Kỳ vọng vào giải pháp giữ chân giáo viên

Trước thực trạng nhiều giáo viên, nhân viên trường học nghỉ việc với nguyên nhân chính là tiền lương và thu nhập còn thấp, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Sở GD-ĐT xây dựng chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập.

Nhiều giáo viên thể dục không có nguồn thu nhập thêm ngoài lương khiến đời sống gặp nhiều khó khăn Trong ảnh: Giáo viên thể dục Trường THCS Nguyễn Công Trứ (H.Xuân Lộc) hướng dẫn học sinh luyện tập thể dục. Ảnh: Công Nghĩa

Nhiều giáo viên thể dục không có nguồn thu nhập thêm ngoài lương khiến đời sống gặp nhiều khó khăn Trong ảnh: Giáo viên thể dục Trường THCS Nguyễn Công Trứ (H.Xuân Lộc) hướng dẫn học sinh luyện tập thể dục. Ảnh: Công Nghĩa

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết: “Quá trình nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên đã được Sở GD-ĐT triển khai rất nghiêm túc. Đồng Nai là tỉnh có số lượng giáo viên rất đông, đặc điểm công tác ở mỗi trường lại có sự khác nhau nên khi xây dựng chính sách cũng phải rất căn cơ, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả nhưng không gây áp lực quá lớn cho ngân sách”.

“Làn sóng” giáo viên nghỉ việc

Từ năm 2020-2023, toàn tỉnh có 1.178 giáo viên, nhân viên nghỉ việc, nguyên nhân chính là thu nhập chưa đủ sống. Nhiều giáo viên tuy không nghỉ việc nhưng tiếp tục phải “sống chung” với mức lương thấp kéo dài đã không tránh khỏi tâm tư. So với định biên, đội ngũ giáo viên các cấp của tỉnh đang thiếu 3.600 người, trong đó giáo viên nhà trẻ thiếu 203 người, mẫu giáo 442 người, tiểu học 2.166 người, THCS 627 người, THPT 162 người. Trong đó, giáo viên THCS và THPT thiếu nhiều nhất ở các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân, Tin học.

Vào tháng 6-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH đã có chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Sở GD-ĐT xây dựng chính sách hỗ trợ giáo viên các cơ sở công lập trước năm học mới 2023-2024. Tuy nhiên do lực lượng giáo viên của tỉnh rất đông nên việc xây dựng chính sách hỗ trợ cần thận trọng và đảm bảo khả năng của ngân sách. Do đó, Sở GD-ĐT đã xin được lùi thời gian hoàn thành dự thảo vào tháng 11-2023.

Không chỉ đối diện với tình trạng giáo viên, nhân viên nghỉ việc mà nhiều trường còn gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, nhân viên mới để bổ sung cho giáo viên nghỉ việc và giáo viên đến tuổi về hưu. Những khó khăn trong đảm bảo nguồn lực giáo viên đang khiến không ít trường gặp khó khăn trong tổ chức dạy và học. Có những trường hiện thiếu từ 5-12 giáo viên nhưng đã nhiều năm trở lại đây khó tuyển dụng, nhất là những trường ở xa trung tâm huyện. Có trường vì thiếu giáo viên nên đã phải thỉnh giảng hoặc mời giáo viên đã về hưu trở lại dạy.

Mã Đà và Phú Lý là 2 xã nằm khá xa trung tâm H.Vĩnh Cửu, quãng đường di chuyển lên đến 30-40km. Chính vì vậy nhiều năm nay các trường từ bậc mầm non đến THCS của 2 xã này đều rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Chẳng hạn như Trường tiểu học Bàu Phụng, Trường tiểu học Phú Lý (xã Phú Lý) Trường tiểu học Mã Đà (xã Mã Đà) đều thiếu từ 5-10 giáo viên nhưng các trường đều không tuyển được. Có giáo viên dù đã trúng tuyển nhưng lại không đến nhận quyết định điều động công tác vì đường trung tâm huyện đến trường quá xa, ở lại thì khó mà đi về mỗi ngày thì tiền xăng xe chiếm đến 1/4 tiền lương nhận được mỗi tháng.

Tình trạng giáo viên và nhân viên nghỉ việc không chỉ diễn ra ở những trường nằm ở các xã vùng sâu, vùng xa mà còn ở cả những trường tại thành thị. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.Biên Hòa cho hay, năm học trước trường đã có 3 nhân viên trường học nghỉ việc vì thu nhập thấp. Công tác ở trường nằm ngay trung tâm thành phố mà lương chỉ 5 triệu đồng mỗi tháng thì khó trụ nổi, trong khi đó trường không có khoản gì khác bù đắp cho nhân viên đỡ khó khăn. Nếu so sánh, lương của viên chức kế toán, nhân viên thư viện còn thấp hơn cả bảo vệ diện hợp đồng.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Sơn (xã Thanh Sơn, H. Định Quán) Nguyễn Văn Lăng cho hay: “Từ trường ra trung tâm huyện quãng đường dài 20km, mùa nắng thì đỡ còn mùa mưa thì rất vất vả cho những giáo viên nhà ở ngoài trung tâm huyện vào trường dạy. Dẫu vất vả là thế nhưng đồng lương của giáo viên trường vùng sâu so với giáo viên ở những trường ngoài trung tâm cũng không có gì khác nhau. Chính vì đường xa, đi lại vất vả nên nhiều giáo viên nhà ở trung tâm huyện rất muốn xin thuyên chuyển, còn giáo viên mới thì không ai muốn về trường”.

Giải pháp giữ chân giáo viên

Sở GD-ĐT đang triển khai lấy ý kiến góp ý của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành đối với dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2023-2025). Khi dự thảo nghị quyết được đưa ra lấy ý kiến đã tạo sự phấn khởi cho nhiều địa phương, nhất là những huyện đang gặp khó khăn rất lớn trong chuyện giữ chân giáo viên đang công tác và tuyển dụng giáo viên mới.

Theo dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi, đối tượng dự kiến được áp dụng chính sách hỗ trợ, thu hút gồm: giáo viên tham gia tuyển dụng mới, trúng tuyển và nhận công tác ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh; các bộ môn khó tuyển dụng gồm: Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân ở cấp học phổ thông; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS-THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên ở một số xã của các huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú, Thống Nhất, Định Quán; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật và giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Theo dự thảo chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập được Sở GD-ĐT xây dựng, dự kiến giáo viên về các địa bàn sau được hưởng chính sách thu hút: Giáo viên tham gia tuyển dụng mới, trúng tuyển và nhận công tác ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên ở các xã gồm: Sông Nhạn, Thừa Đức, Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ); Cây Gáo, Thanh Bình, Sông Thao, Bàu Hàm (H.Trảng Bom); Mã Đà, Phú Lý, Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu); Xuân Phú, Lang Minh (H.Xuân Lộc); Đắk Lua, Tà Lài, Phú Bình (H.Tân Phú); Lộ 25, Xuân Thiện (H.Thống Nhất); Phú Túc, Túc Trưng, Phú Vinh, Phú Tân, Thanh Sơn, Phú Lợi (H.Định Quán).

Dự thảo đưa ra 2 chính sách là thu hút tuyển mới giáo viên một lần với mức thấp nhất là 120 triệu đồng/người và cao nhất là 200 triệu đồng/người. Đối với chính sách hỗ trợ giáo viên hàng tháng, nếu giáo viên đang hưởng mức lương hàng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, giáo viên công tác tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyến tật, giáo viên giảng dạy tại Trường chính trị tỉnh có thể được hỗ trợ thấp nhất là 1,5 triệu đồng/người và cao nhất là 2,5 triệu đồng/người.

Nguồn kinh phí thực hiện thu hút và hỗ trợ dự kiến được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh theo phân cấp ngân sách hiện hành. Dự kiến nguồn lực để chi cho chính sách thu hút và hỗ trợ giáo viên là 440 tỷ đồng, trong đó 183 tỷ đồng dành để thu hút giáo viên và 257 tỷ đồng dùng để hỗ trợ giáo viên.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Vĩnh Cửu Huỳnh Văn Gắt chia sẻ, dự thảo chính sách hỗ trợ đãi ngộ giáo viên của Sở GD-ĐT xây dựng và lấy ý kiến các địa phương đã mở ra một hy vọng mới cho các trường lâu nay khó tuyển dụng giáo viên có thêm sức hút mới. Đối với những giáo viên đang công tác nhưng mức lương nhận được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ phấn khởi, an tâm công tác nếu các chính sách này được triển khai vào thực tiễn.

Công Nghĩa

Phó giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai BẠCH THỊ KIM HUỆ:

Chính sách tuyển dụng giáo viên dạy học sinh khuyết tật phải phù hợp

Hiện Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh vẫn đang thiếu giáo viên, nhất là khi tiếp nhận thêm học sinh của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa điếc thuộc Trường đại học Đồng Nai chuyển qua học tập. Hơn nữa, đối tượng giáo viên dạy cho học sinh khuyết tật khác với giáo viên dạy ở các trường phổ thông bình thường nên càng khó tuyển nếu chính sách thu nhập không có sự khác biệt.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán NGÔ ĐĂNG THÀNH:

Định Quán có nhiều xã nhất trong danh sách cần thu hút giáo viên

Chúng tôi hiện có tới 6 xã đang rất khó thu hút giáo viên về giảng dạy, vì vậy khi được biết dự thảo chính sách hỗ trợ, đãi ngộ giáo viên huyện có tới 6 xã thuộc địa bàn được thu hút các trường đều rất phấn khởi và kỳ vọng. Những chính sách mà Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh khá mạnh, chọn lọc đối tượng cần hỗ trợ và đãi ngộ khá phù hợp. Chúng tôi rất mong chờ chính sách này sớm được thông qua và đưa vào cuộc sống, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các trường.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202310/ky-vong-vao-giai-phap-giu-chan-giao-vien-ace49e7/