Thưa làm phép tính so sánh cho thấy lợi nhuận cao hơn khoảng 10-15 triệu đồng/ha/lần thu hoạch vì năng suất và chất lượng muối cao hơn, tức lợi nhuận đạt 45-55 triệu đồng/ha/lần thu hoạch. Trong khi đó, lợi nhuận từ sản xuất muối truyền thống (muối sản xuất trên ruộng không lót bạt) chỉ vào khoảng 35 triệu đồng/ha/lần thu hoạch.
Trên thực tế, việc trải bạt sản xuất muối trắng là hướng đi đúng để phát triển bền vững nghề muối. Tuy nhiên, dù ai cũng biết sản xuất muối trắng là tốt nhưng vốn đầu tư trải bạt quá lớn, trong khi đa phần diêm dân còn nghèo nên không làm được.
Ngoài ra, như lo ngại của ông Thưa, lợi nhuận của việc nuôi tôm mang lại khá lớn nên đã có rất nhiều vùng sản xuất muối đã được chuyển sang nuôi tôm.
Cần nhấn mạnh thêm, với đầu tư, hỗ trợ vào một HTX diêm nghiệp như vậy, xã Điền Hải sẽ tập trung phát triển thương hiệu, có thể tham gia vào chương trình OCOP để thương hiệu muối Điền Hải được vươn xa trong và ngoài nước.
Nhất là việc áp dụng phương pháp trải bạt trên diện tích sản xuất muối góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng hạt muối đang được khuyến khích phổ biến rộng rãi ở xã Điền Hải với vai trò chủ lực của HTX diêm nghiệp Doanh Điền.
Còn trước mắt, theo dự kiến, sản xuất muối của HTX Doanh Điền năm 2023 sẽ tập trung nâng cao kỹ thuật trong sản xuất muối trải bạt và truyền thống nhằm gia tăng cải thiện giá trị chất lượng muối. Bên cạnh đó, HTX sẽ tìm kiếm các đối tác thực hiện hợp đồng thu mua muối đảm bảo tính ổn định. Đồng thời, HTX sẽ cố gắng phát huy mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi giá trị do Bộ NN&PTNT đầu tư.
Song song đó, HTX này cũng triển khai thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chuỗi liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời từng bước phát triển và giữ ổn định diện tích sản xuất muối trải bạt, chuyển một số diện tích muối truyền thống sang nuôi artemia.
Đưa đời sống diêm dân khấm khá hơn
Ngoài HTX nêu trên, trong nghề muối theo mô hình kinh tế hợp tác ở xã Điền Hải còn có HTX Nuôi trồng thủy sản và Diêm nghiệp Huy Điền. HTX hoạt động trong 2 lĩnh vực chính là sản xuất muối và nuôi Artemia. Tuy nhiên, dù hoạt động nhiều năm nay nhưng doanh thu và lợi nhuận của HTX vẫn còn khá khiêm tốn.
Kỳ vọng các HTX diêm nghiệp ở huyện Đông Hải đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị để giúp nâng cao đời sống cho các diêm dân.
HTX này hiện có 42 ha đất sản xuất với 30 thành viên, trong đó diện tích sản xuất muối truyền thống chiếm 20 ha, chiếm gần 50%. Nguyên nhân là do việc đầu tư phương pháp trải bạt kết tinh chi phí cao, vượt ngoài khả năng của diêm dân.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hoàng Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Diêm nghiệp Huy Điền, cho rằng "ngành nghề muối là cha truyền con nối, cứ hễ tới mùa là dân lại muốn làm muối, mặc dù ảnh hưởng rủi ro thời tiết nhưng bà con ở HTX vẫn còn yêu nghề muối lắm".
Theo ông Quốc, để giảm sức lao động cần phải dùng khoa học công nghệ như có máy móc, đầu tư trải bạt. HTX cũng rất quan tâm vấn đề tham gia vào OCOP để có thương hiệu sản phẩm, vì muối Bạc Liêu có vị đặc trưng như hậu ngọt khác với các địa phương khác.
“Sản lượng muối Bạc Liêu rất nhiều, chất lượng rất tốt, nhưng chỉ chế biến muối ăn nên giá trị chưa được cao. HTX đã xây dựng thương hiệu, nhằm đưa hạt muối Bạc Liêu ra các thị trường khác để đời sống diêm dân khấm khá hơn”, ông Quốc bày tỏ sự quyết tâm.
Hiện nay, cùng với xã Điền Hải, phần lớn diện tích muối của huyện Đông Hải đều thuộc các HTX, tổ hợp tác. Vì vậy, thời gian tới rất cần củng cố, kiện toàn các HTX, tổ hợp tác này và đặc biệt là cần đa dạng hóa ngành muối để nâng cao giá trị từ muối.
Do đó, huyện Đông Hải đang vận động các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ thực hiện theo hình thức hợp tác, liên kết thành các tổ hợp tác, HTX nhằm tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện cho bà con diêm dân tiếp cận với các chính sách hiện hành của Nhà nước về hỗ trợ sản xuất, chuyển giao kỹ thuật công nghệ.
Tin rằng với sự quan tâm hỗ trợ của Bộ NN&PTNT cũng như chính quyền tỉnh Bạc Liêu sẽ giúp nghề muối ở huyện Đông Hải phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới. Nhất là các HTX diêm nghiệp trong huyện cần phát huy hiệu quả vai trò quan trọng để nâng cao đời sống diêm dân, qua đó góp phần giúp huyện Đông Hải hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo trong thời gian tới.