Kỳ vọng mới dành cho Jujitsu
Sự kiện Liên đoàn Jujitsu Việt Nam ra mắt vào ngày 12/12 có thể xem là bước ngoặt của môn thể thao này tại Việt Nam. Cộng với việc được đưa vào chương trình thi đấu tại SEA Games 31 tại Việt Nam, Jujitsu đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển rộng khắp hơn.
Không phải môn lạ
Thực tế, môn võ có nguồn gốc từ Nhật Bản này đã được du nhập và tập luyện ở Việt Nam từ những năm trước năm 1945.
Dù xuất hiện đã lâu, song phải đến hơn chục năm gần đây, Jujitsu mới thực sự phát triển ở Việt Nam sau khi các giải đấu quốc tế của môn này liên tục xuất hiện, tạo cơ hội để các võ sĩ Việt Nam tham dự. Cùng sự ra đời của Liên đoàn Jujitsu thế giới, Liên đoàn Jujitsu châu Á, rồi hiệu ứng từ những bộ phim nổi tiếng của Mỹ có sử dụng nhiều đòn thế của BJJ (một nhánh của Jujitsu, do một võ sư Nhật Bản phát triển tại Brazil) nên môn võ này càng được nhiều người biết đến.
Ngay ở Hà Nội, vào năm 2009, ngành Thể thao đã bắt đầu phát triển Jujitsu với nòng cốt là các võ sĩ của đội judo Hà Nội. Trưởng bộ môn Judo Hà Nội Đỗ Ngọc Hùng nhớ lại: “Judo với Jujitsu có nhiều đòn, miếng đánh giống nhau. Nhưng về luật thì có những điểm khác biệt. Vì thế, trong những ngày đầu phát triển môn này, chúng tôi tìm hiểu kiến thức về luật từ các nguồn tài liệu nước ngoài kết hợp lên mạng internet để học hỏi phương pháp huấn luyện của những quốc gia phát triển môn này. Đến năm 2017, chúng tôi đã mời được chuyên gia người Brazil về huấn luyện cho các võ sĩ Jujitsu Hà Nội”. Trong lứa VĐV của Hà Nội, đương nhiên phải kể đến cái tên Đào Hồng Sơn, nhà vô địch Giải vô địch Jujitsu châu Á – 2017, HCV Giải vô địch Jujitsu Đông Nam Á – 2018…
Thành tích của Jujitsu Việt Nam tại các giải quốc tế cũng đáng kể khi giành 1 HCV tại Đại hội Thể thao trong nhà châu Á năm 2009; 2 HCB, 4 HCĐ tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á - 2014; 1 HCĐ tại giải Vô địch thế giới -2014; 8 HCV tại Giải vô địch châu Á - 2017; 1 HCV, 2 HCB tại giải Vô địch trẻ thế giới - 2018, 1 HCĐ tại ASIAD – 2018...
Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh – hai địa phương hàng đầu trong phát triển Jujitsu tại Việt Nam, phong trào tập luyện môn này đã phát triển ở gần 20 tỉnh, thành trên khắp cả nước với hàng ngàn lượt người tập luyện phong trào, hàng trăm lượt VĐV thi đấu đỉnh cao. Năm 2019 ghi nhận bước tiến mới của môn Jujitsu tại Việt Nam khi Giải vô địch quốc gia lần đầu tiên ra đời, thuộc hệ thống thi đấu quốc gia của Tổng cục TDTT. Đấy là điều kiện quan trọng để làm cơ sở phát triển môn thể thao này tại Việt Nam.
Sau đó, thêm Giải vô địch Cúp các CLB Jujitsu Việt Nam ra đời, tạo thêm sân chơi cho các địa phương, ngành phát triển Jujitsu. Còn VĐV càng có động lực để theo đuổi môn này. Không kể, sự phát triển của Jujitsu cũng sẽ tạo điều kiện đáng kể để một số môn thể thao khác có cơ hội phát triển, trong đó có võ thuật tổng hợp (MMA).
Liên đoàn võ thuật tổng hợp Việt Nam đã ra đời trong năm 2020, cũng đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống thi đấu. Trong các cuộc đấu của MMA, hoàn toàn có cơ hội tranh tài cho những võ sĩ Jujitsu bởi thực tế, có nhiều đòn thế Jujitsu được áp dụng phổ biến tại các trận đấu của MMA.
Nói như nhiều người, Jujitsu đang là môn thể thao thời thượng, có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Tận dụng cơ hội
Sự quan tâm của xã hội dành cho Jujitsu đã được hiện thực hóa bằng việc ra đời Ban vận động thành lập Liên đoàn Jujitsu Việt Nam vào tháng 4-2020, rồi sau đó là sự ra mắt của Liên đoàn Jujitsu Việt Nam vào cuối tuần qua, trong đó vai Chủ tịch được trao cho một doanh nhân. Còn trong đội ngũ ủy viên Ban Chấp hành có cả những người đã và đang gắn bó với nhiều môn võ khác, từ Taekwondo đến Vật hay Judo…
Đã có những tiền đề quan trọng để phát triển và thực hiện mục tiêu mà Chủ tịch Liên đoàn Jujitsu Việt Nam nhiệm kỳ I (2020-2025) Nguyễn Công Cường đặt ra như: Thêm từ 5 đến 10 tỉnh tập luyện môn Jujitsu; phát triển phong trào ở các lứa tuổi trẻ, học sinh, đưa môn Jujitsu vào chương trình học phổ thông ở các địa phương có phong trào phát triển mạnh; nâng cao chất lượng và số lượng các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia, trong đó xây dựng thêm các giải trẻ, giải các lứa tuổi bên cạnh 2 giải đấu hiện nay; tiếp tục duy trì thành tích, thứ hạng ở khu vực Đông Nam Á, phấn đấu đoạt từ 1-2 HCV SEA Games 31…
Ông Đỗ Ngọc Hùng, Trưởng bộ môn Judo Hà Nội, thành viên Ban Chấp hành Liên đoàn Jujitsu Việt Nam cho rằng, từ thực tế phát triển của Jujitsu Việt Nam hiện nay, hoàn toàn có thể hoàn tất những mục tiêu của nhiệm kỳ I Liên đoàn Jujitsu Việt Nam.
Rõ ràng, Jujitsu Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ từ hơn 10 năm qua để có đội ngũ VĐV hoàn toàn có thể giành huy chương tại các giải châu lục, thế giới, cũng như lên ngôi vô địch ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, những bước tiến gần đây của Jujitsu Việt Nam sẽ giúp tạo nguồn VĐV Jujitsu thực sự thay vì chuyển từ Judo hay Vật sang. Còn như hiện tại, nhiều địa phương vẫn sử dụng các võ sĩ Jujitsu phong trào, những người chỉ tập luyện cho vui, cho khỏe với cường độ và khối lượng thua xa các VĐV thành tích cao tại các giải đấu quốc gia. Khi Jujitsu đã có hệ thống thi đấu ổn định, hoàn toàn có thể hy vọng vào việc có thêm nhiều võ sĩ Jujitsu chuyên nghiệp. Đấy là mấu chốt vấn đề cần được Jujitsu Việt Nam quan tâm.
Bên cạnh đó, Jujitsu Việt Nam được nhận định sẽ dễ dàng thu hút đáng kể nguồn lực xã hội hóa. Rõ nhất là Chủ tịch Liên đoàn Jujitsu Việt Nam đang là doanh nhân. Điều này cũng tạo nên hiệu ứng đáng kể để tin rằng môn thể thao này còn phát triển mạnh hơn hiện nay.
Kỳ vọng thì nhiều nhưng dù sao cũng cần những bước đi chắc chắn để những nỗ lực gây dựng môn thể thao này phát huy hiệu quả.
Hy vọng lần đầu có “vàng” SEA Games
Tại SEA Games 30, trong lần đầu dự SEA Games, đội tuyển Jujitsu Việt Nam chỉ giành 1 HCB. Cũng vì vậy, Liên đoàn Jujitsu Việt Nam cũng chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn là giành 1-2 HCV tại SEA Games 31 dù được thi đấu trên sân nhà. Đây được xem là mục tiêu thực tế, phù hợp với trình độ của các võ sĩ Jujitsu Việt Nam hiện nay. (Minh Khuê)
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-hoa/ky-vong-moi-danh-cho-jujitsu-623424/