Kỳ vọng những quyết sách đột phá tạo động lực phát triển

Theo sát những diễn biến sôi động tại nghị trường phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, đại diện chính quyền địa phương và cử tri ghi nhận: các ĐBQH đã bám sát đời sống kinh tế - xã hội, phản ánh chân thực, khách quan tình hình; tập trung làm rõ những 'nút thắt', lực cản. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp khả thi, vượt trội; kỳ vọng sẽ tạo được những động lực lớn để đất nước hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng đề ra trong năm và cả giai đoạn.

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Điện Biên MÙA THANH SƠN: Sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Tôi đồng tình với đánh giá của nhiều ĐBQH, dù trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vào cuộc chủ động và đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh đó còn bộc lộ một số hạn chế, như: số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn cao; mức giảm trừ gia cảnh, nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là quá lạc hậu, đang gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Hơn nữa, lương tăng nhưng mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời sẽ gây âu lo cho người lao động, bởi lương tăng, thu nhập tính thuế sẽ tăng. Vì vậy, việc không điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương.

Ngoài ra, Chính phủ cần chú trọng tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững, thực hiện các chính sách để phát huy tối đa nội lực của thị trường trong nước. Trong đó, tăng cường vai trò của các chính sách tài khóa như các chính sách đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua gồm: miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất…

Từ thực tiễn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua tại địa phương cho thấy, số lượng văn bản triển khai thực hiện quá nhiều, một số văn bản ban hành còn chậm, nhiều hướng dẫn thực hiện còn vướng mắc, khó thực hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ triển khai thực hiện. Chính phủ cần nghiên cứu và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia kịp thời và hiệu quả hơn. Đối với giai đoạn I của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số tại thôn, bản có đông đồng bào các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh sống tập trung để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai tại địa phương.

Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Sóc Trăng NGUYỄN HOÀNG PHONG: Nghiêm túc, sôi nổi, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm

Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV rất sôi nổi, đi thẳng vào vấn đề, có trọng tâm, trọng điểm. Đa số các đại biểu đã phát biểu ngắn gọn, nắm chắc vấn đề và truyền tải được cơ bản đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân đối với sự phát triển của đất nước. Các nội dung thảo luận thẳng thắn, bám sát chuyển động của đời sống kinh tế - xã hội; phản ánh chân thực, khách quan tình hình; đi vào cụ thể các vấn đề còn khó khăn, tồn tại cần được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, tập trung khắc phục, tháo gỡ.

Tôi đặc biệt quan tâm đến ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khi thẳng thắn phản ánh sự lạc hậu trong cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay. Theo đó, cách tiếp cận thuế thu nhập cá nhân hiện đã không không theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân, cũng như mặt bằng giá cả thực tế. Do đó, rất cần nghiên cứu, điều chỉnh sớm.

Đối với đại biểu HĐND như chúng tôi, mỗi lần dự thính các phiên họp Quốc hội là mỗi lần được học hỏi, đúc rút rất nhiều kinh nghiệm quý tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các hoạt động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử các cấp.

Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An LÔ THỊ KIM NGÂN: Đánh giá, phân tích kỹ để đưa ra các giải pháp sát thực tiễn

Qua theo dõi phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của Quốc hội, tôi đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, năng động, sáng tạo của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thời gian qua. Một trong những thành tích nổi bật đó là kinh tế phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt kết quả cao; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông; nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng, trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế...

Dưới sự điều hành linh hoạt, khoa học của chủ tọa, các ĐBQH đã chỉ rõ nhiều bất cập, hạn chế cùng với những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt. Bất cập được nhiều ĐBQH nêu và đông đảo cử tri quan tâm đó là việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu thực tế; chất lượng cải cách thủ tục hành chính, chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm xử lý, khắc phục… Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, văn bản hướng dẫn chậm được sửa đổi, bổ sung; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp; tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương của các chương trình thấp, chỉ đạt tỷ lệ 46% kế hoạch, bao gồm cả vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện giải ngân sang năm 2023…

Tôi thống nhất cao với 9 nhóm giải pháp Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội kiến nghị đối với Chính phủ cũng như những giải pháp của Chính phủ. Tôi cũng hoàn toàn đồng tình với những đề xuất của các ĐBQH đã phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường. Đó là, Chính phủ cần đánh giá, phân tích kỹ hơn về những khó khăn, nguyên nhân, dự báo tình hình, đưa ra các giải pháp sát với thực tiễn, các chỉ tiêu, mục tiêu kế hoạch đã đặt ra… Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; quan tâm đến vấn đề đầu tư nguồn lực cho chương trình phát triển điện lưới khu vực nông thôn, hải đảo, đặc biệt là khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, quan tâm, khuyến khích và thu hút đội ngũ giáo viên, bác sĩ về công tác tại các vùng miền núi vùng cao nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho người dân…

Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng LÊ QUẢNG ĐỨC: Cần thêm “liều thuốc” kích thích tăng trưởng

Theo dõi Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại nghị trường Quốc hội hôm qua, có thể thấy, các ý kiến được ĐBQH đề cập rất sát với tình hình thực tiễn; chỉ rõ những ưu điểm cũng như mặt hạn chế của việc thực hiện kế hoạch phát triển thời gian qua. Như đánh giá của các ĐBQH, mặc dù tình hình chính trị thế giới nhiều bất ổn, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… song dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước và được cử tri cũng như cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Các chính sách được ban hành kịp thời đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cải thiện năng lực sản xuất. Những bước đột phá trong đầu tư công đã thúc đẩy nền sản xuất cũng như nhiều ngành nghề kinh tế khác trong xã hội. Các chính sách điều hành về tỷ giá, lãi suất cũng đã uyển chuyển hơn, qua đó bảo đảm sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất chậm trong khi nguồn tiền trong ngân hàng còn rất lớn. Số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động trong thời gian qua vẫn cao hơn nhiều so với doanh nghiệp mới được thành lập. Đầu tư công phần lớn “đổ” vào hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không, hàng hải, còn các ngành nghề khác chỉ chiếm tỷ trọng rất ít.

Theo tôi, dù chưa thể hồi phục như thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 nhưng thông qua số lượng hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng liên tục tăng đã ghi nhận nhiều sự khởi sắc về phát triển kinh tế. Do đó, doanh nghiệp đang rất cần sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Trong đó, những chính sách được ban hành như: lãi suất, tỷ giá, nhiên liệu, điện, xăng dầu… phải được điều hành ổn định, không có sự biến động bất thường. Để thúc đẩy sản xuất, chi tiêu công cần được Nhà nước chú trọng hơn bởi đây là “bà đỡ”, “liều thuốc” tăng lực kích thích cho nền kinh tế phát triển.

Một vấn đề nữa đặt ra là cần nâng cao tính cạnh tranh; tiếp tục cải cách hành chính, số hóa thông tin, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nền hành chính công công khai, minh bạch, hiệu quả… Thời gian qua, các luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành đã giúp doanh nghiệp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo động lực cho phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định cần điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp với tình hình phát triển doanh nghiệp. Cụ thể, cần xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp… theo hướng tạo và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.

Trần Tâm - Mai Hương - Diệp Anh - Tấn Tài thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/ky-vong-nhung-quyet-sach-dot-pha-tao-dong-luc-phat-trien-i373300/