Kỳ vọng 'hái trái ngọt'

Nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran những ngày qua bước đầu phát đi tín hiệu tích cực. Các nhà lãnh đạo Pháp, Nga, Đức, Nhật Bản đều cam kết thúc đẩy đối thoại giữa Washington và Tehran, sau khi các nhà lãnh đạo G7 đạt đồng thuận về một số vấn đề liên quan thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, những vấn đề gai góc nhất gây bất đồng giữa Mỹ và Iran vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran M.Zarif thực hiện chuyến thăm châu Á, tới Trung Quốc, Nhật Bản và Ma-lai-xi-a, ngay sau khi ông bất ngờ xuất hiện tại thành phố Biarritz của Pháp, nơi diễn ra Hội nghị cấp cao G7. Các chuyến “ngoại giao con thoi” của Bộ trưởng M.Zarif nằm trong nỗ lực khai thông bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran, cũng như tìm kiếm biện pháp giúp Tehran ứng phó khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Pháp E.Macron cho biết, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về hai vấn đề quan trọng, gồm bảo đảm Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân; và không để căng thẳng hiện nay đe dọa ổn định khu vực. Tổng thống Nga V.Putin cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất của Tổng thống Pháp nhằm khôi phục tính khả thi của thỏa thuận hạt nhân Iran, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời cam kết thúc đẩy các sáng kiến giúp vượt qua khủng hoảng.

Theo các nhà phân tích, nỗ lực làm trung gian hòa giải mới đây của Tổng thống Pháp E.Macron nhằm tìm cách đưa Mỹ và Iran tới bàn đàm phán dường như được sự chấp thuận từ cả Tehran và Washington, mang lại hy vọng xoa dịu căng thẳng tại vùng Vịnh. Việc Tổng thống Pháp làm trung gian hòa giải được cho là “tia hy vọng le lói” cho vấn đề hạt nhân Iran, khi trong những tuần qua, ông E.Macron thường xuyên liên lạc với cả hai phía, đưa ra đề xuất về giải pháp ngoại giao thay thế đối đầu. Tiếp nối các động thái từ Pháp, Thủ tướng Nhật Bản S.Abe cũng lên kế hoạch gặp Tổng thống Iran H.Rouhani bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, dự kiến diễn ra tại Niu Oóc (Mỹ) trong tháng 9 này.

Sau cuộc gặp người đồng cấp của Pháp, Tổng thống Mỹ D.Trump đã thể hiện thái độ tích cực hơn về vấn đề Iran, khi nói rằng, Washington không muốn rơi vào một cuộc chiến với nước Cộng hòa Hồi giáo. Ông chủ Nhà trắng nhấn mạnh, Mỹ không tìm cách thay đổi chính quyền tại Iran và để ngỏ khả năng gặp Tổng thống H.Rouhani trong hoàn cảnh thích hợp. Bộ trưởng Quốc phòng M.E-xpơ kêu gọi Iran tham gia các cuộc thảo luận với Mỹ nhằm giảm căng thẳng tại vùng Vịnh... Tuy nhiên, bất đồng gay gắt về các vấn đề mấu chốt khiến Iran và Mỹ không dễ nhượng bộ lẫn nhau. Mỹ tiếp tục gây sức ép với Iran thông qua các lệnh trừng phạt và kêu gọi các đồng minh tham gia liên minh bảo vệ tàu thuyền tại Eo biển Hormuz, việc bị Iran phản đối mạnh mẽ. Tehran nhiều lần khẳng định rằng, việc bảo vệ an ninh ở vùng Vịnh thuộc về trách nhiệm của các nước trong khu vực. Trong khi đó, Tehran khẳng định sẽ chỉ tham gia đàm phán nếu Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Iran cáo buộc là “cuộc chiến kinh tế” chống người dân nước này.

Mỹ tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Iran, song lại kiên quyết không thay đổi lập trường. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ J.Bolton nhấn mạnh, nếu đạt một thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân Iran, đương nhiên là các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này sẽ chấm dứt. Một thỏa thuận toàn diện như Mỹ yêu cầu được hiểu là phải gồm cả chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, vấn đề mà Iran nhiều lần thẳng thừng bác bỏ đưa ra thương lượng. Iran cũng đã từ chối đề nghị của Tổng thống Pháp nhằm đưa chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran vào nội dung các cuộc đàm phán mới.

Một phái đoàn Iran đang chuẩn bị cho chuyến thăm Pháp tuần tới để tiếp tục thảo luận về những bước tiến trong nỗ lực trung gian của Paris nhằm giảm căng thẳng Mỹ - Iran. Tuy nhiên, việc cả hai phía Washington và Tehran đều đặt điều kiện cho việc tiến hành đàm phán, cũng như việc dỡ bỏ trừng phạt của Mỹ đối với Iran, khiến các nỗ lực ngoại giao khó có thể “hái trái ngọt” như kỳ vọng.

HÀ ĐAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41419802-ky-vong-%E2%80%9Chai-trai-ngot%E2%80%9D.html