Kỳ vọng vào lực mua ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có dấu hiệu dừng đà bán ròng, dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong nửa đầu quý II/2025. Theo các chuyên gia, hiện giờ chỉ có thể hy vọng nhiều hơn vào sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Giao dịch của khối ngoại là điểm trừ trong tuần qua (14-18/4) với mức bán ròng đột biến. Tổng cộng sau 5 phiên, khối này bán ròng 5.170 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Dẫn dắt thị trường
Nhìn chung, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa có dấu hiệu dừng đà bán ròng. Giới phân tích dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong nửa đầu quý II/2025. Nguyên nhân là do họ muốn gia tăng tỷ trọng tiền mặt để đối phó với bài toán tiến trình đàm phán thuế, phòng vệ rủi ro tỷ giá, và cơ cấu lại danh mục theo hướng mới.
Hơn nữa, khả năng được nâng hạng trong trường hợp khả thi nhất cũng phải đến kỳ review nâng hạng trong tháng 9/2025, và từ nay đến đó còn khoảng 6 tháng nữa. Trong khi đó, đối với dòng vốn nước ngoài thì quỹ ETF vốn dĩ sẽ luôn phân bổ một phần vào Việt Nam khi chính thức được nâng hạng; còn quỹ chủ động thì sẽ xem xét cẩn trọng hơn, và phụ thuộc vào tình hình đàm phán thuế.

Chuyên gia cho rằng hiện giờ chỉ có thể hy vọng nhiều hơn vào sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Và hiện giờ chỉ có thể hy vọng nhiều hơn vào sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân trong nước, bởi qua đợt điều chỉnh vừa rồi, định giá của VN-Index đã về một vùng hấp dẫn và gần tiệm cận mức định giá đáy của 5 năm vừa qua.
Thực tế, theo thống kê, tính đến cuối quý I/2025, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán (CTCK) vào khoảng 280.000 tỷ đồng (~11 tỷ USD), tăng 35.000 tỷ so với cuối năm 2024 và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, dư nợ margin ước tính khoảng 273.000 tỷ đồng, tăng 33.000 tỷ so với cuối năm 2024 và cũng là con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Margin tăng mạnh trong quý đầu năm góp phần thúc đẩy thanh khoản thị trường cải thiện. Giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE liên tục tăng lên mức trên 18.000 tỷ/phiên trong tháng 3. Xu hướng này tiếp tục được duy trì, thậm chí còn bùng nổ hơn trong tháng 4 khi thị trường có nhiều biến động mạnh.
Mặc dù dư nợ cho vay tại các CTCK còn đến từ hoạt động vay deal của các cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp nhằm huy động vốn khi kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, song không thể phủ nhận nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư cá nhân tăng cao, cho thấy khối này đang “cân” cả thị trường trong thời gian qua.
Ở góc độ kỹ thuật, trong ngắn hạn (1 -3 tháng tới), thị trường chứng khoán tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực. Mô hình hai đáy - một trong những mô hình đảo chiều đáng tin cậy - đang dần hình thành. Sau khi lùi về vùng 1.070 điểm để tạo đáy thứ nhất, thị trường đã có nhịp hồi phục. Dù chịu áp lực chốt lời tại vùng kháng cự 1.250 điểm, chỉ số không giảm sâu mà thiết lập đáy thứ hai cao hơn, tại vùng 1.200 điểm - một tín hiệu củng cố đáng kể cho tâm lý nhà đầu tư trong nước, vốn là dòng tiền dẫn dắt thị trường hiện nay.
“Có sự ổn định trong hành vi mua bán quanh vùng hỗ trợ mạnh 1.180 - 1.200 điểm. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kỹ thuật, mà còn thể hiện tâm lý ổn định hơn do dòng tiền mua mang tính chất dài hạn hơn”, Tyler Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc cấp cao Nghiên cứu chiến lược thị trường HSC nhận xét.
Lực lượng tích cực trong thời gian tới
Giới phân tích cho rằng chờ đợi đến kỳ nâng hạng, nhà đầu tư cá nhân sẽ là một lực lượng tích cực tham gia vào thị trường.
Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào thời điểm cuối quý I/2025 đạt khoảng 97.000 tỷ đồng . Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Lượng tiền này đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân.
So với đầu năm, tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK đã tăng khoảng 24.000 tỷ và là số dư tiền gửi tại cuối quý cao thứ hai trong lịch sử, chỉ kém mức kỷ lục ghi nhận vào thời điểm cuối quý I/2024 (khoảng 104.000 tỷ đồng).
Điều này cho thấy, tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn đang dồi dào, họ chỉ cần có lý do và cảm thấy thị trường an toàn sẽ sẵn sàng “vào cuộc”.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT nhận xét, việc thị trường điều chỉnh sau khi chạm vùng kháng cự 1.240 điểm là lành mạnh để hấp thụ một phần lượng hàng bắt đáy giá rẻ. Thị trường đang dần hình thành vùng cân bằng cung cầu tại 1.200-1.250 điểm sau giai đoạn biến động giá mạnh thời gian qua. Bước sang nửa cuối tháng 4, thị trường sẽ chuyển dịch sự quan tâm sang bức tranh kết quả kinh doanh quý I. Trong bối cảnh thị trường đã về vùng “định giá rẻ”, những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh có thể là chất xúc tác giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư cũng như mặt bằng định giá cổ phiếu. Những doanh nghiệp dự kiến có kết quả tích cực sẽ thu hút được dòng tiền của thị trường.
Về những nhóm ngành có triển vọng tốt, ông Hinh cho rằng với số liệu tăng trưởng tín dụng khởi sắc gần đây cùng với xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất đầu vào, ngành ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý I năm nay. Cùng với đó, tăng trưởng của ngành tiêu dùng-bán lẻ được kỳ vọng sẽ bắt đầu bứt tốc khi sức mua trong nước có dấu hiệu cải thiện rõ nét nhờ thu nhập người dân cải thiện và hưởng lợi từ chính sách kích cầu của Chính phủ. Các ngành được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan khác bao gồm chăn nuôi, thủy sản và điện.
Mặt khác, việc KRX sẵn sàng "go-live" trong tháng 5/2025 sẽ giúp thị trường chứng khoán tăng tính minh bạch, rút ngắn thời gian thanh toán, mở đường cho các sản phẩm phái sinh mới… Đây sẽ là một trong những yếu tố nền tảng để thị trường sớm được nâng hạng, tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư trên thị trường.