Kỳ vọng từ những dự án sản xuất, kinh doanh
Khép lại năm 2019, nhiều dự án sản xuất, kinh doanh lớn với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng được khởi công xây dựng. Nhiều dự án trong số đó đã đi vào hoạt động, như một làn gió mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là những dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên 'sức bật' cho kinh tế - xã hội các địa phương trong tỉnh.
Dây chuyền sản xuất lúa gạo hiện đại của Công ty CP Thương mại Sao Khuê vừa được đầu tư, đi vào sản xuất tháng 11-2019.
Là địa phương, có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên nên nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực mà tỉnh Thanh Hóa chú trọng thu hút đầu tư. Từ những kết quả khả quan của một số dự án nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai, như: Dự án chăn nuôi bò sữa Vinamilk; nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo do Công ty CP Thương mại Sao Khuê làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, công suất chế biến 30.000 tấn gạo thành phẩm/năm; trang trại chăn nuôi lợn ngoại có quy mô 3.600 lợn nái, 6.000 con lợn thịt/lứa tại xã Xuân Khang (Như Thanh) có tổng vốn đầu tư gần 80 tỷ đồng... Những dự án đã góp phần kích cầu để tỉnh thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, tập đoàn khác đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Dự án Nhà máy Giết mổ và Chế biến gia cầm xuất khẩu Viet AVIS tại xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) nhận được sự kỳ vọng lớn trong phát triển ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm xuất khẩu. Nhà máy do liên doanh Tập đoàn Master Good (Hungary) và Công ty CP Nông sản Phú Gia hợp tác xây dựng. Đây là dự án vừa được khánh thành, đi vào hoạt động vào cuối năm 2019, tạo đột phá về công nghệ và mô hình tổ chức sản xuất, với hệ thống thiết bị tự động hiện đại. Sản phẩm của nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn châu Âu, hướng đến cung cấp cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và các nước châu Âu. Giai đoạn 1 của nhà máy có công suất giết mổ 4.500 con gia cầm/giờ; giai đoạn 2, nhà máy sẽ nâng công suất giết mổ lên 8.000 đến 9.000 con gia cầm mỗi giờ. Cùng với giết mổ là những dây chuyền chế biến thịt gia cầm khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu. Dự án không chỉ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng lớn, tạo việc làm trực tiếp và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, mà còn đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Trang trại chăn nuôi lợn ngoại xã Xuân Khang (Như Thanh).
Điểm nhấn tiếp theo là Nhà máy Giầy xuất khẩu Kim Việt – Việt Nam tại thị trấn Nông Cống. Dự án do Công ty TNHH giầy Kim Việt – Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn Xin Long làm chủ đầu tư. Dự án có vốn đầu tư 30 triệu USD này được đầu tư trên diện tích 10 ha, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 2-2020, tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động.
Năm 2019, Thanh Hóa đã thu hút đầu tư được 208 dự án đầu tư trực tiếp, gồm: 185 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng nguồn vốn đầu tư đăng ký đạt 24.850 tỷ đồng; 23 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng nguồn vốn đầu tư đăng ký đạt 342,21 triệu USD. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhất là các hoạt động xúc tiến đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng, cũng như sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trước mắt là hoàn chỉnh hệ thống giao thông. Cảng Hàng không Thọ Xuân, hệ thống cảng biển; hệ thống truyền tải điện, cấp nước, viễn thông, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh... tiếp tục được đầu tư, tạo sức hấp dẫn để thu hút các dự án đầu tư.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/ky-vong-tu-nhung-du-an-san-xuat-kinh-doanh/113424.htm