Kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng 17% trong năm nay

Giá cổ phiếu ngành ngân hàng năm 2025 sẽ tiếp tục tăng tốt nhờ tăng trưởng lợi nhuận mạnh từ 14% năm ngoái lên 17% năm nay, nhất là khi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam dịch chuyển từ xuất khẩu và du lịch vào năm 2024 sang tiêu dùng, hạ tầng và bất động sản vào năm 2025, theo VinaCapital.

VinaCapital cũng kỳ vọng năm nay các ngân hàng sẽ cho vay dài hạn nhiều hơn

VinaCapital cũng kỳ vọng năm nay các ngân hàng sẽ cho vay dài hạn nhiều hơn

Cải thiện chất lượng tài sản và cơ cấu cho vay

VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng 17% trong năm nay, nhờ vào tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 15% và biên lãi ròng (NIM) tăng nhẹ (tăng 6 điểm cơ bản so với năm ngoái lên 355 điểm cơ bản). Việc chất lượng tài sản tiếp tục phục hồi, cũng như những cải thiện trong cơ cấu cho vay cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của ngành.

Ví dụ, năm ngoái do nhu cầu vay mua nhà còn yếu nên các ngân hàng phải chuyển hướng sang đẩy mạnh tăng cho vay doanh nghiệp tới gần 20%, nhưng phần lớn các khoản cho vay doanh nghiệp mới này có kỳ hạn ngắn với lãi suất thấp do cạnh tranh cao nên đã gây áp lực lên NIM trong cả năm 2024.

VinaCapital dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ duy trì ở mức khoảng 15% trong năm 2025, trong đó tăng trưởng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân vốn có biên lợi nhuận cao dự kiến sẽ tăng tốc từ khoảng 12% năm ngoái lên 15% năm nay.

VinaCapital cũng kỳ vọng năm nay các ngân hàng sẽ cho vay dài hạn nhiều hơn thông qua việc cho vay các dự án hạ tầng vốn có kỳ hạn dài. Việc mở rộng sang cho vay dài hạn này sẽ hỗ trợ NIM, do ngân hàng thường thu được chênh lệch lãi suất từ việc huy động ngắn hạn và cho vay dài hạn với lãi suất cao hơn (dù vậy, một số ngân hàng cần tăng cường huy động dài hạn để đảm bảo đúng quy định về tỷ lệ an toàn vốn).

Cuối cùng, cho vay kinh doanh bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục dẫn dắt nhất là khi thị trường tiếp tục phục hồi, mặc dù một phần tăng trưởng này cũng chính là để tái tài trợ cho các khoản trái phiếu đến hạn (mà trước đây các trái phiếu này đã được các công ty bất động sản phát hành cho các nhà đầu tư cá nhân và các nhà đầu tư khác ngoài ngân hàng).

Lựa chọn những ngân hàng tiềm năng

Theo ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô VinaCapital, cổ phiếu các ngân hàng ở Việt Nam hiện đang giao dịch ở mức P/B 1,3 lần với dự phóng cho năm 2025, cùng tỷ lệ ROE dự phóng ở mức 16%. Mức P/B này đang thấp hơn gần 2 độ lệch chuẩn so với mức P/B trung bình quá khứ 5 năm của ngành ngân hàng (trong khi đối với các nhà đầu tư nước ngoài, những ngân hàng có ROE 16% có thể được giao dịch với mức P/B trên 2 lần).

Định giá cũng khá thấp khi xét theo hệ số giá trên thu nhập (P/E) so với tăng trưởng lợi nhuận (G) khi tỷ lệ PEG chỉ ở mức 0,5 lần (P/E dự phóng là 8 lần so với tăng trưởng EPS dự phóng 17% cho năm 2025). Mức định giá này thực ra đã có cải thiện một chút so với thời điểm đầu năm ngoái, khi mức tăng giá cổ phiếu ngân hàng của năm 2024 là 26%, cao hơn so với mức tăng trưởng thu nhập bình quân trên cổ phiếu (EPS) 14%.

Một nguyên nhân nữa cũng khiến định giá ngân hàng ở mức rẻ là do giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FOL) đối với ngân hàng chỉ là 30%, khiến các nhà đầu tư cá nhân trong nước trở thành người có vai trò chủ đạo trong việc quyết định giá cổ phiếu ngân hàng, trong khi phần đông các nhà đầu tư cá nhân không quá chú trọng vào việc xem xét định giá như các nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung đều biết rằng mức định giá hiện tại của ngành ngân hàng là khá thấp, nhưng có thể nhiều người chưa thực sự nhận ra sự phân hóa lớn giữa định giá và xu hướng giá cổ phiếu hoặc sự khác biệt trong định hướng hoạt động, chất lượng tài sản và các chỉ số khác giữa các ngân hàng. Tất cả những yếu tố này đều được nghiên cứu kỹ lưỡng khi chúng tôi lựa chọn cổ phiếu ngân hàng cho danh mục đa dạng của mình.

"Việc lựa chọn cổ phiếu này cũng được định hướng dựa trên kỳ vọng của chúng tôi về triển vọng kinh tế trong nước năm nay - rằng tăng trưởng của các yếu tố nội tại sẽ có lợi cho hầu hết các ngân hàng đặc biệt là những ngân hàng cho vay lĩnh vực bất động sản và cho vay tiêu dùng cao, cũng như những ngân hàng cho vay các dự án hạ tầng (như là ngân hàng quốc doanh)", ông Michael Kokalari chia sẻ.

VinaCapital chia các ngân hàng thành hai nhóm: nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và có danh mục cho vay đa dạng/ít phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản, và nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản cao và/hoặc tập trung mạnh hơn vào cho vay tiêu dùng. Sau đó, VinaCapital sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về định giá để đưa ra lựa chọn cổ phiếu, xem xét đến chênh lệch về định giá giữa các ngân hàng.

Nhóm đầu tiên bao gồm các ngân hàng như ACB, VCB, CTG, BID và STB, đây đều là những ngân hàng có khả năng tận dụng được đà tăng trưởng chung của toàn ngành năm nay. Những ngân hàng này cũng có khả năng mở rộng thêm dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản (bao gồm cho vay mua nhà) vì họ không bị giữ chân bởi những dự án còn đang vướng mắc về pháp lý và/hoặc không cần phải hỗ trợ các khách hàng đang gặp khó khăn do các vấn đề tồn đọng từ trước.

Nhóm thứ hai bao gồm những ngân hàng mạnh dạn hơn như TCB, VPB, MBB và HDB, là những ngân hàng có thể trực tiếp hưởng lợi từ việc đẩy mạnh cho vay (hoặc giảm hỗ trợ lãi suất) đối với các công ty bất động sản hoặc sẽ giải quyết được một số vấn đề về chất lượng tài sản còn tồn đọng trước đó nhờ việc được tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cũng như khi giao dịch bất động sản sôi động trở lại.

Hồng Hạnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ky-vong-loi-nhuan-cua-cac-ngan-hang-niem-yet-se-tang-17-trong-nam-nay-159770.html