Kỳ vọng mới, mục tiêu lớn sau sắp xếp 3 đơn vị hành chính cấp xã
Sau gần 3 tháng với sự đồng thuận của người dân, nỗ lực của các cấp cơ sở, xã Tân Thành nhập từ 3 xã miền núi của huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã hoạt động thuận lợi với nhiều kỳ vọng từ danh xưng mới. Đó cũng là điển hình trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính từ thực hiện Nghị quyết số 1242/NQ-UBTVQH tại Quảng Bình trong thời gian gấp rút vừa qua.
Tên mới cho kỳ vọng mới
Vượt cung đường Hồ Chí Minh nối trung tâm TP. Đồng Hới đến với huyện miền núi biên giới của Quảng Bình, băng qua cảnh quan hùng vĩ của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, dưới chân núi đồi là dãy nhà gỗ và cây đào phai của người dân nở hoa còn từ Tết, cùng những địa danh đã gắn với lịch sử đất nước, chúng tôi đến với một địa phương mới của huyện Minh Hóa - xã Tân Thành, vừa nhập từ 3 xã giàu truyền thống cách mạng: Hóa Phúc, Hóa Tiến và Hóa Thanh.
Đã ra Giêng nhưng không khí Tết Nguyên đán ở nhiều hộ gia đình nơi đây vẫn còn nguyên vẹn khi cây nêu chưa hạ, lồng đèn đỏ thắm trước ngưỡng nhà và mâm bánh mứt vẫn hiếu khách đón đoàn. Người dân phấn khởi, trò chuyện thêm về chủ trương nhập 3 xã. Ông Trương Quang Hòa (70 tuổi), sinh ra và lớn lên ở xã Hóa Thanh cũ, chia sẻ: Ban đầu chúng tôi cũng có nhiều băn khoăn lắm, tôi “ăn đời ở kiếp” ở quê nên đã luôn nhớ cái tên nhà ra rứa. Nhưng nhìn xa hơn, rộng hơn thì việc nhập xã có thể đưa đến nhiều cơ hội phát triển!
Ông Hòa cũng thêm rằng, bản thân đã lớn tuổi, việc địa phương phát triển sẽ nhờ vào các thế hệ sau với chủ trương chung của đất nước, sự định hướng của chính quyền địa phương và cố gắng của cả người dân. Nhưng đối với ông, dù ở độ tuổi đã 70 niên, vẫn có nhiều kỳ vọng từ tên mới của quê hương.
“Nhập từ 3 xã mà lúc đầu xã nào muốn có tên mình nên đề xuất tên Phúc Tiến Thanh hay đảo lại. Nhưng sau cùng chọn Tân Thành, với “Tân” có nghĩa là mới, “Thành” trong thành công, thành đạt, cũng là tên gọi của vùng đất này từ xa xưa”, một số người dân cùng cho biết.

Huyện Minh Hóa đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Rằm tháng Ba Minh Hóa” và “Hát sắc bùa huyện Minh Hóa”
Vùng đất Minh Hóa từng là căn cứ địa kháng chiến của phong trào Cần Vương do Vua Hàm Nghi lãnh đạo chống thực dân Pháp (từ tháng 10.1885 - 11.1888). Đây cũng là nơi nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ II (năm 1949). Trong đó, cụm hang xã Hóa Tiến - Hóa Thanh là căn cứ chỉ huy sở Bộ Tư lệnh Đoàn 559 từ năm 1965 đến 1966. Các thế hệ người con Minh Hóa đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng trong 2 cuộc kháng chiến, thì nay tiếp tục sẵn sàng vì chủ trương chung, sự phát triển của địa phương, đất nước.
Thống nhất mục tiêu lớn
Thực hiện Nghị quyết số 1242/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2023 - 2025, xã Tân Thành được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hóa Phúc, Hóa Tiến và Hóa Thanh. Sau khi thành lập, xã Tân Thành có diện tích 89,77km2 và quy mô dân số 5.454 người.
Trong giai đoạn 2 thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính ở Quảng Bình, cùng với nhập 2 xã thành 1 như thông thường tại nhiều huyện, xã Tân Thành là một trong những trường hợp đặc biệt hơn khi gộp đến 3 xã với số lượng nhiều hơn công việc phải làm. Sau chưa đến 3 tháng thực hiện, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thái Bình cho biết đã hoàn thành việc kiện toàn bộ máy cũng như chuyển giao các công việc, thống nhất hoạt động từ 3 đơn vị hành chính cấp cơ sở trước đó.
“Từ khi thực hiện nhập xã đến nay, hoạt động của xã được bảo đảm. Trong đó, tư tưởng chính trị, tâm tư của đội ngũ đã hòa nhịp chung, không nhiều xáo trộn; công tác bàn giao, cập nhật số liệu và tình hình nhân dân luôn ổn định. Những người dân có nhu cầu đã đổi giấy tờ thuận lợi”, Chủ tịch UBND xã Tân Thành Nguyễn Thái Bình cho biết.
Về đặc điểm của 3 xã, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, 3 địa bàn trước đây đều tập trung sản xuất nông nghiệp, xen kẽ trồng lạc, ngô, canh tác lúa; tương đồng nhất là trồng rừng, keo. Thành quả nông nghiệp trong trồng rừng hiện nay là kết quả sau nhiều năm kêu gọi, động viên giãn dân, phát triển kinh tế… nay tiếp tục được xã mới tiếp nối đà phát triển với những định hướng phù hợp.
“Trên đánh giá điều kiện và tiềm năng của từng vùng, chúng tôi định hướng mục tiêu phát triển chăn nuôi dê, lợn; lựa chọn vùng để khuyến khích người dân kinh doanh dịch vụ; nơi tuyến đường xuyên Á đi qua sẽ là tiềm năng lớn trong quá trình giao thương, vận chuyển hàng hóa...” - lãnh đạo xã Tân Thành thông tin.
Tân Thành là xã đầu tiên tại Quảng Bình được sắp xếp từ 3 xã với nhiều công việc ban đầu. Nhưng đồng thời tại Quảng Bình trong 5 năm qua, nhiều địa bàn các xã, phường cũng đã thực hiện hiệu quả chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, với nhiều trường hợp 2 xã nhập 1. Qua thực tiễn cho thấy, sự ổn định trong tư tưởng cũng như phát triển kinh tế - xã hội, khi xã nông nghiệp nhập xã biển, địa bàn du lịch nhập địa bàn dịch vụ; đô thị nhập 1 phần vùng ven nông thôn…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu đánh giá, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã và đang góp phần mở rộng không gian phát triển, tạo giá trị mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân về sau này. Song song với đó, việc tổ chức lại bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được triển khai tiếp nối nhưng vô cùng gấp rút, hòng hướng đến sự vận hành tối ưu, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho toàn dân.