Kỳ vọng kinh tế TPHCM 2024 sẽ 'vừa tăng tốc, vừa vượt chướng ngại vật'
TPHCM đã vượt qua 'cơn gió ngược' từ suy giảm kinh tế toàn cầu, để phục hồi trong giai đoạn cuối năm 2023 và chuẩn bị đà tăng tốc trong năm 2024.
Vượt qua “cơn gió ngược”
Thực hiện chương trình làm việc năm 2023 của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XI, ngày 2/12, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI mở rộng được tổ chức.
Hội nghị thảo luận nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội của TPHCM trong năm 2023 và định hướng năm 2024.
Bí thư Thành ủy TPHCM - Nguyễn Văn Nên cho biết, từ cuối năm 2022, thành phố vừa tận dụng thời cơ, thuận lợi để vượt qua thử thách, vừa vẫn khắc phục hậu quả do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, những yếu tố khó khăn, bất lợi xuất hiện, vượt ra ngoài dự báo ban đầu. Điều này dẫn đến tăng trưởng kinh tế của TPHCM bị “chạm đáy” trong quý I/2023.
Trước bối cảnh đó, Thành ủy đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để tiếp tục khắc phục, thích ứng, tháo gỡ, khơi thông nguồn lực. Đến nay, các nhiệm vụ chủ yếu năm 2023 cơ bản hoàn thành, tăng cường phục hồi từng bước, quý sau cao hơn quý trước.
“Tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM dự báo cả năm 2023 tăng khoảng 5,8%, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhưng nhìn lại quý I năm 2023 chỉ tăng 0,7%, quý IV tăng 9,62% thì mới thấy, kết quả đó là rất đáng trân trọng”, ông Nguyễn Văn Nên nhận định.
Chất lượng tăng trưởng phục hồi và từng bước nâng lên, thể hiện qua việc huy động, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, phát triển giáo dục và đào tạo, y tế, phúc lợi xã hội, cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững...
Những nỗ lực trên được Bí thư Thành ủy TPHCM ví như thành phố đã vượt qua “cơn gió ngược”: Vừa khắc phục khuyết - nhược điểm, vừa duy trì phục hồi, vừa kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến tích cực từng tháng, quý.
Song, người đứng đầu Thành ủy TPHCM nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố vẫn còn những mặt chưa làm được, hạn chế, thậm chí có mặt còn yếu kém. Trong đó, nổi lên là việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược, nhất là về kết cấu hạ tầng về kinh tế - xã hội.
Nhiều chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt kế hoạch. Một số chủ trương, nhiệm vụ tuy đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả vẫn còn chậm, như công tác quy hoạch, giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, nhà ở xã hội…
Công tác xây dựng chính quyền đô thị thông minh, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính và chất lượng công vụ chưa đạt yêu cầu mong muốn; sự phân cấp, phân quyền và phối hợp giữa các sở, ngành, các cơ quan Nhà nước có lúc có nơi còn chưa tốt.
Hội nghị trên dự báo, trong năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó đoán định. Kinh tế toàn cầu theo dự báo chưa có nhiều lạc quan, kinh tế trong nước tiếp tục bị “tác động tiêu cực” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong. Thuận lợi và khó khăn, thách thức trong năm tới đan xen nhưng thách thức nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với TPHCM. Thành phố phải tận dụng thời cơ tối đa, phát huy những cơ hội, đồng thời thích ứng linh hoạt với những biến động bất thường để vượt qua. Thành phố sẵn sàng vừa tăng tốc, vừa vượt chướng ngại vật để về đích.
Tận dụng cơ chế đặc thù
Tại hội nghị trên, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM nêu một số định hướng nhiệm vụ của thành phố trong năm 2024.
Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực, TPHCM tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và chuyển đổi số.
Liên quan đến việc thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù, ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ tham mưu để sớm ban hành các văn bản, nghị định hướng dẫn của Trung ương, đồng thời tập trung thực hiện thật tốt các nghị quyết mà HĐND TPHCM đã ban hành.
Thành phố sẽ nghiên cứu, xây dựng các cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền của TPHCM; đề xuất các cơ chế đột phá, vượt trội từ tinh thần của Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Trong đó, TPHCM tập trung vào phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD); kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược; đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị và các vấn đề có liên quan đến thị trường tín chỉ carbon.
Một trong những nội dung khác là TPHCM cũng tập trung phối hợp cơ quan Trung ương đẩy nhanh các công tác chuẩn bị liên quan đến đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ; dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Riêng về lĩnh vực chuyển đổi số, TPHCM sẽ tập trung hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai, vận hành hệ thống thông tin quản lý đất đai và hệ thống thông tin quản lý cấp phép xây dựng thống nhất trên toàn thành phố.
Theo người đứng đầu chính quyền TPHCM, năm 2024, kinh tế số chiếm tỷ trọng 22% trong cơ cấu kinh tế của thành phố; đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 25%, bằng với chỉ tiêu nghị quyết Đại hội XI mà Đảng bộ TPHCM đã đề ra.
“Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI thảo luận 4 vấn đề quan trọng: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TPHCM năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024; Báo cáo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận năm 2023 và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2024; Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Thành ủy TPHCM về tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về tăng cường lãnh đạo đối với các hoạt động kinh tế Đảng của Đảng bộ thành phố”.