Kỳ vọng 'cú hích trăm tỷ' với nguồn nhân lực Hải Dương
HĐND tỉnh Hải Dương đang xây dựng chính sách hỗ trợ lao động qua đào tạo với tổng kinh phí gần 122 tỷ đồng. Việc này kỳ vọng sẽ là 'cú hích' nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Thiếu lao động được đào tạo
Vừa qua, HĐND tỉnh Hải Dương giám sát về thực trạng nguồn lao động trên địa bàn tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương”
Qua giám sát, hội thảo cho thấy, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực qua đào tạo ở Hải Dương chưa đáp ứng yêu cầu cả về lượng và chất.
Năm 2023, dân số tỉnh Hải Dương khoảng 2 triệu người, trong đó lực lượng lao động trẻ từ 15 tuổi trở lên chiếm khoảng gần 1 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ mới đạt 32,5%.
Toàn tỉnh hiện có 8.682 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 375.660 lao động, chủ yếu vẫn là lao động phổ thông và đào tạo dưới 3 tháng.
Trong khi việc cung cấp lao động qua đào tạo ra thị trường còn thiếu thì tuyển sinh vào trường nghề cũng thiếu. Cụ thể, mạng lưới đào tạo nghề ở Hải Dương hiện có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp với quy mô đào tạo 34.600 học sinh, sinh viên/năm. Năm 2023, các cơ sở tuyển sinh đạt tỷ lệ thấp, chỉ tuyển được 21.834 người học (thiếu gần 38% so với chỉ tiêu).
Hằng năm, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp khoảng 80.000 người, trong đó cần nhiều lao động qua đào tạo và sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Là doanh nghiệp lớn tại khu công nghiệp An Phát 1, huyện Nam Sách (Hải Dương), Công ty TNHH Sản xuất công nghệ Biel Crystal chuyên sản xuất màn hình kính điện thoại có nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn lao động.
Hiện nay, doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong tìm kiếm những lao động có nhu cầu. Công ty này sẵn sàng nhận đào tạo sinh viên mới ra trường, có trả lương để vừa đào tạo, vừa làm.
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó Trưởng Phòng Lao Động, Thương binh và Xã hội huyện Nam Sách cho biết khó khăn của Công ty TNHH Sản xuất công nghệ Biel Crystal cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vì thiếu lao động chất lượng.
"Với quy mô các khu công nghiệp đang xây dựng, đã được quy hoạch, dự kiến nhu cầu về nguồn lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo rất lớn, đặc biệt với những ngành điện tử, công nghệ cao. Vừa qua HĐND tỉnh đã giám sát, tổ chức hội thảo và dự thảo chính sách, mong rằng sự vào cuộc này sẽ góp phần cải thiện nguồn nhân lực của tỉnh", bà Uyên chia sẻ.
Dự kiến hỗ trợ người lao động qua đào tạo gần 122 tỷ đồng
Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng tờ trình để trình HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người lao động đã qua đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và đang lấy ý kiến tham gia trong tháng 11. Các trường hợp thuộc diện hỗ trợ là sinh viên, học viên được tuyển sinh trong giai đoạn 2025-2027.
Theo đề xuất, mỗi người lao động thường trú tại Hải Dương qua đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh được hỗ trợ 2 triệu đồng khi hoàn thành khóa học, được cấp chứng chỉ và ký hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Người lao động thường trú tại Hải Dương qua đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng với một số ngành nghề có nhu cầu lao động lớn và phù hợp với việc thu hút đầu tư của tỉnh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/người khi hoàn thành khóa học và được cấp bằng trung cấp/cao đẳng.
Người lao động đã qua đào tạo ngành đặc thù, nặng nhọc, độc hại được hỗ trợ 5 triệu đồng/người đối với trình độ trung cấp và 7 triệu đồng/người đối với trình độ cao đẳng.
Những lao động qua đào tạo là người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an nhân dân học trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành như công nghệ kỹ thuật, logistics, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm)... được hỗ trợ, mức cao nhất 20 triệu đồng/người.
Dự kiến kinh phí thực hiện chính sách này khoảng gần 122 tỷ đồng với hàng chục nghìn người sẽ được hỗ trợ.
Nếu được thông qua, chính sách này sẽ góp phần thu hút người lao động học nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ trên địa bàn tỉnh đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025 đạt 33%, năm 2030 đạt 43%.
Ông Nguyễn Công Hải, đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương và là chủ doanh nghiệp nhận định nếu chính sách này được thông qua sẽ tác động tích cực tới thu hút đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động ở Hải Dương.
"Việc tuyên truyền chính sách tới người dân, doanh nghiệp cần được đặc biệt quan tâm để thu hút lao động. Tuy nhiên, song song với thực hiện chính sách này cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác mới có thể tạo chuyển biến rõ rệt về chất và lượng nguồn nhân lực ở Hải Dương", ông Hải chia sẻ thêm.
Dự kiến, HĐND tỉnh Hải Dương sẽ xem xét chính sách hỗ trợ người lao động đã qua đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm diễn ra đầu tháng 12 tới.