Kỳ vọng ở vùng lúa trọng điểm

Để phấn đấu đạt chỉ tiêu sản lượng lương thực năm 2020 là 811.000 tấn, ngành nông nghiệp tỉnh sớm chủ động các giải pháp bố trí sản xuất, cơ cấu mùa vụ hợp lý, nhất là các địa phương chủ động nguồn nước tưới.

Kỳ vọng ở vùng lúa trọng điểm

Tập trung chăm sóc tăng năng suất cây lúa. Ảnh: Đình Hòa

Tập trung chăm sóc tăng năng suất cây lúa. Ảnh: Đình Hòa

Sử dụng hết tiềm năng đất lúa

Năm 2020 diễn biến thời tiết khắc nghiệt, tình hình hạn hán và thiếu nước xảy ra ngay từ đầu vụ. Vì vậy, vụ đông xuân 2019 - 2020 trong tổng diện tích cây lúa và cây màu toàn tỉnh là 32.859 ha, phải điều chỉnh cắt giảm đến 15.430 ha do không đảm bảo được nguồn nước tưới, tương đương sản lượng lương thực sẽ giảm 87.000 tấn. Trong khi các địa phương khác phải cắt giảm, điều chỉnh diện tích sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020 cho phù hợp với khả năng nguồn nước thì riêng 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh nguồn nước ổn định đủ nước gieo trồng và tập trung khai thác hết tiềm năng về đất lúa cho vụ sản xuất này cũng như diện tích sản xuất lúa năm nay. Ông Lưu Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho hay: “Đến thời điểm này nguồn nước tưới ổn định đảm bảo sản xuất, do vậy vụ đông xuân vừa rồi huyện tăng diện tích lên gần 500 ha, chủ yếu là trên cây lúa với 250 ha nâng diện tích lúa sản xuất toàn huyện 9.200 ha, phấn đấu đạt sản lượng lương thực vụ đông xuân 65.000 tấn”. Huyện Tánh Linh đề ra giải pháp sản xuất trong tổng diện tích đất lúa 11.000 ha sẽ bố trí gieo trồng cả năm 26.000 ha lúa. Đồng thời gieo trồng khoảng 3.800 ha bắp trên diện tích đất màu và kém hiệu quả nhằm đạt chỉ tiêu lương thực được giao là 188.200 tấn.

Tại huyện Đức Linh, ông Trương Quang Đến – Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Đức Linh cho biết: “Năm 2020, tỉnh giao chỉ tiêu lương thực cho huyện là 153.200 tấn, tăng 16,4% so cùng kỳ. Huyện tập trung bố trí sản xuất cho 2 cây trồng chủ lực là lúa và bắp”. Theo đó, với cây lúa bố trí sử dụng hết tiềm năng về nguồn đất lúa của huyện để đạt tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 23.700 ha. Để đạt chỉ tiêu lương thực đề ra, huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung công tác chống hạn vụ đông xuân. Thực hiện tốt công tác chỉ đạo mùa vụ, hướng dẫn cơ cấu giống cây trồng, theo dõi, dự báo tình hình sâu bệnh trên cây trồng để phòng ngừa kịp thời, giảm rủi ro dịch bệnh tối thiểu. Đưa vào sử dụng giống có chất lượng cao, giống kháng bệnh để tăng năng suất và phấn đấu sản lượng đạt 153.200 tấn. Hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật như canh tác theo phương pháp tưới ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm; chuyển vụ, luân phiên cây trồng hàng năm nhằm cải tạo độ phì cho đất. Đối với cây bắp, vận động người dân chuyển đổi cây bắp trên đất lúa bố trí vụ đông xuân diện tích 1.300 ha xuống giống từ tháng 10 – 12/2019 để tránh khô hạn, thiếu nước tưới khi bắp trổ cờ…

Tăng năng suất để bù đắp

Ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho hay: “Ngành nông nghiệp quan tâm chỉ đạo tăng năng suất vụ hè thu, vụ mùa bù đắp sản lượng lương thực vụ đông xuân năm 2019 – 2020 do cắt giảm diện tích vì hạn hán gây thiếu nước. Tuyên truyền cho người dân sử dụng triệt để nguồn nước, bố trí nước hợp lý tiết kiệm. Sử dụng giống năng suất cao, thời gian ngắn để hạn chế sử dụng nước, chuyển đổi cây trồng phù hợp”.

Theo kế hoạch, vụ hè thu diện tích gieo trồng cây lương thực toàn tỉnh 52.680 ha, phấn đấu sản lượng lương thực đạt khoảng 324.500 tấn sẽ bắt đầu gieo trồng từ đầu tháng 4. Ngành nông nghiệp vận động người dân sử dụng các giống xác nhận để gieo trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, ưu tiên sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn. Chú ý lượng giống và mật độ gieo trồng. Các địa phương lưu ý hướng dẫn cho người dân canh tác lúa theo quy trình kỹ thuật tạm thời ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI). Đối với cây bắp, khuyến khích sử dụng giống bắp lai năng suất, chất lượng cao, kháng sâu và chịu hạn; những giống có hàm lượng protein cao sinh khối lớn phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cùng với đó, thường xuyên thông tin về tình hình hạn hán, lịch xả nước từ các hồ chứa thủy điện, phổ biến kinh nghiệm tiết kiệm nước sản xuất cho nông dân. Xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất hợp lý, các nhà máy thủy điện duy trì lưu lượng chạy máy và thời gian chạy máy hợp lý. Nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng, vệ sinh đồng ruộng kiểm soát các loại dịch bệnh cây trồng…

T.Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/ky-vong-o-vung-lua-trong-diem-125263.html