Kỳ vọng từ Washington của ông Moon Jae-in

Ngày 21-5 (22-5 giờ Việt Nam), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Ông là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai đến thăm Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền. Trước đó là Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Dù vậy, Văn phòng Tổng thống và dư luận Hàn Quốc vẫn cảm thấy vui mừng khi ông Moon Jae-in có thể trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai được ông Biden tiếp đón.

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và công nghệ hiện nay, chuyến thăm Washington của Tổng thống Moon Jae-in có ý nghĩa quan trọng và nhạy cảm đối với cả Hàn Quốc và Mỹ, đồng thời được cho là cũng sẽ làm nảy sinh ảnh hưởng đáng kể đến tình hình khu vực. Mỹ muốn lôi kéo Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng nhấn mạnh cần tăng cường quan hệ đồng minh không thể phá vỡ với Mỹ để đảm bảo an ninh.

Ông Moon Jae-in trở thành nguyên thủ thứ hai được ông Joe Biden đón tiếp tại Nhà Trắng.

Ông Moon Jae-in trở thành nguyên thủ thứ hai được ông Joe Biden đón tiếp tại Nhà Trắng.

Theo các nhà ngoại giao Hàn Quốc, chuyến thăm lần này xuất phát từ lợi ích quốc gia của Hàn Quốc và tập trung vào 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, ông Moon Jae-in sẽ đề cập xoay quanh việc cung cấp vaccine phòng COVID-19 ở Hàn Quốc và hợp tác công nghệ vaccine mRNA của Mỹ, phía Hàn Quốc mong muốn nhanh chóng có được nhiều vaccine hơn từ công ty dược phẩm Pfizer. Thứ hai, ông Moon Jae-in và ông Joe Biden sẽ trực tiếp thảo luận về liên minh chiến lược Mỹ - Hàn, đồng thời khẳng định việc mở rộng và củng cố mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo hai nước trong tương lai. Cuối cùng, chính phủ hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa về chính sách đối với CHDCND Triều Tiên, thống nhất sử dụng một biện pháp: Hàn Quốc tìm cách nhanh chóng nối lại đối thoại liên Triều và Mỹ - Triều. Tất nhiên, không thể thiếu các cuộc thảo luận về hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ giữa hai nước, bao gồm cả vấn đề chip bán dẫn vốn đang nóng lên hằng ngày.

Một trong những vấn đề mà Seoul kỳ vọng vào chuyến thăm lần này của ông Moon Jae-in đó là liên minh quân sự Mỹ - Hàn sẽ được cải thiện. Ngay cả trong thời kỳ ông Trump, Mỹ và Hàn Quốc được cho là vẫn duy trì quan hệ đồng minh tương đối chặt chẽ, mặc dù việc ông Trump liên tục gây sức ép buộc Hàn Quốc tăng gấp đôi mức đóng góp quốc phòng cũng khiến Seoul cảm thấy thất vọng. Tuy nhiên, Seoul đã rất khôn khéo, cố gắng không va chạm trực tiếp với Washington, "mềm nắn rắn buông", sử dụng "kế hoãn binh" để tìm giải pháp phù hợp. Và, cùng với việc ông Biden lên nắm quyền, các cuộc đàm phán giữa hai bên đã đạt được những đột phá, nhất trí giải quyết khúc mắc bằng cách tăng mức đóng góp quốc phòng theo từng năm. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Hàn Quốc vào tháng 3 vừa qua, hai bên đã chính thức ký thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng. Có thể nói, những vấn đề nan giải chính trong liên minh quân sự Mỹ - Hàn đã được giải quyết.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Seoul, liên minh Mỹ - Hàn vẫn tồn tại 3 vấn đề lớn, một là lập trường và thái độ đối với Trung Quốc, hai là lập trường và thái độ đối với CHDCND Triều Tiên và ba là quan hệ Nhật - Hàn. Xuất phát từ nhu cầu về lợi ích an ninh, kinh tế, thương mại và công nghệ của Hàn Quốc, Seoul đã có những cân nhắc và ý tưởng chiến lược riêng. Tuy nhiên, theo dự đoán, để Washington lắng nghe Seoul trong những vấn đề như thế này là điều khó xảy ra.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc cũng vào tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thúc giục Hàn Quốc gia nhập liên minh chiến lược toàn cầu và khu vực của Mỹ nhưng Hàn Quốc đã đáp lại bằng lập trường ngoại giao khôn khéo của mình. Washington rõ ràng không hài lòng về điều này. Thời gian gần đây, Mỹ liên tục gây sức ép để lôi kéo Hàn Quốc và e rằng trong chuyến thăm lần này, Mỹ sẽ không dễ bỏ qua cơ hội gây sức ép hơn nữa với ông Moon Jae-in.

Từ góc độ thế giới bên ngoài, Hàn Quốc vẫn cho thấy thái độ không muốn lựa chọn bên giữa các nước lớn nhưng việc liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Hàn, cùng với việc tuyên bố Hàn Quốc là nước chủ chốt trong liên minh an ninh quân sự Đông Bắc Á của Mỹ là điều rất đáng phải để tâm.

Ngoài ra, dư luận Hàn Quốc nhận định rằng mục đích chính và cũng là vấn đề nan giải nhất trong chuyến thăm của ông Moon Jae-in tới Washington lần này có thể là việc Seoul cố gắng phối hợp hơn nữa với Mỹ về chính sách đối với CHDCND Triều Tiên, tìm cách nhanh chóng khôi phục đối thoại liên Triều và Mỹ - Triều, thúc đẩy phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài ở Bán đảo Triều Tiên. Đây luôn là vấn đề nan giải trong quá khứ cũng như hiện tại.

Ông Moon Jae-in đã bước vào năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống. Trong bài phát biểu tại Nhà Xanh ngày 10-5 vừa qua, ông nói: "Việc chấm dứt kỷ nguyên đối đầu và chia cắt trên Bán đảo Triều Tiên, mở ra kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng là nguyện vọng chung của người dân hai miền. Tôi sẽ coi năm cuối cùng của nhiệm kỳ là cơ hội hướng tới một kỷ nguyên hòa bình không thể đảo ngược. Chúng ta cân nhắc việc này đã lâu, giờ là lúc hành động. Chính quyền mới ở Mỹ đã hoàn thành nghiên cứu và đánh giá về chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. Đây là kết quả của quá trình tham vấn chặt chẽ với Hàn Quốc. Hàn Quốc hoan nghênh định hướng chính sách của Tổng thống Biden đối với CHDCND Triều Tiên. Định hướng của chính sách này là giải quyết và thực hiện mục tiêu cơ bản phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên bằng phương thức ngoại giao, giữ thái độ linh hoạt, không vội vàng và thiết thực dựa trên tuyên bố Singapore".

Phát biểu của ông Moon Jae-in rõ ràng không chỉ dành cho người Hàn Quốc, mà còn dành cho cả CHDCND Triều Tiên và Mỹ, đây là thông điệp ông đưa ra ngay trước cuộc hội đàm tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, kết quả thì vẫn còn phải chờ xem.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/ky-vong-tu-washington-cua-ong-moon-jae-in-642695/