Kỳ vọng thuốc điều trị Covid-19 của Việt Nam
Các nhà khoa học Việt Nam vừa công bố kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng đối với thuốc điều trị Covid-19 Vipderver: An toàn và có tác dụng ức chế sự phát triển của virus SARS-CoV-2
Ngày 10-8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức họp báo trực tuyến công bố kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 có tên Vipdervir.
Nghiên cứu từ thảo dược
Chế phẩm thuốc y học cổ truyền có triển vọng trong điều trị bệnh Covid-19 Vipdervir, được các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy sản phẩm an toàn và có tác dụng ức chế sự phát triển của virus SARS-CoV-2, tăng cường miễn dịch trên các mô hình nghiên cứu thực nghiệm.
PGS-TS Lê Quang Huấn, Chủ trì nhiệm vụ, Viện Công nghệ sinh học, cho biết nhóm đã sử dụng công nghệ hiện đại để sàng lọc các hoạt chất chính từ thảo dược Việt Nam có lực liên kết mạnh với các phân tử liên quan tới quá trình xâm nhập và tăng sinh của virus SARS-CoV-2. Đồng thời phối hợp các tài liệu y văn xưa và nay, các công bố quốc tế gần đây để tạo được tổ hợp các loại thảo dược có hiệu quả điều trị. Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị hiệu quả Covid-19. Tuy nhiên, nhiều nước đã thông qua một số loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân.
Theo PGS Lê Quang Huấn, qua thử nghiệm trên vật nuôi thỏ, nhóm nghiên cứu đã chứng minh thuốc Vipdervir an toàn và có tác dụng ức chế sự phát triển của virus H5N1 và SARS-CoV-2. Thuốc cũng có tác dụng tăng cường miễn dịch khi thử nghiệm trên động vật. Kết quả đánh giá cũng cho thấy thuốc Vipdervir có khả năng ức chế được sự phát triển của SARS-CoV-2 ở nồng độ virus cho kết quả xét nghiệm dương tính (F0). Thuốc Vipdervir được sử dụng với liều lượng và thời gian nhất định cũng cho thấy xu hướng kích thích miễn dịch ở các mức độ khác nhau. "Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh tính an toàn và khả năng ức chế phát triển SARS-CoV-2 cũng như tăng cường miễn dịch. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để nhóm nghiên cứu đề nghị tiếp tục nghiên cứu hiệu quả điều trị Covid-19 trên người bệnh ở giai đoạn lâm sàng" - PGS Lê Quang Huấn nói.
Có thể cấp phép vào cuối năm 2021
Trước đó, trong cuộc họp ngày 7-8, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học quốc gia (Bộ Y tế) đánh giá cao kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng và chấp thuận đề cương nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân Covid-19 với thuốc Vipdervir trên bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ đào tạo thuộc Bộ Y tế, cho biết nghiên cứu ở giai đoạn tiền lâm sàng cho kết quả rất tốt. Hiện Bộ Y tế đã cho phép được đánh giá, thử nghiệm trên lâm sàng trước khi cấp phép cho sử dụng đại trà. "Để thử nghiệm trên người sẽ mất khoảng 2-3 tháng, sau đó là đánh giá giữa kỳ tổng hợp kết quả thử nghiệm. Hy vọng từ nay đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành nghiên cứu lâm sàng và có thể cấp phép lưu hành cho sản phẩm này" - ông Quang nói.
Theo đơn vị nghiên cứu, trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, dự kiến sẽ thử nghiệm trên các bệnh nhân Covid-19 tình trạng nhẹ và vừa. Số lượng người tham gia thử nghiệm dự kiến là trên 200 người và sẽ thử nghiệm ở một số mức liều. Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm được chia làm 2 nhóm: nhóm điều trị theo phác đồ nền của Bộ Y tế và nhóm điều trị theo phác đồ nền Bộ Y tế cộng thêm sản phẩm thuốc Vipdervir.
Tiểu ban Tiêm chủng cho biết đến nay, đã có gần 19 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 từ các nguồn khác nhau về đến Việt Nam. Hiện nay, trong các kho đang để lại 2,5 triệu liều vắc-xin Moderna và 250.000 vắc-xin Vero Cell để tiêm mũi thứ 2 cho những người đã tiêm mũi 1. Đến nay, đã có khoảng 10 triệu liều vắc-xin được tiêm, trong đó hơn 1 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.
Bộ Y tế ngày 10-8 cho biết nước ta ghi nhận 8.390 ca mắc Covid-19, trong đó 5 ca nhập cảnh và 8.385 ca trong nước. Trong đó, số ca mắc tại TP HCM là 3.956, Bình Dương là 1.325 ca (giảm 1.562 ca so với ngày trước đó). Trong ngày, có 4.428 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 80.348 ca.