Kỳ vọng mùa Đào bội thu
Được coi là biểu tượng của mùa Xuân, mỗi độ Tết đến, đào Nhật Tân lại được người dân Thủ đô và tiểu thương gần xa săn đón. Là loài hoa mang lại giá trị kinh tế cao, thế nhưng, mỗi vụ hoa đào tới là một lần người dân làng Nhật Tân liều mình 'đánh bạc với trời'.
Làng gọi xuân về!
Được biết đến là vùng trồng hoa đào nổi tiếng của miền Bắc cũng như của Thủ đô, làng nghề trồng hoa đào cổ truyền Nhật Tân đã cùng người dân Hà Nội trải qua bao mùa xuân với những biến cố thăng trầm của lịch sử. Năm nào cũng vậy, cứ thấy bóng dáng đào Nhật Tân tại các khu chợ là người Hà Nội đã cảm nhận được không khí Tết đang tới rất gần.
Có ghé thăm tận nơi mới biết ở Nhật Tân có nhiều loại đào đến vậy. Là một trong những nghệ nhân trồng đào lâu năm tại Nhật Tân, ông Phong – chủ vườn đào Cát Cường cho biết: “Tuy đa dạng nhưng ở Nhật Tân vẫn ưa trồng 3 loại là đào thế, đào cổ và đào cành. Đào thế có gốc là gốc cây đào bích nguyên thủy, không lai tạo, nguyên gốc từ xưa đến giờ vì vậy người trồng dễ dàng định ngày nở được bông hoa.
Trong đào thế thì có dòng thế bon sai và đào công sở. Đào thế bon sai là những cây nhỏ để ở bàn uống nước hoặc đặt trong các gia đình có diện tích nhỏ. Trái ngược với bon sai, dòng đào công sở chủ yếu có hình tháp hay còn được gọi là đào tán thông. Những cây đào này thích hợp để ở những công ty lớn và những ngôi nhà có diện tích rộng."
Ở Nhật Tân, đào cổ cũng khá được ưa chuộng. Đào cổ có hai dòng, một là tạo từ cây nhỏ nguyên bản trồng lớn lên, hai là lai ghép, khai thác gốc đào từ trên rừng về rồi cấy ghép giống đào ở vườn vào. Khi các mắt ghép lớn thành cành thì các nhà vườn bắt đầu uốn, tạo dáng như mong muốn. Tuy nhiên trong quá trình trồng, đào cổ và đào thế phải chăm bón rất kỳ công, đòi hỏi người trồng phải cẩn thận, tỉ mỉ, bấm tỉa làm sao cho đẹp mắt.
Cũng theo ông Phong, dù đã có những thay đổi cho phù hợp với nhu cầu, thị hướng của thị trường nhưng đào cành truyền thống vẫn được lưu giữ. Đặc biệt, ở Nhật Tân còn có một loại đào đặc biệt quý đó là đào thất thốn. Đào thất thốn nổi lên như một loại cây đẳng cấp dành riêng cho những dân chơi đào nhà nghề, những người đam mê giống đào khó tính nhưng đẹp đến nao lòng này.
Để tạo nên một cây đào thất thốn, người trồng đào phải chăm sóc cực kỳ cẩn thận. Đất trồng đào phải là đất thịt được đánh lên, phơi nỏ nắng, không để đất còn lại chút chất chua nào. Nguồn nước tưới cũng phải sạch, do đó, cây đào trở nên thanh cao, tao nhã, cũng bởi lẽ đó mà mỗi cây đào thất thốn có giá lên tới hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Hàm, chủ vườn đào thất thốn tại Nhật Tân cho biết: “Tôi theo nghề trồng đào của cha ông từ thủa còn nhỏ. Hiện tại, vườn nhà tôi có khoảng trên dưới 100 gốc đào thất thốn. Xưa kia, đào thất thốn được coi là “đặc sản tiến Vua” nên thường rất quý, được nhiều người săn tìm. Để trồng được một cây đào thất thốn, tôi phải mất đến cả chục năm trời. Đào Thất Thốn của vườn nhà tôi phân ra 2 loại, một loại cho nở sớm trước Tết để khách mua đến xem chứ không chơi Tết được, loại còn lại để chơi Tết thì được tôi trồng riêng trong nhà lạnh có điều hòa bật 24/24.”
Ông Hàm cũng tiết lộ, nhà ông có cây đào thất thốn hơn 50 năm tuổi, nhiều hơn cả tuổi của ông đã được khách hàng trả giá hàng trăm triệu. Tuy nhiên, ông chỉ muốn cho thuê chứ không muốn bán vì thời gian để tạo ra một cây đào thất thốn đẹp, người nghệ nhân phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian.
Một năm với nhiều hy vọng
Theo nhận định của nhiều hộ dân trồng đào ở Nhật Tân thì giá đào đẹp năm nay chắc chắn sẽ tăng hơn so với năm ngoái. Những cây đào bích nhỏ và vừa có giá từ một triệu đến hơn ba triệu đồng/cây, những cây lớn có giá từ năm triệu đến 10 triệu/cây.
Riêng những cây đào thế, gốc đẹp, dáng đẹp sẽ có giá cho thuê trọn gốc từ 15 đến 20 triệu đồng trở lên và sẽ cao hơn, nhiều gốc có giá lên đến vài chục triệu đồng một cây.
Được biết đến là nghề thu bạc triệu, giúp cho các gia đình ở Nhật Tân ổn định cuộc sống, thế nhưng cũng có nhiều năm, người dân làng Nhật Tân phải chịu mất trắng cả cánh đồng khi đào nở sớm hoặc quá muộn do thời tiết. Còn nhớ thời điểm cách đây 2 năm về trước, thời tiết không ủng hộ đã khiến cho người trồng đào tại Nhật Tân thiệt hại nặng nề.
Chia sẻ với chúng tôi, một chủ vườn đào Nhật Tân cho hay: “Mọi năm, mỗi gốc đào bán ra với giá trung bình từ 4-6 triệu đồng, tuy nhiên trong số tiền đó chủ vườn phải đầu tư mua gốc đào rừng để ghép, mỗi gốc đẹp cũng có giá từ 1-2 triệu đồng. Chưa tính chi phí thuê thợ đến ghép và tạo dáng, tiền thuê nhân công chăm bón, tiền vận chuyển. Năm đó, trời nắng nóng nên đào nở nhiều vào trước Tết, nhà nào trồng ít thì lỗ không đáng bao nhiêu, còn nhà nào trồng nhiều thì bị lỗ đến cả trăm triệu đồng.”
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, do đó làng nghề trồng hoa đào Nhật Tân lại càng thêm huyên náo, tấp nập. Người làng Nhật Tân bắt đầu bận rộn với công việc chăm sóc đào cách đây khoảng chừng nửa tháng trước, khi đào đến đợt cho vặt lá. Theo các nghệ nhân, việc chọn thời điểm vặt lá đào rất quan trọng, nó quyết định việc đào có nở sớm, đúng dịp hay nở muộn. Tùy thuộc theo diễn biến của thời tiết mà những người trồng đào sẽ lựa chọn thời điểm tuốt lá cho phù hợp.
Năm nay, nhà vườn Thái Long có khoảng hơn 500 gốc đào phục vụ dịp Tết Nguyên Đán, dù đã vặt lá và chăm sóc kỹ càng cho đào nhưng chủ nhà vườn vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng vì thời tiết.
Chia sẻ với phóng viên, ông Long cho biết: “Năm nay, việc trồng và chăm sóc đào khó hơn những năm trước. Khó nhất là phải kể đến thời điểm tháng 7, tháng 8 khi đào bắt đầu vào nụ thì lại gặp mưa. Cũng vì sợ thời tiết trong tháng cuối năm có sự thay đổi nên các nhà vườn tại đây cũng không dám tuốt hết lá cho đào. Còn 1 tháng nữa là tới Tết nguyên đán, nếu thời tiết duy trì ở mức nhiệt từ 14 – 15 độ thì đào sẽ nở đúng vào Tết, còn nếu trời trở lạnh sâu hoặc nóng bất thường thì không khéo cả làng đều mất mùa.”
Cũng chính vì những nỗi lo về thời tiết mà người dân Nhật Tân cũng đã sáng tạo ra nhiều phương pháp lạ để đào ra hoa đúng dịp Tết. Có những năm, trời rét đậm trước Tết, nhiều gia đình trồng đào tại Nhật Tân đã phải dùng túi nilong trùm kín từ ngọn tới gốc đào sau đó thắp đèn cả đêm để tăng nhiệt độ, từ đó kích thích đào ra nụ. Với người dân làm đào ở Nhật Tân, có lẽ sợ nhất vẫn là khi thời tiết lạnh sâu kéo dài, vì nếu trời lạnh sâu, đào sẽ không thể bật nụ, không thể ra hoa.
Tết Canh Tý 2020 có lẽ sẽ là một năm tràn đầy hy vọng đối với người dân làng Nhật Tân. Dù trong năm thời tiết mưa nhiều khiến cho việc chăm sóc đào gặp nhiều khó khăn, thế nhưng lượng đào nở sớm so với những năm trước cũng có phần giảm hơn. Theo các tiểu thương tại chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội), năm nay, đào nở sớm ở làng hoa Nhật Tân không có nhiều, như những năm trước, trước Tết khoảng một tháng là chợ đã bày bán rất nhiều đào sớm chứ không lẻ tẻ một vài hàng bán như năm nay.
Lý giải về nguyên nhân chợ không có nhiều hoa đào sớm như mọi năm, ông Phong, chủ vườn Cát Tường cho hay: “Sở dĩ năm nay đào sớm không có nhiều là do các nhà vườn ở Nhật Tân đã căn đúng thời điểm tuốt lá đào. Những cành đào được bày bán tại chợ hoa Quảng An chủ yếu là do các gia đình chủ đích để đào nở sớm phục vụ nhu cầu Tết dương lịch cho các gia đình. Những cành nở sớm này cũng không được đẹp như trong chính vụ, do đó giá cũng không quá cao, chỉ rơi vào khoảng từ 100 – 250 nghìn đồng/cành tùy từng loại.
Dù hiện tại vẫn chưa bước vào vụ mùa thu hoạch, nhưng theo nhận định của nhiều hộ dân trồng đào ở Nhật Tân thì giá đào đẹp năm nay chắc chắn sẽ tăng hơn so với năm ngoái. Những cây đào bích nhỏ và vừa có giá từ một triệu đến hơn ba triệu đồng/cây, những cây lớn có giá từ năm triệu đến 10 triệu/cây. Riêng những cây đào thế, gốc đẹp, dáng đẹp sẽ có giá cho thuê trọn gốc từ 15 đến 20 triệu đồng trở lên và sẽ cao hơn, nhiều gốc có giá lên đến vài chục triệu đồng một cây.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-vong-mua-dao-boi-thu-101285.html