Kỳ vọng Fed giảm lãi suất chi phối xu hướng VN-Index

Tuần giao dịch đầu tiên của chỉ số VN-Index trong tháng 7 đã diễn ra khá tích cực, đặc biệt trong hai phiên cuối tuần. Đóng cửa tuần giao dịch trước, VN-Index tăng 2,7%, lên mức 975,3 điểm.

Đây cũng là mức cao nhất mà chỉ số này đạt được trong hơn một tháng qua. Những thông tin tích cực từ cuộc gặp Mỹ - Trung bên lề hội nghị G-20, cùng với kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất, hay Dow Jones lập đỉnh mọi thời đại đã có những tác động tích cực nhất định đối với tâm lý nhà đầu tư trong nước.

 Nếu bối cảnh thế giới thuận lợi, VN-Index có thể sẽ hướng tới đích 1.000 điểm ngay trong tháng 7 này. Ảnh minh họa Thành Hoa

Nếu bối cảnh thế giới thuận lợi, VN-Index có thể sẽ hướng tới đích 1.000 điểm ngay trong tháng 7 này. Ảnh minh họa Thành Hoa

Cùng với sự cải thiện về điểm số, thanh khoản thị trường cũng cải thiện với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn TPHCM (HOSE) đạt 2.682 tỉ đồng/phiên, tăng 4,2% so với tuần trước đó. Tuy vậy, nhìn chung thì mức độ cải thiện của dòng vốn nội vẫn khá khiêm tốn, cho thấy sẽ không dễ để VN-Index kích hoạt lại được sự hưng phấn của dòng tiền sau những tháng giao dịch “uể oải” gần đây.

Các quỹ ETFs sau giai đoạn phát hành chứng chỉ mạnh trong tháng 6 đã khởi đầu tháng 7 khá trầm lắng. Ngoại trừ VFMVN30 ETF phát hành ròng 6 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng 87 tỉ đồng, các quỹ ETFs khác như VNM ETF, FTSE Vietnam ETF không có hoạt động nào trong tuần qua. Dù dòng tiền ETFs trầm lắng nhưng khối ngoại vẫn mua ròng gần 50 tỉ đồng trên toàn thị trường tuần qua, tập trung vào PLX (298 tỉ đồng), VJC (69 tỉ đồng), E1VFVN30 (65,3 tỉ đồng)...

Trong tuần này, về các thông tin mang tính ngoại biên, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu sẽ tập trung vào phiên điều trần kéo dài hai ngày (bắt đầu vào thứ 4) của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ. Phiên điều trần này có ý nghĩa quan trọng vì có thể cung cấp thêm các “manh mối” để nhà đầu tư có thể dự đoán về thời điểm Fed cắt giảm lãi suất. Ngay sau đó, biên bản họp tháng 6 của Fed cũng sẽ được công bố vào cuối tuần.

Hiện tại, theo công cụ đo lường của CME, nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp vào cuối tháng này (ngày 31-7) với xác suất dự báo lên tới (93%). Tuy nhiên, cần lưu ý đây chỉ là kỳ vọng của thị trường còn việc Fed hành động thế nào phụ thuộc vào nhiều biến số khác, trong đó quan trọng nhất là sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, mà cụ thể là diễn biến lạm phát và tình hình thị trường lao động.

Một dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố vào thứ Sáu cuối tuần trước là báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ. Báo cáo này cho kết quả vượt kỳ vọng khi có tới 224.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng trước, trong khi dự báo của giới chuyên gia trước đó chỉ ở mức 160.000 việc làm.

Thị trường lao động vẫn đang diễn biến tích cực có thể là nhân tố khiến Fed chưa cắt giảm lãi suất ngay trong cuộc họp cuối tháng 7 mà chờ đến các cuộc họp tiếp theo. Bên cạnh đó, việc xung đột thương mại Mỹ - Trung tạm ngừng leo thang cũng giúp bớt đi một nhân tố rủi ro cho kinh tế Mỹ. Phiên giao dịch đầu tuần này, hầu hết các TTCK tại châu Á đều giảm điểm khá mạnh (trong đó có VN-Index) trước triển vọng khả năng cắt giảm lãi suất ngay trong tháng này của Fed giảm bớt sau dữ liệu về việc làm.

Về các thông tin trong nước, tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm đạt mức 7,33%, thấp hơn mức 7,8% của cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, trong hai tuần cuối tháng 6, tín dụng đã có mức tăng khá đột biến, hơn 1 điểm phần trăm chỉ trong vòng hai tuần (tín dụng đến ngày 18-6 mới tăng 6,22%).

Điều này cho thấy có thể đã có “động cơ” đẩy tín dụng vào thời điểm cuối quí của hệ thống ngân hàng. Nếu đúng như vậy thì cũng chưa nên lạc quan về đà tăng tín dụng vì sau thời điểm cuối tháng 6, tín dụng có thể giảm trở lại và mục tiêu tăng trưởng 14-15% vẫn cần được theo dõi tiếp.

Về phương diện lãi suất, trong hai tháng gần đây lãi suất huy động các kỳ hạn dài tiếp tục tăng nhẹ và neo ở mức cao. Từ đầu năm 2019 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng đã tăng khoảng 50 điểm và tập trung tăng chủ yếu ở các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên).

Với bối cảnh hệ thống ngân hàng vẫn đang thiếu vốn để đáp ứng chuẩn CAR của Basel II và lộ trình giảm tiếp tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30% trong các năm sắp tới, mặt bằng lãi suất huy động trung và dài hạn khó có khả năng giảm từ giờ cho tới cuối năm. Theo đó lãi suất cho vay các lĩnh vực không ưu tiên cũng khó có thể giảm.

Nếu bối cảnh thế giới thuận lợi, VN-Index có thể sẽ hướng tới đích 1.000 điểm ngay trong tháng 7 này. Ngược lại, nếu kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất chưa diễn ra ngay, giới đầu tư có thể sẽ có những thất vọng nhất định. Khi đó, VN-Index sẽ cần thêm thời gian để tiếp tục tích lũy trước khi nghĩ đến chuyện bứt phá xa hơn!

Bình An

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291291/ky-vong-fed-giam-lai-suat-chi-phoi-xu-huong-vn-index.html