Kỳ vọng từ Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị
Hơn 5 năm sau ngày Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị được thành lập, nhiều dự án đầu tư công nghiệp, dịch vụ và du lịch được triển khai và chuẩn bị triển khai ở KKT này, tạo ra sức bật mới, đảm nhận vai trò 'đầu tàu' để thúc đẩy KT - XH tỉnh Quảng Trị phát triển.
Theo báo cáo từ Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, đến cuối tháng 8/2020, tại KKT Đông Nam Quảng Trị đã có 38 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 81.000 tỉ đồng, trong đó có 14 dự án đã đi vào hoạt động, 24 dự án đang triển khai xây dựng. Điều dễ nhận thấy là trong các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua, phần lớn các dự án có tổng mức đầu tư lớn, được xem là động lực thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ, du lịch, kinh doanh hạ tầng đều được triển khai tại KKT Đông Nam Quảng Trị. Chẳng hạn như trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế tạo có các dự án: Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị I với tổng mức đầu tư gần 55.100 tỉ đồng do Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư có tổng công suất thiết kế 1.320MW, sử dụng công nghệ lò trên siêu tới hạn (Upper Super Critical), đây là công nghệ hiện đại nhất của nhiệt điện đốt than, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; dự án Nhà máy điện mặt trời LIG Quảng Trị của Công ty cổ phần Licogi 13 làm chủ đầu tư có công suất 49,5 MWp, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng; dự án Nhà máy sản xuất inox và thép hợp kim của Công ty cổ phần thép hợp kim Tân Việt Quang có công suất 240.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư gần 1.600 tỉ đồng.
Trong lĩnh vực cảng biển, dịch vụ, du lịch có dự án xây dựng Khu bến Cảng Mỹ Thủy, tổng mức đầu tư trên 14.200 tỉ đồng của Công ty cổ phần liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy với quy mô 10 bến cảng, tiếp nhận được tàu có tải trọng đến 100.000 tấn; dự án xây dựng Bến cảng CFG Nam Cửa Việt của Công ty TNHH CFG Quảng Trị có quy mô 4 cầu cảng dài 510 m, tổng vốn đầu tư khoảng 640 tỉ đồng; dự án Kho cảng Xăng dầu Hải Hà-Quảng Trị với mức đầu tư 268 tỉ đồng có tổng sức chứa hơn 30.000 m3 cùng cầu cảng xuất nhập tiếp nhận tàu có trọng tải 3.000 DWT; dự án Khu du lịch-nghỉ dưỡng Biển Vàng của Công ty cổ phần phát triển quan hệ Việt-Nhật có tổng mức đầu tư 120 tỉ đồng…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, tiềm lực trong và ngoài nước đang nghiên cứu, thực hiện các thủ tục đầu tư tại KKT Đông Nam Quảng Trị một số dự án quy mô lớn về điện khí, công nghiệp chế tạo, du lịch, dịch vụ, khu đô thị. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện khí Quảng Trị với công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp có công suất 340 MW, tổng vốn đầu tư trên 297,1 triệu USD của Công ty Gazprom International thuộc Tập đoàn Gazprom (Liên bang Nga) được xem là bước đột phá trong phát triển năng lượng điện tái tạo của tỉnh Quảng Trị. Dự án này cũng sẽ trở thành “thỏi nam châm” để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án công nghiệp phụ trợ tại KKT Đông Nam Quảng Trị. Để dự án Nhà máy điện khí Quảng Trị sớm được triển khai, nhiều công việc đã được nhà đầu tư, UBND tỉnh, các ngành chức năng thực hiện.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý bổ sung dự án Nhà máy điện khí Quảng Trị vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, văn bản đồng ý về việc giao Gazprom International làm chủ đầu tư dự án này, tháng 7/2020, lãnh đạo UBND tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Gazprom International thảo luận và ký kết biên bản thống nhất triển khai các công việc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu đưa dự án vận hành vào khoảng thời gian từ năm 2023-2024.
Có được kết quả này, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 29/11/2016 của Tỉnh ủy về Xây dựng và phát triển KKT Đông Nam Quảng Trị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các công việc quan trọng và cấp bách như tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách liên quan đến nhiệm vụ xây dựng và phát triển KKT; tập trung lãnh đạo, triển khai ban hành và đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách phát triển tạo lập môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh thuận lợi gắn với đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư.
Cùng với đó một số dự án đầu tư về hạ tầng phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp đã được triển khai như đường trung tâm trục dọc KKT Đông Nam Quảng Trị có tổng chiều dài trên 23,5 km với mặt đường rộng 34 m bằng bê tông nhựa, tổng vốn đầu tư 630 tỉ đồng; hệ thống cấp nước KKT Đông Nam có công suất thiết kế 270.000 m3 / ngày đêm, trong đó giai đoạn 1 là 95.000 m3 /ngày đêm; Khu tái định cư xã Hải Khê giai đoạn 1 có tổng kinh phí 252 tỉ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để thuận lợi triển khai một số dự án kinh tế động lực.
Thực tế cho thấy đã có nhiều nhà đầu tư chọn KKT Đông Nam Quảng Trị để thực hiện dự án nên kỳ vọng nơi đây sớm trở thành KKT tổng hợp, đa ngành; là địa bàn có tính đột phá của tỉnh Quảng Trị về công nghiệp năng lượng, chế biến và chế tạo; cảng biển; thương mại, dịch vụ và du lịch; phát triển đô thị và những ngành kinh tế khác gắn với Hành lang kinh tế Đông-Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đô thị văn minh, kiến trúc tiên tiến…
Điều quan trọng là KKT Đông Nam Quảng Trị hình thành sẽ tạo ra “cú hích” đặc biệt quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo động lực mới để phát triển KT-XH các địa phương vùng cát, ven biển của các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Tự tin khẳng định điều này là bởi, theo tính toán của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị I, nếu được triển khai theo đúng quy mô và tiến độ đề ra thì khi đi vào hoạt động, mỗi năm dự án này không chỉ dự kiến nộp ngân sách tỉnh 1.250 tỉ đồng/năm từ sản lượng điện sản xuất 7.200 tỉ Kwh/năm mà còn tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương, thu hút thêm nhiều dự án về xây dựng và kinh doanh nhà ở, thương mại-dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Với quyết định thành lập KKT Đông Nam Quảng Trị, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như thu hút đầu tư để tạo động lực cho tăng trưởng KT-XH tỉnh Quảng Trị. Một chặng đường đã qua và khó khăn vẫn còn rất nhiều ở phía trước. Để KKT Đông Nam Quảng Trị hình thành và phát triển theo mục tiêu đề ra, điểm mấu chốt là các cấp, các ngành và các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh, đặc biệt cần nhanh chóng cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp về xây dựng và phát triển KKT Đông Nam Quảng Trị đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154140