Kỳ vọng từ một nghị quyết thiết thực
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Cao Bằng diễn ra mới đây, nghị quyết về quy định mức hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ đã được thông qua.

Người dân bên niềm vui con chữ.
Đây được xem là cú hích quan trọng, tạo thêm động lực cho công cuộc xóa mù chữ, nâng cao dân trí và phát triển bền vững tại địa phương.
Yêu cầu bức thiết
Tỉnh Cao Bằng được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 tại thời điểm tháng 12/2017. Năm 2024, tỉnh tự đánh giá đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Tuy nhiên, theo thống kê của ngành Giáo dục tỉnh Cao Bằng, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 9.027/367.230 người độ tuổi 15 - 60 tuổi mù chữ mức độ 1 (chưa học xong lớp 3), chiếm 2,46%; có 30.965/367.230 người độ tuổi 15 - 60 tuổi mù chữ mức độ 2 (chưa học xong lớp 5), chiếm 8,43% tổng số dân trong độ tuổi lao động.
Trong khi đó, số người tham gia học các lớp xóa mù chữ trong những năm qua còn hạn chế. Cụ thể, năm 2020 có 831 người học xóa mù chữ, 2021 có 723 người, 2022 có 235 người, 2023 có 532 người, năm 2024 có 446 người. Trung bình mỗi năm (từ 2020 - 2024) có 553 người học xóa mù chữ trong tổng số 30.965 người mù chữ của tỉnh (chỉ đạt 1,79%).

Các học viên tham dự Lễ khai giảng lớp xóa mù chữ.
Mỗi năm số người mù chữ toàn tỉnh trung bình giảm khoảng 2.000 người, do hoàn thành các lớp xóa mù chữ, ra khỏi cơ cấu tuổi lao động (15 – 60 tuổi)… Do đó, nếu không có sự thay đổi về cách làm và chính sách hỗ trợ phù hợp, dự kiến 15 - 20 năm nữa tỉnh Cao Bằng mới hoàn thành xóa mù chữ.
Từ vấn đề đặt ra này, UBND tỉnh Cao Bằng đã có tờ trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Theo lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, việc ban hành nghị quyết không chỉ là quyết sách mang tính chiến lược, mà còn là lời cam kết của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ người dân được học chữ, mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức. Đây là bước đi cụ thể nhằm rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu xóa mù chữ.
Hỗ trợ thiết thực, nhân văn
Theo nghị quyết, người dân tham gia học xóa mù chữ sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/giai đoạn sau khi hoàn thành chương trình học và được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền. Người tuyên truyền, vận động người dân đi học được hỗ trợ 90.000 đồng/học viên. Ngoài ra, còn có các khoản chi cho thắp sáng lớp học ban đêm, mua sách vở dùng chung...

Các đại biểu, học viên tham dự lớp xóa mù chữ.
Điểm đáng chú ý là nghị quyết này không chỉ hỗ trợ người học mà còn chia sẻ gánh nặng với giáo viên, cộng tác viên, chính quyền địa phương – những người trực tiếp tổ chức, vận động và duy trì lớp học xóa mù chữ.
Bà Nguyễn Ngọc Thư, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng khẳng định: “Đây là nghị quyết rất thiết thực, lần đầu tiên tỉnh có chính sách khuyến khích toàn diện cho cả người học và người dạy. Chúng tôi kỳ vọng nghị quyết sẽ giúp tăng đáng kể số lượng người biết chữ và tạo chuyển biến bền vững trong xây dựng xã hội học tập tại Cao Bằng.”
Hướng tới mục tiêu bền vững
Tại nhiều địa phương như xã Thông Nông, Cần Yên – những vùng có tỷ lệ mù chữ cao – nghị quyết được ví như “luồng sinh khí mới”. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Thông Nông chia sẻ: “Trước đây, việc tổ chức lớp học xóa mù chữ gặp nhiều khó khăn, phần vì người dân bận mưu sinh, phần vì đi học không được hỗ trợ. Nay có chính sách rõ ràng, chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn để huy động học viên đến lớp.”
Cô giáo Dương Thị Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Sỹ, xã Cần Yên – cũng bày tỏ nhiều hy vọng: “Tôi từng dạy lớp xóa mù buổi tối cho các chị 40–50 tuổi, hoàn cảnh rất khó khăn nên nghị quyết lần này tiếp thêm động lực cho cả người dạy và người học.”

Các học viên tại Lễ bế giảng lớp học xóa mù chữ.
“Nghị quyết này thể hiện rõ quan điểm của tỉnh là không để ai bị bỏ lại phía sau. Từ những lớp học chữ ban đêm nơi bản cao, chúng tôi muốn lan tỏa tinh thần học tập đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo nền móng cho phát triển toàn diện và bền vững.” - Bà Nguyễn Ngọc Thư nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với các địa phương triển khai nghị quyết, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo và phát triển nông thôn mới. Cùng với chính sách hỗ trợ cụ thể, việc huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, gia đình và cộng đồng là điều kiện tiên quyết để nghị quyết đi vào cuộc sống.
Một nghị quyết – nếu thực hiện đúng hướng và hiệu quả – sẽ không chỉ là văn bản pháp lý, mà trở thành động lực đổi thay. Và chính từ những lớp học ban đêm nơi thôn bản ấy, một Cao Bằng biết chữ – giàu tri thức – sẽ dần hình thành.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ky-vong-tu-mot-nghi-quyet-thiet-thuc-post741386.html