Kỳ vọng của người dân Thủ đô vào gần 900 tỷ đồng cải tạo 3 công viên
Ngay sau khi được HĐND TP Hà Nội thông qua tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư công, trong 3 năm (2024-2026), 886,4 tỷ đồng sẽ được dùng để cải tạo 3 công viên: Thống Nhất, Thủ Lệ và Bách Thảo. Sự kiện này được đánh giá sẽ đáp ứng mong muốn, tâm tư nguyện vọng của người dân Thủ đô về một thành phố 'xanh-sạch-đẹp', thành phố vì hòa bình.
Theo đó, hơn 408 tỷ đồng để được dùng để cải tạo Công viên Thống Nhất, gần 330 tỷ đồng để cải tạo Công viên Thủ Lệ và gần 149 tỷ đồng để cải tạo Công viên Bách Thảo.
Là người đã gắn bó với công viên Thủ Lệ (quận Ba Đình) suốt 60 năm qua, ông Phan Kỳ Khoa (phường Vĩnh Phúc) cho biết, công viên là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân chứ không phải “ngăn sông cấm chợ”. Người dân đi thể dục trong khung 8 giờ đến 17 giờ thì đều phải mua vé vào cửa là 30.000 đồng. Do đó, người dân muốn tập thể dục thì đều phải đi rất sớm và đợi đến khi công viên hết giờ thu vé.
"Đã được gọi là công viên thì phải đáp ứng, phục vụ nhu cầu của nhân dân chứ không phải quy định giờ nào thu vé, giờ nào không", ông Khoa nói.
Ông Khoa mong muốn, tất cả hệ thống kè ven hồ đã xuống cấp cần phải cải tạo đầu tiên. Hệ thống đường giao thông đi lại trong công viên phải bảo đảm không gây nguy hiểm cho người dân.
Với chị Nguyễn Lê Anh (phường Vĩnh Phúc), mỗi lần tới công viên Thủ Lệ vào sau 18 giờ đều là nỗi ám ảnh của chị và rất nhiều người dân khác. Hệ thống đèn chiếu sáng đều không hoạt động, tất cả đều nhờ vào các tòa nhà cao tầng xung quanh đó chiếu vào. Chưa kể, vấn đề vệ sinh các chuồng thú vẫn bốc mùi, ảnh hưởng đến chất lượng không khí của công viên.
Còn tại công viên Bách Thảo (quận Ba Đình), ông Nguyễn Tuấn Thanh luôn tự hào vì mình được tận hưởng không khí ở công viên đẹp nhất Thủ đô. Tuy nhiên, hệ thống đường đi đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn lún và nứt toác gây mất an toàn.
Không chỉ người cao tuổi, nhiều bạn trẻ cũng luôn chọn công viên Bách Thảo là điểm đến lý tưởng vào những ngày hè oi ả. Bạn Đặng Thu Xuân chia sẻ, khu vực ghế đá ngồi vô cùng hạn chế, mỗi buổi chiều đều chật kín và thật khó để có thể tìm được một chỗ ngồi trong công viên. Xuân cũng rất hy vọng công viên có căng-tin bán nước giải khát phục vụ nhu cầu của tất cả mọi người.
Rất phấn khởi sau khi nghe tin công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) sẽ được cải tạo, nhưng bà Đỗ Thị Quy (phường Tân Mai) vẫn mong ngóng về phương án quản lý thú cưng tại công viên. Bà Quy cho hay, tại các cổng vào của công viên đều có biển cảnh báo, xử phạt chó thả rông song chẳng mấy ai quan tâm. Ban quản lý cũng không có sự quản lý, nhắc nhở dẫn đến tình trạng chó thả rông khắp công viên vào giờ cao điểm.
Chị Trần Kim Thu (phường Phương Mai) cũng cho rằng, công viên Thống Nhất cần có các khu vực mái che để phòng trời mưa bất ngờ, người dân sẽ có chỗ để đứng. Ngoài ra, nhiều hạng mục theo thời gian đã cũ kỹ, han rỉ gây mất mỹ quan.
Ngoài những kỳ vọng trên, người dân Thủ đô cũng đặt kỳ vọng tuyệt đối vào sự quyết tâm của thành phố trong việc đưa ra những giải pháp triệt để “cởi trói”, trả lại không gian xanh vốn có của công viên đang bị “chia phần” làm nơi kinh doanh.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.