Kỳ vọng mới cho nền kinh tế

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, một trong những thông tin nên được nhắc đến trước tiên, có lẽ là việc Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP) hôm 21-1 đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là một bước đệm quan trọng, để từ đó, EP có thể chính thức thông qua EVFTA, mang lại những lợi ích đáng kể cho KT-XH cả hai phía, nhất là Việt Nam. Một thông tin khác, đó là việc chỉ trong 20 ngày đầu tiên của năm mới 2020, tính đến ngày 20-1, Việt Nam đã thu hút được hơn 5,33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng gần 2,8 lần so cùng kỳ năm 2019. Đó là chưa kể, còn có thông tin chính thức về việc Việt Nam đã đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục trong năm 2019, là 11,1 tỷ USD, thay vì gần 10 tỷ USD ước tính trước đó…

Các thông tin kinh tế vĩ mô khác, có thể ở vào thời điểm này so cùng kỳ năm ngoái là suy giảm, chẳng hạn xuất khẩu giảm 14,3%, ước đạt 19 tỷ USD; sản xuất công nghiệp giảm 5,5%; đăng ký thành lập mới doanh nghiệp giảm 17,9%... song điều này là dễ hiểu và cũng đã thành thông lệ đối với các tháng đầu năm, tùy thời điểm có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Năm nay, Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, thậm chí trong riêng tháng 1-2020 đã có hai kỳ nghỉ Tết, còn năm ngoái, Tết rơi vào tháng 2. Bởi thế, so sánh với cùng kỳ là khập khiễng và chưa thể khẳng định được xu thế của nền kinh tế. Phải tới hết quý I-2020, xu hướng của nền kinh tế mới thể hiện rõ ràng.

Dẫu vậy, “mặt trời vẫn tỏa sáng ở Việt Nam” khi cả Forbes, WB, ADB đều đã có những dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam năm 2020, với tốc độ tăng trưởng nhanh. Những thông tin tích cực đầu Xuân mới cũng đang được kỳ vọng sẽ mang tới luồng sinh khí mới cho kinh tế Việt Nam 2020. Đây là những cơ sở để chúng ta có niềm tin rằng, nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt của năm cũ 2019.

Bên cạnh những thách thức, rủi ro cũng đã được các chuyên gia kinh tế thẳng thắn chỉ ra, đang có thêm những khó khăn mới xuất hiện. Mới nhất và rõ nhất là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) đang lan rộng. Nếu dịch bệnh bùng phát rộng hơn trên toàn cầu, và ở cả Việt Nam, sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam. GS kinh tế Warwick McKibbin của Đại học Quốc gia Australia ước tính, dịch bệnh nCoV có thể gây thiệt hại 120 - 160 tỷ USD với nền kinh tế toàn cầu, nhiều gấp ba đến bốn lần dịch SARS năm 2003.

Với kinh tế Việt Nam, những ảnh hưởng tới xuất khẩu, du lịch… khá nặng nề. Thị trường chứng khoán cũng vì nCoV mà giảm điểm khá mạnh. Đấy mới chỉ là những ảnh hưởng bước đầu, nếu dịch lan rộng, tác động tiêu cực còn nặng nề hơn. Song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, “chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khỏe của người dân”. Hiện nay, mọi biện pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh cũng đã được triển khai. Đây là những động thái quan trọng và cần thiết để không chỉ bảo đảm sức khỏe cho người dân, mà còn là làm sao hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Sự chủ động vô cùng cần thiết. Nhiều năm nay, chúng ta đã luôn chứng kiến sự chủ động như vậy trong điều hành của Chính phủ trước những rủi ro, bất lợi, trước những biến động khôn lường của kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn, khi giá dầu xuống thấp hay tăng cao, Việt Nam đã có biện pháp để ứng phó. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra, chúng ta cũng chuẩn bị các kịch bản điều hành phù hợp. Khi bảo hộ mậu dịch lan rộng, Việt Nam cũng chuẩn bị sẵn các điều chỉnh về chính sách… Cùng với đó, là xác định không “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, không lơ là, mà luôn quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng… Đây là cách tốt nhất để kinh tế Việt Nam có thể đứng vững trước những bất ổn, rủi ro của kinh tế toàn cầu, kể cả là những tác động của dịch bệnh nCoV. Những yếu tố này càng củng cố thêm niềm tin vào khả năng phát triển của kinh tế Việt Nam năm 2020.

TS Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia tin tưởng, trong năm 2019, các mục tiêu then chốt nhất đều được cải thiện, rõ nhất là lạm phát, tăng trưởng kinh tế. Mặc dù thách thức nhiều, nhưng với việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô 5 năm gần đây giúp dự trữ ngoại tệ liên tục tăng, thâm hụt ngân sách dưới 3,6% GDP, lạm phát dưới 4%, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi và dư địa để ứng phó với sự biến động của thị trường. Tin rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch KT - XH 5 năm 2016 - 2020 sẽ hoàn thành với mức 6,5% hoặc cao hơn. Nếu muốn có bước chuyển vững chắc hơn trong giai đoạn tới, theo tôi đây là thời điểm nhìn lại 5 năm qua để xem tăng trưởng ổn định chưa, tái cấu trúc nền kinh tế cùng với hội nhập đã thể hiện như thế nào, thật sự chuyển về chất hay chưa, tốt xấu ra sao và bên cạnh tăng trưởng còn câu chuyện về các vấn đề văn hóa - xã hội; phát triển bền vững…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-kinhte/item/43212802-ky-vong-moi-cho-nen-kinh-te.html