Kỳ vọng triệu đô ở liên vùng thủy sản công nghệ cao Tứ Kỳ
Khai thác lợi thế từ điều kiện tự nhiên, huyện Tứ Kỳ đang gấp rút xây dựng liên vùng sản xuất thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao lớn nhất tỉnh Hải Dương, hướng đến hiệu quả kinh tế hàng triệu USD, thay đổi đời sống của người lao động, làm giàu cho nông dân.
Tứ Kỳ là một trong những đầu kéo trong phát triển nuôi trồng và chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Những năm qua, huyện luôn duy trì diện tích nuôi gần 1.800 ha với tổng sản lượng thủy sản ước đạt hơn 13.000 tấn/năm, với sự hình thành của loạt HTX, mô hình điểm.
Bắt nhịp thị trường
Huyện cũng luôn duy trì vị thế đi đầu trong quy hoạch vùng, sản xuất thủy sản tập trung nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Toàn huyện đã có 27 vùng thủy sản tập trung có quy mô từ 20 ha/vùng trở lên ở các xã Tân Kỳ, Quang Phục, Tái Sơn, Hưng Đạo, Tiên Động...
Tại những vùng nuôi thâm canh, năng suất đạt bình quân 10 - 15 tấn/ha, cá biệt có hộ sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao đạt năng suất từ 30 - 40 tấn/ha. Đối với cá lồng, có 925 lồng nuôi, sản lượng hơn 2.500 tấn/năm.
Dù được sản xuất tập trung nhưng có một thực tế trước đây là các vùng nuôi trồng thủy sản của huyện lại thiếu không đồng bộ, người dân vẫn mạnh ai nấy làm nên hiệu quả không được như kỳ vọng. Sản phẩm thủy sản không có điểm nhấn khiến cạnh tranh yếu, tiêu thụ bấp bênh.
Trước đòi hỏi của thực tế, năm 2022, huyện Tứ Kỳ bắt tay xây dựng liên vùng sản xuất thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao với mong muốn tạo đột phá từ lợi thế nông nghiệp này.
Phòng NN&PTNT huyện cho biết, liên vùng sẽ có diện tích gần 300 ha ở 3 xã Quang Phục, Tái Sơn, Tân Kỳ. Đây là 3 địa phương có truyền thống nuôi thủy sản, người dân có trình độ thâm canh cao, đồng thời có nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả.
Để tạo điểm tựa cho liên kết vùng, huyện đã đầu tư xây dựng 3 tuyến đường dài 2,3 km, lập báo cáo triển khai thực hiện 2 tuyến đường dài gần 2 km ở các xã Tái Sơn, Tân Kỳ. Bổ sung nguồn lực để xây cầu Tân Lập và lắp đặt 2 trạm biến áp.
Ngoài hạ tầng sản xuất, huyện chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc triển khai những mô hình thâm canh thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 100 ha.
Sự hỗ trợ của địa phương đang làm thay đổi tư duy, tạo bước ngoặt trong sản xuất cho người dân. Điển hình, gia đình ông Nguyễn Hữu Doan (ở thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ) có hơn 11 ha mặt nước nuôi thủy sản. Để nâng cao hiệu quả, những năm trước, ông đã đưa máy móc vào hỗ trợ sản xuất. Tuy nhiên, vì thiếu kỹ thuật, việc áp dụng cơ giới hóa vẫn chắp vá, manh mún. Phải đến khi được huyện hỗ trợ, ông Doan mới thành thục kỹ thuật thâm canh công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng. Qua đó, duy trì doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.
Liên kết để làm giàu
Đáng chú ý, để thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, gia tăng giá trị kinh tế, những năm qua, trên địa bàn huyện Tứ Kỳ đã hình thành nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất điểm, có doanh thu hàng tỷ đồng/năm, trở thành điểm tựa thoát nghèo, làm giàu cho người lao động.
Đơn cử, sau hàng thập kỷ gắn bó với nghề, từ sản xuất đơn lẻ, đến nay ông Nguyễn Đình Toản (ở xã Quang Phục) đã vận động, tập hợp một số hộ để thành lập HTX Thủy sản công nghệ cao Tưởng An.
Vào HTX, các thành viên, hộ liên kết đều được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, việc nuôi cá bớt vất vả và tiết kiệm được nhiều chi phí, việc cho cá ăn bằng hệ thống máng tự động cũng giúp giảm nhân công, lượng thức ăn.
Đặc biệt, với máy sản xuất thức ăn hiện đại, HTX có thể chủ động được nguồn thức ăn. Camera lắp đặt xung quanh khu vực sản xuất được kết nối với điện thoại thông minh giúp các thành viên có thể dễ dàng giám sát, phát hiện những bất thường để kịp thời xử lý.
"Dù mới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, song hiệu quả đã rõ rệt. Các ao nuôi của HTX nằm trong liên vùng mà huyện quy hoạch nên các thành viên rất phấn khởi. Nuôi cá đã lâu, ai cũng hy vọng đây sẽ là bước ngoặt để gia tăng hiệu quả kinh tế, làm giàu", đại diện HTX Tưởng An chia sẻ.
Bên cạnh các HTX, theo Hội Nông dân huyện Tứ Kỳ, thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả và bền vững, huyện đã thành lập mới 47 mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ liên kết trong sản xuất nông nghiệp thu hút gần 1.500 hội viên.
Các mô hình góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện thu nhập, làm giàu cho nông dân.
Việc liên vùng sản xuất thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai thực hiện tại huyện Tứ Kỳ được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho sản phẩm thế mạnh của địa phương, mang lại doanh thu hàng triệu USD, thay đổi đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Xác định thủy sản là mũi nhọn trong nông nghiệp, huyện quyết tâm tạo đột phá cho lĩnh vực này bằng cách sản xuất hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao.