Kỳ vọng Lâm Đồng bứt phá để phá vỡ 'tảng băng' trong thu hút đầu tư

Để phá vỡ 'tảng băng' trong thu hút đầu tư, chính quyền tỉnh Lâm Đồng thống nhất và cam kết đồng hành với doanh nghiệp từ trong nhận thức đến hành động.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 956/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Hồng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Đồng thời, tại Kỳ họp thứ 17 Khóa X Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng được tổ chức ngày 23/8/2024 đã bầu bà Phạm Thị Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy giữ chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng ngày 25/8/2024. Ảnh: Lê Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng ngày 25/8/2024. Ảnh: Lê Sơn

Như vậy, bộ máy lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng đã được kiện toàn. Đây là tiền đề, cơ sở để hệ thống chính trị của tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết các khó khăn, thách thức, đưa Lâm Đồng phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế. Nhất là lấy lại vị thế của một tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên về tăng trưởng GRDP.

Những thách thức "bủa vây" Lâm Đồng

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn, diện tích xếp thứ 7 cả nước, địa hình đa dạng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nhất là thế mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, còn có tiềm năng phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản. Hệ thống giao thông thuận lợi, khá đồng bộ; có nguồn nhân nhân lực khá dồi dào với hệ thống giáo dục đào tạo phát triển...

Dự án thủy điện Cam Ly TP. Đà Lạt đang gặp khó trong quá trình chuyển nhượng. Ảnh: Lê Sơn

Dự án thủy điện Cam Ly TP. Đà Lạt đang gặp khó trong quá trình chuyển nhượng. Ảnh: Lê Sơn

Tuy nhiên, hiện tại nhìn vào một số chỉ số kinh tế - xã hội của địa phương này, nhiều người không khỏi bất ngờ và có thể cảm nhận được bức tranh không thật sự tươi sáng.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, Lâm Đồng chỉ thu hút được 1 dự án đầu tư, chỉ số tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đã “chạm đáy” vùng Tây Nguyên (trong khi những năm trước đây, Lâm Đồng luôn đứng đầu các tỉnh Tây Nguyên về chỉ số GRDP), đứng thứ 58/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, tình hình hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký. Cụ thể, có 582 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 2.676 tỷ đồng, giảm 14% về số doanh nghiệp và 30,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng cao (578 doanh nghiệp), tăng 26,5% so cùng kỳ.

Vẫn phải nhắc lại Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của Lâm Đồng xếp thứ 46 cả nước, giảm 31 bậc; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố, giảm 39 bậc so với năm 2022.

Theo báo cáo tình hình công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có tín hiệu tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước trong 8 tháng năm 2024 đạt 68% dự toán Trung ương và đạt 63% dự toán địa phương, nhưng dự báo những tháng cuối năm gặp nhiều khó khăn.

Bàn luận về chỉ số năng lực cạnh tranh của Lâm Đồng thời gian qua, đồng chí Nguyễn Thái Học, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã thẳng thắn thừa nhận rằng: "Nhiều người nói rằng là rơi tự do chứ không còn tụt nữa. Từ vị trí 17 xuống 56 là vấn đề mà không thể không tự hỏi tại sao chúng ta như thế này".

Cần triệt tiêu những yếu tố kéo lùi môi trường đầu tư

Vì đâu một địa phương được 'ban tặng' hàng loạt điều kiện thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế "rót vốn" sản xuất kinh doanh lại bị các "đại bàng" do dự về làm “tổ”? Trong khi đó, Lâm Đồng hay bất kỳ địa phương nào cũng phải tuân thủ các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như nhau. Phải chăng, một trong những nguyên nhân nằm ở cách vận hành của hệ thống thực thi pháp luật, của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng ngày 25/8/2024. Ảnh: Lê Sơn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng ngày 25/8/2024. Ảnh: Lê Sơn

Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương năm 2024 diễn ra ngày 22/6/2024, đồng chí Nguyễn Thái Học, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng thừa nhận, thời gian qua, sự phối kết hợp giữa cán bộ, các cấp chính quyền với doanh nghiệp có lúc chưa tốt, chưa thể hiện sự chia sẻ đồng hành, thiếu thiện chí, thiếu sự quan tâm với doanh nghiệp trong xem xét, xử lý các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Trong lĩnh vực đất đai, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho thấy, năm 2023, chỉ số tiếp cận đất đai của Lâm Đồng đã giảm 1,41 điểm, xuống còn 6,42 điểm. 48% tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính đất đai không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; 38% tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian; 71% tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai.

Hàng triệu mét khối cát đang chờ đấu giá. Ảnh: Lê Sơn

Hàng triệu mét khối cát đang chờ đấu giá. Ảnh: Lê Sơn

Về lĩnh vực khai thác, tận thu khoáng sản đang diễn ra nghịch cảnh hàng triệu mét khối cát của các doanh nghiệp nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi… làm vật liệu thông thường không thể đưa ra thị trường vì chờ đấu giá. Từ đó, dẫn đến nguồn cung khan hiếm, giá cát xây dựng tăng cao so với các tỉnh lân cận. Đó là thực tế đang diễn ra tại Lâm Đồng, không biết những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản tại Lâm Đồng đến bao giờ mới được tháo gỡ, giải quyết.

Điều nữa, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy điện đã “than phiền” chưa bao giờ làm thủ tục đề nghị giải quyết chuyển nhượng dự án, thay đổi chủ đầu tư đối với một dự án thủy điện trên địa bàn TP. Đà Lạt lại khó khăn, vất vả, “nhiêu khê” như thế. Doanh nghiệp đã 4 lần làm đơn đề nghị, kêu cứu đến tỉnh nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Để tháo gỡ những tồn tại, bất cập, hơn lúc nào hết, tỉnh Lâm Đồng cần tạo không gian thân thiện, chuyên nghiệp và cởi mở, để chính quyền, người dân, doanh nghiệp chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Đặc biệt, là thực hiện triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tạo nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện và bền vững. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng cần được đối xử công bằng và tạo điều kiện tối đa để phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó mang lại nguồn thu cho địa phương.

Ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng vẫn duy trì tăng trưởng. Ảnh: Lê Sơn

Ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng vẫn duy trì tăng trưởng. Ảnh: Lê Sơn

Nhất là trong bối cảnh tỉnh Lâm Đồng đang rốt ráo chuẩn bị đầu tư nhiều dự án quan trọng, như dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và Nha Trang - Đà Lạt. Các dự án cao tốc kết nối nội vùng, liên vùng có vai trò hết sức quan trọng nhằm khai thác tiềm năng của Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên và những khu vực khác.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học khẳng định: Trong chặng đường sắp tới, tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các địa phương khác không thể nào thiếu vắng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh Lâm Đồng cũng luôn phấn đấu để có được môi trường đầu tư công khai, minh bạch, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật…

Quyền Bí thư Tỉnh ủy đưa ra 3 quyết định mà chính quyền Lâm Đồng quyết tâm thống nhất và cam kết đồng hành với doanh nghiệp từ trong nhận thức đến hành động, là: Làm theo quy định của pháp luật, tôn trọng cái đúng, tôn trọng luật pháp; không né tránh, đùn đẩy, không dám làm trong bộ phận cán bộ chính quyền. Thực hiện Chỉ thị 34-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về 3 điều nên làm và 4 điều nên tránh… Đồng thời, yêu cầu các cấp chính quyền không để doanh nghiệp chờ đợi quá lâu, không trả lời lạnh lùng là dự án chưa được phê duyệt, các cơ quan phải phối hợp với nhau. Chính quyền phải làm việc với các bên liên quan, xem xét đề xuất của doanh nghiệp…

Chính phủ đặc biệt quan tâm đến Lâm Đồng

Vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2024, không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã liên tiếp có các buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng để chỉ đạo và tìm các giải pháp nhằm tháo gỡ những tồn tại, bất cập, vướng mắc hiện địa phương đang gặp phải.

Ngoài việc, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Ngược lại, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tỉnh Lâm Đồng “phải nhìn thẳng vào sự thật” để nhận diện những khó khăn, thách thức, hạn chế cần giải quyết như: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; chuyển dịch kinh tế còn chậm; cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; năng lực cạnh tranh có phần giảm sút; thu hút FDI chưa đạt mục tiêu đề ra; giải ngân vốn đầu tư còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, tính kết nối chưa cao. Công tác quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường, đất đai, khoáng sản, bảo vệ rừng... còn những sai sót, bất cập; thiên tai diễn biến phức tạp. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn...

Thủ tướng khẳng định Lâm Đồng còn nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phát trong thời gian tới. Do đó, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần chủ động, tích cực hỗ trợ Lâm Đồng trên tinh thần chia sẻ, cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".

Lê Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ky-vong-lam-dong-but-pha-de-pha-vo-tang-bang-trong-thu-hut-dau-tu-345728.html