Kỳ vọng lớn ở 2 cây cầu quan trọng
Cầu Thủ Thiêm 4 và cầu Cần Giờ là 2 dự án quy mô lớn, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 và TP Thủ Đức dài hơn 2 km với 6 làn xe; dự án cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ dài 7,3 km, số làn xe tương tự. Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm, trong đó có 2 dự án này.
Tạo nhiều lợi thế
Ông Bùi Xuân Cường giao Sở Quy hoạch Kiến trúc khẩn trương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP HCM phương án kiến trúc bảo đảm hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của công trình. Sở Kế hoạch và Đầu tư được yêu cầu khẩn trương chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan tổ chức thẩm định; rà soát, điều chỉnh nguồn vốn dự kiến bố trí và đề xuất UBND TP HCM trước ngày 15-6.
Hai dự án đều có điểm chung là đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), dự kiến trình HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp giữa năm 2024 và khởi công dịp 30-4-2025. Hiện Sở Giao thông Vận tải đang cùng các địa phương rà soát chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tổng mức đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 khoảng 6.030 tỉ đồng, trong đó TP HCM chi trên 2.820 tỉ đồng tham gia đầu tư, phần còn lại nhà đầu tư huy động. Điểm độc đáo của cây cầu này là có thể nâng/hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45 m, giúp tàu thuyền dễ dàng qua lại. Với thiết kế như trên, cầu Thủ Thiêm 4 có kiểu dáng nhịp chính thông thuyền giống cầu Jacques Chaban-Delmas bắc qua sông Garonne ở thành phố cảng Bordeaux (Pháp).
Với cầu Cần Giờ, công trình có thiết kế hình tượng cây đước, tổng số vốn hơn 11.000 tỉ đồng. TP HCM dự kiến chi hơn 5.240 tỉ đồng tham gia đầu tư dự án, còn lại do nhà đầu tư.
Sở Giao thông Vận tải nhận định 2 cây cầu này khi hoàn thành không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội rất lớn cho TP HCM, điểm nhấn mới về cảnh quan đô thị với thiết kế độc đáo mà còn tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch, giúp thúc đẩy phát triển khu đô thị mới phía Nam thành phố và huyện đảo Cần Giờ.
Tăng tốc thủ tục, kêu gọi nhà đầu tư
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng mục tiêu phát triển TP HCM theo hướng hiện đại thì xây dựng hạ tầng giao thông là điều kiện tiên quyết. Tuy vậy, công tác chuẩn bị thời gian qua là chậm nên cần tăng tốc.
Theo TS Thuận, 2 cầu Thủ Thiêm 4 và Cần Giờ đóng vai trò quan trọng, không những kết nối hạ tầng các khu đô thị vùng ven với trung tâm mà còn phát triển kinh tế của cả khu vực thành phố. Sự cần thiết đầu tư cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ được chứng minh thông qua việc được duyệt chủ trương, quy hoạch; TP HCM có Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội là cơ sở thực hiện. Các sở ngành cần đẩy mạnh những thủ tục chuẩn bị đầu tư để đưa dự án khởi công sớm nhất có thể.
Để đẩy nhanh tiến độ và huy động nguồn vốn, TS Thuận nêu ý kiến thành phố nên chỉ đạo cơ quan tham mưu đề xuất hình thức đầu tư PPP hay EPC (tổng thầu) rồi bắt tay vào công việc ngay. Tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công là rất cần thiết vào thời điểm này.
"Hồ sơ nên bao gồm các điều khoản theo hướng mở để trong quá trình thực hiện có thể điều chỉnh. Ngoài ra, chính quyền thành phố nên lựa chọn nhà thầu trong và ngoài nước thực hiện, đó là xu hướng cần cho tất cả dự án theo cơ chế Nghị quyết 98 đã được Quốc hội phê duyệt" - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM nói.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thương Nhật - chủ đầu tư tuyến buýt sông ở TP HCM, nhận xét cầu Thủ Thiêm 4 được thiết kế có thể nâng/hạ tạo thuận lợi cho giao thông thủy. Đồng thời, công trình sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan trên sông Sài Gòn cũng như thu hút du lịch và khai thác lợi thế khu bến Nhà Rồng - Khánh Hội sau này - nơi lưu giữ hồn cốt cảng thị của TP HCM.
Riêng cầu Cần Giờ, ông Toản lưu ý thiết kế tĩnh không thông thuyền cần bảo đảm phát triển giao thông thủy, đặc biệt là kết nối giao thông thủy giữa cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) với cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) và cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Song song đó, theo ông, tại các đầu cầu cần kết nối với những bãi đỗ xe, trung chuyển của đề án phát triển phương tiện xanh của huyện Cần Giờ, bảo đảm khu đô thị này xanh - sạch theo quy hoạch.
Khấp khởi chờ đợi
Khi được hỏi về đề xuất xây dựng những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn, không ít người dân TP HCM đã bày tỏ sự háo hức.
Ông Trần Thanh - 60 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ - cho biết do có việc thiện nguyện nên ngày nào từ 5 giờ sáng ông cũng từ nhà qua phà Bình Khánh đến huyện Hóc Môn, mỗi lần đi mất 2 giờ. "Nếu có cây cầu Cần Giờ, người dân không phải đợi phà, quá trình di chuyển nhanh hơn. Chưa kể việc đi lại từ huyện đến trung tâm thành phố để khám bệnh, học tập thuận lợi đáng kể" - ông Thanh nhận định.
Nói về cầu Thủ Thiêm 4, ông Trần Tấn Bửu - ngụ quận 1 - khẳng định trung tâm TP HCM lâu nay là điểm đến thú vị của du khách trong và ngoài nước nhờ các công trình kiến trúc độc đáo như bến Bạch Đằng, nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành... Nếu có thêm cầu Thủ Thiêm 4 với nhịp cầu có thể nâng/hạ, cầu chắc chắn sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến TP HCM.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-vong-lon-o-2-cay-cau-quan-trong-196240611212547903.htm