Kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vẫn đang là điểm tựa của giới đầu tư
Chứng khoán tiếp tục tăng trong phiên thứ Năm (21/3), khi cổ phiếu chip giao dịch tích cực sau dự báo lạc quan của Micron Technology, trong khi các nhà đầu tư cảm thấy tự tin hơn sau khi Fed giữ nguyên quan điểm cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay trong thông báo ngày hôm qua.
Nhà sản xuất chip Micron Technology tăng tới 14% lên mức nhất mọi thời đại, sau khi công bố lợi nhuận quý tăng vọt và dự báo doanh thu đầu tiên của năm nay cao hơn ước tính.
Các cổ phiếu công nghệ khác như Broadcom tăng 5,6% sau khi TD Cowen nâng xếp hạng cổ phiếu lên mức "vượt trội". Cổ phiếu của Nvidia cũng đóng góp thêm khi tăng hơn 1% và thúc đẩy chỉ số bán dẫn Philadelphia Semiconductor tăng 2,3%.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã bật tăng vào thứ Tư sau khi Fed giữ nguyên lãi suất và vẫn dự kiến sẽ giảm lãi suất 0,75% vào cuối năm 2024.
Công cụ CME FedWatch cho thấy thị trường hiện đang đánh giá 70% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6, so với khoảng 56% vào đầu tuần.
Đáng chú ý khác là chỉ số sản xuất PMI của Mỹ, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đạt 52,2 điểm trong tháng 3 so với 52,5 điểm trong tháng Hai.
Kết thúc phiên 21/3: Chỉ số Dow Jones tăng 269,24 điểm (+0,68%), lên 39.781,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,91 điểm (+0,32%), lên 5.241,53 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 32,43 điểm (+0,20%), lên 16.401,84 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng lên cao kỷ lục mới, được thúc đẩy bởi các cổ phiếu liên quan đến tài nguyên cơ bản và tâm lý tích cực trên thị trường, một ngày trước khi đón nhận các quyết định của nhiều ngân hàng trung ương.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,7% lên 509,77 điểm.
Cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản dẫn đầu với mức tăng 2,7%, khi giá của hầu hết các kim loại tăng sau khi Fed dự báo ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Các nhóm cổ phiếu khác như công nghệ và bất động sản, vốn nhạy cảm với lãi suất tăng lần lượt 3,2% và 2,2%, khi khẩu vị rủi ro tăng lên sau triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed.
Về mặt dữ liệu, hoạt động kinh doanh của Pháp đã giảm tháng thứ mười liên tiếp trong tháng Ba, trong khi suy thoái kinh tế của Đức giảm nhẹ khi hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ của nước này gần như ổn định.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh trong khu vực đồng euro nói chung đã tăng lên 49,9 điểm trong tháng 3 từ mức 49,2 điểm của tháng 2, khi áp lực lạm phát đã có tín hiệu hạ nhiệt.
Trong khi đó, trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã cắt giảm lãi suất 0,25% xuống còn 1,5%, trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên quay trở lại chính sách nới lỏng..
Kết thúc phiên 21/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 145,17 điểm (+1,88%), lên 7.882,55 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 164,12 điểm (+0,91%), lên 18.179,25 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 18,31 điểm (+,22%), lên 8.179,72 điểm.
Giá dầu thô giảm, chịu áp lực bởi dữ liệu nhu cầu xăng dầu yếu hơn của Mỹ và các báo cáo về dự thảo nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn ở Gaza.
Kết thúc phiên 21/3, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,2 USD/thùng (-0,3%), xuống 81,07 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,17 USD (-0,20%), xuống 85,78 USD/thùng.