Kỳ vọng chứng khoán sẽ hút mạnh dòng tiền trở lại

Các yếu tố vĩ mô ổn định ở mức thấp cùng sự phục hồi trở lại của nền kinh tế, thị trường chứng khoán được các chuyên gia của VinaCapital dự báo sẽ trở thành kênh thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong năm 2024.

Thị trường chứng khoán Việt 2024 được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại. Ảnh: Hoàng Anh

Thị trường chứng khoán Việt 2024 được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại. Ảnh: Hoàng Anh

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn năm 2023, chỉ số VN Index vẫn ghi nhận mức tăng 12,2%, cao hơn mức bình quân 11% trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Công ty quản lý quỹ VinaCapital cho rằng, đây vẫn là năm khó khăn đối với thị trường chứng khoán khi lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết giảm thấp hơn kỳ vọng, bên cạnh dòng tiền yếu cùng áp lực về tỷ giá hiện hữu.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước sang năm mới 2024 với nhiều hỗ trợ tích cực đến từ sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Theo ông Thái Quang Trung, Phó giám đốc đầu tư VinaCapital, đây là kết quả không quá ngạc nhiên trong môi trường lãi suất được điều chỉnh giảm khá mạnh năm 2023.

Thêm nữa, mức định giá P/E xấp xỉ 9 lần giai đoạn đầu năm 2023 là mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây và khiến đà tăng trong năm chủ yếu đến từ việc tăng mức định giá thị trường (yếu tố “P”) chứ không phải từ lợi nhuận cốt lõi của doanh nghiệp (yếu tố “E”).

Điều này thể hiện rõ qua mức tăng trưởng GDP thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Nguyên nhân nổi bật được ông Trung đưa ra là việc tăng trưởng xuất khẩu âm năm 2023 với sự suy giảm nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường truyền thống lớn như Mỹ và châu Âu, khiến đơn hàng giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận doanh nghiệp.

Thêm nữa, việc người dân trong nước thắt chặt chi tiêu tiêu dùng, trì hoãn nhu cầu mua nhà cũng tác động tiêu cực tới lợi nhuận các ngành sản xuất, bán lẻ, cũng như tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.

Ngoài ra, lãi suất cho vay giảm không tương ứng so với lãi suất huy động, “dư âm” của thị trường trái phiếu, tình trạng thiếu điện ở miền Bắc, khách du lịch Trung Quốc hồi phục không như dự kiến,… cũng khiến thị trường cũng như nền kinh tế trở nên ảm đạm trong năm 2023.

Dù vậy, tỷ lệ giải ngân đầu tư công/GDP đã tăng khả cao, khoảng 6% là điểm sáng lớn trong tăng trưởng GDP năm 2023.

Chia sẻ về triển vọng thị trường năm 2024, ông Trung cho biết, yếu tố “E” sẽ tích cực hơn và ít biến số khó lường như yếu tố “P”.

Theo đó, xuất khẩu đang dần phục hồi với mục tiêu GDP đạt 6 - 6,5%, mức lạm phát được kiểm soát 3 - 4% sẽ không gây “bào mòn” sức mua của người dân và doanh nghiệp.

Thị trường Mỹ được dự báo khủng hoảng ở mức “khiêm tốn”, sẽ gia tăng nhập khẩu trở lại hàng tồn kho, VinaCapital dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng bình quân khoảng 13% trong năm nay.

Về định giá “P” sẽ có nhiều biến số khó lường hơn, tuy nhiên theo ông Trung, mức P/E 10 vẫn là mức rẻ và là vùng đáy định giá thị trường. Thêm nữa, vị thế thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã rất khác và kỳ vọng mức P/E sẽ còn nhiều dư địa tăng thêm nữa trong thời gian tới.

Chia sẻ quan điểm về thị trường, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư, người điều hành Quỹ VinaCapital-VESAF cho biết, năm 2023, VNIndex chịu biến động nhiều bởi các yếu tố lợi nhuận và tỷ giá.

Phân tích về bộ ba chỉ số ảnh hưởng lớn tỷ giá, lãi suất và lạm phát, theo bà Phương, mức lạm phát trong năm qua khá ổn định khi CPI chỉ tương đương 2022 và thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó với sự hạ nhiệt của lạm phát toàn cầu.

Lạm phát 2024 được dự báo không quá áp lực do triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn khá yếu, đặc biệt khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi không như kỳ vọng.

Về lãi suất, đây là yếu tố tích cực trong năm 2023 khi Việt Nam sớm đi ngược xu thế với thế giới và hiện tại, lãi suất huy động tại các ngân hàng vẫn đang trong đà chỉnh giảm, kéo theo mức lãi suất cho vay sẽ dần giảm theo trong thời gian tới.

Ngoài ra, tỷ giá là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách tiền tệ và dòng tiền vào thị trường. Bà Phương cho biết, năm 2023 chỉ xuất hiện áp lực tỷ giá ở một vài thời điểm và chủ yếu do đầu cơ ngắn hạn tỷ giá do chênh lệch lãi suất, tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã sớm can thiệp linh hoạt để ổn định tỷ giá trở lại.

Dự báo năm 2024, với nội tại nền kinh tế phục hồi, khả năng thu hút ngoại tệ được duy trì, FED quay đầu giảm lãi suất khiến mức chênh lệch lãi suất không còn hấp dẫn, do đó, thị trường sẽ không chịu nhiều áp lực về tỷ giá.

Cùng quan điểm về định giá thị trường, bà Phương cho rằng mức định giá P/E thị trường sẽ tăng khi các yếu tố vĩ mô ổn định hơn kỳ vọng cùng sự phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp – điều sẽ thu hút mạnh dòng tiền đầu tư quay trở lại thị trường trong năm 2024.

Trên thực tế, lượng tiền chờ mua ở các tài khoản chứng khoán, tỷ lệ vay margin đang tăng dần qua các quý cho thấy các nhà đầu tư dần quan tâm trở lại thị trường, không chỉ kênh đầu tư như chứng khoán mà còn là bất động sản.

Đáng chú ý, bà Phương nhấn mạnh, việc chỉ số E/P (đo lường hiệu quả đầu tư) của thị trường hiện ở mức 10%, gấp đôi mức lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng là khoảng 5% sẽ càng hấp dẫn các nhà đầu tư quay trở lại tham gia thị trường trong thời gian tới.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ky-vong-chung-khoan-se-hut-manh-dong-tien-tro-lai-1705157198675.htm