Kỳ vọng gì về bộ phim Việt đầu tiên khai thác đề tài sinh tồn?

Dù gây tranh cãi khi tái hiện lại câu chuyện thực tế trên những thước phim điện ảnh, nhưng với những 'bí ẩn' về cuộc khám phá con đường trekking đẹp nhất Việt Nam, bộ phim điện ảnh 'Tà Năng – Phan Dũng' vẫn có sức hút riêng khó trộn lẫn.

Giữa tháng 5, đoàn làm phim điện ảnh “Tà Năng – Phan Dũng” chính thức ra mắt dàn diễn viên chính và teaser giới thiệu bộ phim sau nhiều ngày giữ bí mật.

Dàn diễn viên nam, nữ chính được “chọn mặt gửi vàng” qua dự án phim gồm: Huỳnh Thanh Trực (Á quân Gương mặt điện ảnh 2017), Trần Phong (từng có vai diễn thành công Dũng “sở khanh” trong “Mắt biếc”), Thùy Anh (nữ chính của “Đập cánh giữa không trung”). Phim còn có sự tham gia của các nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Hữu Châu, Kiều Trinh, Bích Hằng,…Dự kiến phim ra mắt khán giả vào tháng giữa tháng 10-2020.

"Tà Năng - Phan Dũng" từng được gọi là con đường trekking đẹp nhất Việt Nam

"Tà Năng - Phan Dũng" từng được gọi là con đường trekking đẹp nhất Việt Nam

Bộ phim được truyền cảm hứng từ những chuyến đi của chính đạo diễn Trần Hữu Tấn và những người bạn trên các cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam, nhưng cũng đầy hiểm trở. Không bất ngờ khi poster giới thiệu bộ phim có dòng chú thích “Đừng tách đoàn”.

Trong buổi công bố dự án, đoàn làm phim giới thiệu “Tà Năng – Phan Dũng thuộc thể loại phim tâm lý, giật gân. Dù chưa phải là đề tài “mới toanh” trong phim Việt, nhưng với việc đạo diễn quyết định khai thác theo thể loại sinh tồn, đây là thể loại ít có trong phim Việt.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ, đây là dự án khá áp lực về khán giả bởi anh là người đầu tiên làm thể loại này. Trong khi khán giả Việt đã quen thuộc với nhiều phim sinh tồn trên thế giới nên bộ phim khó tránh khỏi sự so sánh. Chính áp lực là độnglực để đạo diễn trẻ tâm huyết với dự án. Anh quyết tâm làm mọi thứ tốt nhất để khi khán giả xem họ cảm thấy Việt Nam có thể làm phim sinh tồn tốt như vậy.

Theo đạo diễn Trần Hữu Tấn, hiện nay, có 2 dạng phim sinh tồn, một dạng là nhân vật chọn cái sinh tồn, nhân vật họ chấp nhận cái sinh tồn. Dạng thứ hai đó là nhân vật vô tình bị đẩy vào tình tế và bắt buộc phải sinh tồn. “Tà Năng – Phan Dũng” là hướng đi theo dòng phim thứ 2.

Đánh giá về diễn xuất của dàn diễn viên, đạo diễn Trần Hữu Tấn thông tin về việc lựa chọn dàn diễn viên phù hợp, hứa hẹn mang đến khán giả cảm nhận chân thực như những nhân vật bước ra từ trong kịch bản.

Tham gia vào dự án phim khai thác đề tài sinh tồn đầu tiên tại Việt Nam, diễn viên Trần Phong (từng có vai diễn thành công Dũng “sở khanh” trong “Mắt biếc”) cảm nhận về quá trình làm phim vất vả. Anh chia sẻ việc phải vượt qua nhiều ngọn đồi, ngọn thác để tới được cảnh quay. Cảnh quay đáng nhớ nhất là ngày đầu tiên tôi bị sốc nhiệt vì bản thân chưa thích ứng được khí hậu lạnh 7-9 độ trên rẻo núi.

Nam, nữ diên viên chính tham gia dự án phim chụp ảnh kỷ niệm

Nam, nữ diên viên chính tham gia dự án phim chụp ảnh kỷ niệm

Diễn viên Thùy Anh cho biết, tham gia bộ phim khiến cô bị bầm dập từ trong phim đến đời. Diễn viên bắt đầu dậy từ 3g sáng để trang điểm, 5g bắt đầu những cảnh quay đầu tiên và kết thúc quay lúc 7g tối. Quá trình làm việc liên tục dưới thời tiết khắc nghiệt ban ngày nóng rát, buổi tối lạnh thấu xương là những trải nghiệm khó quên.

Còn nỗi sợ lớn nhất của nam diễn viên Huỳnh Thanh Trực là trải nghiệm ăn ếch sống. Đến bây giờ, anh còn ám ảnh và không muốn thử lại lần thứ hai. Để thực hiện tốt cảnh quay, Huỳnh Thanh Trực phải diễn cảnh ăn ếch sống đến 3 lần, cảm giác sau vài tháng đóng máy vẫn còn ám ảnh.

Được biết, bộ phim quay vào thời điểm mùa cỏ cháy, khí hậu khắc nghiệt nơi đỉnh núi là những thách thức không nhỏ với ê-kíp làm phim. 36 ngày quay phim liên tục là một hành trình khám phá thiên nhiên đẩy rủi ro, khắc nghiệt.

Đạo diễn trẻ Trần Hữu Tấn với dự án "Tà Năng - Phan Dũng" được coi là bước ngoặt sau bộ phim "Bắc Kim Thang" ra mắt năm 2019

Đạo diễn trẻ Trần Hữu Tấn với dự án "Tà Năng - Phan Dũng" được coi là bước ngoặt sau bộ phim "Bắc Kim Thang" ra mắt năm 2019

Đối với đạo diễn Trần Hữu Tấn, chi tiết về tình bạn, tình người, những hồ nghi trong thời khắc sinh tử là chi tiết khó truyền tải trong bộ phim.

Riêng nhà sản xuất Hoàng Quân, anh đánh giá cao chất lượng của bộ phim này. “Bộ phim “Tà Năng - Phan Dũng” là niềm tự hào của ekip trong công tác tổ chức và điều phối sản xuất. Bối cảnh phim khá phức tạp, điều kiện thời tiết thì liên tục thay đổi với biên độ lớn giữa ngày và đêm, quãng đường di chuyển xa và vất vả, đa phần ê-kíp đều phải đi bộ. Thiết bị, nước uống, thực phẩm, thuốc thang, máy móc đều được di chuyển bằng xe công nông và xe chuyên dụng (đoàn phim gọi vui là Grab rừng). Vừa phải đảm bảo việc quay phim và sinh hoạt trong rừng không để lại bất kỳ sự thương tổn nào cho thiên nhiên trong khu vực, vừa phải dọn dẹp rác (kể cả đầu thuốc lá) ở mỗi bối cảnh. Đó là chưa kể đến việc tổ sản xuất luôn ở trong tình trạng cảnh giác về việc “bất kỳ ai trong đoàn đều có thể bị lạc” nên phải tính đến phương án cứu hộ và khoanh vùng cảnh báo xung quanh khu vực trại”, nhà sản xuất Hoàng Quân cho hay,

Với sự đầu tư, tâm huyết của đoàn làm phim, nhiều người kỳ vọng vào hiệu ứng phim khi phát hành được khán giả đón nhận thay vì những tranh cãi trái chiều. Bởi, trước khi dự án phim được giới thiệu, bên cạnh những bình luận tích cực bộ phim vướng không ít tranh cãi trái chiều về việc tái hiện lại những nỗi đau với gia đình, bạn bè của các nạn nhân bị tử nạn trong quá trình thám hiểm. Thậm chí, có khán giả đòi tẩy chay bộ phim vì khơi lại những nỗi đau xót với những gia đình có con cái bị tử nạn trong hành trình đi phượt.

Dù rằng, đó chỉ là những thước phim điện ảnh, nhưng nếu nhà làm phim không có cách dàn dựng khéo léo, tinh tế, mà chỉ phản ánh sự thật trần trụi của hành trình thám hiểm thì rất dễ gây tổn thương cho những người đã từng một lần gánh chịu nỗi đau mất đi người thân, bạn bè. Còn nếu bộ phim mục tiêu bán vé thì việc “khua chiêng, gõ trống” để khán giả ra rạp hay chăng chỉ là “trò đời” mà thôi.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ky-vong-gi-ve-bo-phim-viet-dau-tien-khai-thac-de-tai-sinh-ton-195340.html