Kỳ vọng hóa rồng

Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chứng kiến thành tựu phát triển kinh tế ở Việt Nam do Đổi mới mang lại, nhiều chuyên gia, định chế nước ngoài đã kỳ vọng Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành con rồng châu Á, sau Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông.

Còn nhớ sau khi thực hiện Đổi mới vào năm 1986, kinh tế Việt Nam đã đạt được những mức tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, trong giai đoạn 1991-1995, mức tăng trưởng bình quân lên đến 8,2%/năm. Và 10 năm sau đó (1996-2005), tăng trưởng liên tục được duy trì ở mức 7,5%/năm. Mức tăng trưởng mạnh trong thời gian dài đã khiến nhiều nhà quan sát liên tưởng đến sự phát triển thần tốc của các nền kinh tế con rồng châu Á trước đó. Vì vậy, sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1995, nhiều chuyên gia đưa ra những phân tích, dự báo về khả năng hóa rồng của Việt Nam.

Ngày 29-7-1995 tờ New York Times (NYT) nhận định: “Việt Nam là quốc gia mới nổi có hy vọng đăng ký làm thành viên Câu lạc bộ rồng châu Á”. Theo ghi nhận của NYT, tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 9%, trong khi các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đạt tốc độ tăng trưởng 15%. Peter Scott, Giám đốc điều hành của Quỹ Beta Funds Limited ở London, nhận định: “Trong 5 năm tới, Việt Nam có thể có nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới”.

Đến năm 1997, kỳ vọng về Việt Nam - con rồng mới châu Á, tiếp tục được thổi lên, khi Đại học Loyola, Chicago tiến hành một nghiên cứu cặn kẽ phân tích khả năng của kinh tế Việt Nam: “Việt Nam đã phát triển từ một nền kinh tế yếu nhất ở châu Á trong những năm đầu thập niên 80, thành nước giành giải thưởng kinh tế Euromoney Best Matiaged Economy Award trong thập niên 90. Nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng Việt Nam trong quá trình cải cách kinh tế, đã đổ xô thâm nhập thị trường này”. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra những điểm yếu Việt Nam cần khắc phục và nhà đầu tư cần cẩn trọng, đặc biệt là các chính sách không nhất quán đã cản trở quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường…

Nhưng những kỳ vọng về con rồng Việt Nam từ năm 1995 đến nay vẫn chưa phai nhạt. Ngày 31-10-2023, tờ Globely News có bài viết nhận định: “Việt Nam rất có tiềm năng để trở thành con rồng châu Á tiếp theo, nếu khắc phục được một số điểm yếu". Tờ báo nêu một số lý do. Thứ nhất, Việt Nam đã chuyển đổi mạnh từ các ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, sang các sản phẩm công nghệ cao. Và đây chính là bước phát triển giúp Việt Nam vượt qua Hàn Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Mỹ, tính theo giá trị nhập khẩu vào năm 2022.

Thứ hai, Việt Nam đang nổi lên như một địa chỉ thu hút đầu tư hấp dẫn. Thay vì cạnh tranh với danh hiệu “công xưởng thế giới” của Trung Quốc, Việt Nam đã tự coi mình là điểm đến sản xuất bổ sung cho Trung Quốc trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng toàn cầu. Làm như vậy, Việt Nam đã chiếm được một số thị phần xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc. Việt Nam cũng đang chào đón Huawei trở lại. Theo Globely, Việt Nam có tiềm năng trở thành nước xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao lớn thứ 4 sau Trung Quốc, Đài Loan và Đức.

Thứ ba, mô hình kinh tế Việt Nam đang theo đuổi, được phương Tây đánh giá tích cực hơn so với Trung Quốc. Globely viết: “Dù theo sau Trung Quốc trong nỗ lực trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao, nhưng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, và được coi không đe dọa đến các nền kinh tế phương Tây và châu Á”.

Với riêng TPHCM, được nhiều nhà quan sát nhận định đã nổi lên như một trung tâm nổi bật cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, có tốc độ tăng trưởng đáng kể và thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi. Đầu tiên, TPHCM đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội trong những năm gần đây. Các yếu tố như ổn định chính trị, vị trí địa lý chiến lược và môi trường kinh doanh năng động, đã đóng vai trò then chốt trong sự tăng trưởng vượt bậc này. TPHCM cũng đã đa dạng hóa nền kinh tế, thu hút thành công đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất, công nghệ thông tin, tài chính, bất động sản, du lịch và bán lẻ. Sự đa dạng hóa này giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc quá mức vào một ngành duy nhất. TPHCM cũng là nơi thu hút lực lượng lao động trẻ, tài năng của đất nước, với khoảng 70% ở độ tuổi dưới 35.

Kỳ vọng với Nghị quyết 98/2023, Quốc hội đã trao cho TPHCM nhiều cơ chế chính sách mới, khá toàn diện, tạo đà cho TPHCM tăng tốc, phát triển. Hành động quyết liệt hiện thực hóa Nghị quyết 98 là trọng trách, sứ mệnh của TPHCM đối với cả nước, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-vong-hoa-rong-post725473.html