Kỳ vọng vào những cây viết trẻ

Văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (LLVT-CTCM) lâu nay vẫn được xem là sân chơi của các nhà văn, nhà thơ lão thành, đặc biệt là những người đã từng trực tiếp tham gia công cuộc chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.

Với một bề dày lịch sử hào hùng và bi thương của đất nước, LLVT-CTCM là một đề tài rộng lớn đang rất cần sự đóng góp của các nhà văn, nhà thơ trẻ giúp làm phong phú thêm nền văn học Việt Nam.

Hội nghị Sơ kết 5 năm tổ chức trại sáng tác văn học về đề tài LLVT-CTCM giai đoạn 2015-2019 vừa được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức mới đây tại Vĩnh Phúc. Theo đánh giá của ban tổ chức, 5 năm qua, từ nhiều cộng tác viên trong và ngoài quân đội trên khắp mọi miền Tổ quốc, Nhà xuất bản QĐND đã lựa chọn mỗi trại 15 nhà văn, nhà thơ đa dạng về độ tuổi, phù hợp về địa bàn và nghề nghiệp để mời tham gia trại viết mỗi khi tổ chức. Trải qua 5 trại sáng tác thường niên, 3 trại sáng tác chiều sâu, các nhà văn, nhà thơ đã cho ra đời hơn 70 bản thảo đủ các thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, trường ca, thơ… Nhà xuất bản QĐND đã lựa chọn đưa vào phát hành được 52 tác phẩm và số bản thảo còn lại sẽ tiếp tục được xuất bản trong thời gian tới.

 Các nhà văn, nhà thơ tại Hội nghị Sơ kết 5 năm tổ chức trại sáng tác văn học về đề tài LLVT-CTCM giai đoạn 2015-2019.

Các nhà văn, nhà thơ tại Hội nghị Sơ kết 5 năm tổ chức trại sáng tác văn học về đề tài LLVT-CTCM giai đoạn 2015-2019.

Trong số 52 tác phẩm được xuất bản có nhiều tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng về văn học nghệ thuật (VHNT) của Trung ương và địa phương. Trong đó, tiểu thuyết “Mưa đỏ” của nhà văn Chu Lai được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016. Các tiểu thuyết “Xóm Chợ” của nhà văn Nguyễn Hiền Lương, “Chuyện tình Phja Bjooc” của nhà văn Bùi Thị Như Lan, “Làng Ba Họ” của nhà văn Hoàng Giá, “Cơm Bắc giặc Nam” và “Dòng đời và chiến trận” của nhà văn Phùng Phương Quý… đã giành được các giải thưởng của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam và các giải thưởng về VHNT cấp tỉnh. Ngoài ra, một số tác phẩm sau khi được phát hành đã để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng bạn đọc, như: “Bến Tầm Phu” của nhà văn Hoàng Giá, “Tiếng biển” của nhà văn Nguyễn Văn Đệ, “Những buổi chiều tháng bảy” của nhà văn Vũ Minh Nguyệt… Ông Huỳnh Văn Ngàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác VHNT khẳng định: “Khi Nhà xuất bản QĐND đặt vấn đề phối hợp về trại sáng tác, chúng tôi rất phấn khởi. LLVT-CTCM là một đề tài lớn, lẽ ra chúng ta cần phải kết hợp để làm từ lâu rồi. Trong 5 năm qua có 70 bản thảo, trong đó có 52 tác phẩm phát hành là một sự thành công không ngờ tới. Thông qua các trại sáng tác vừa qua, chúng tôi sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm, họp bàn để có những cách làm mới cho các trại sáng tác những năm tiếp theo”.

Dù thành công ngoài mong đợi nhưng hầu hết tác giả của các tác phẩm trong trại sáng tác văn học về đề tài LLVT-CTCM giai đoạn 2015-2019 đều là các nhà văn, nhà thơ lão thành. Các nhà văn, nhà thơ trẻ luôn xem đây là một sân chơi quá sức bởi nhiều người cho rằng không từng đi qua chiến tranh thì thật khó có thể sáng tác ra những tác phẩm hay về đề tài LLVT-CTCM. Chia sẻ về vấn đề này, GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Việt Nam, cho biết: “Tôi có đọc một số tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ trẻ về chiến tranh. Dù không trải qua chiến tranh nhưng họ có sự tìm tòi, mới lạ. Tôi cho rằng cần có sự kết hợp hai thế hệ. Thế hệ những nhà văn, nhà thơ đã trải qua chiến tranh và thế hệ nhà văn, nhà thơ trẻ trong thời bình. Để có đội ngũ nhà văn, nhà thơ kế cận, tôi cho rằng chúng ta cần phải đổi mới cách làm. Cần đầu tư chuyên sâu về các trại sáng tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà văn, nhà thơ trẻ có cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm để từ đó khơi nguồn sáng tạo trong họ. Có một thực tế là tâm lý của các nhà văn, nhà thơ khi vào trại sáng tác của quân đội thường chọn đề tài dễ chịu, dễ được chấp nhận. Những vấn đề gai góc, có chất tìm tòi riêng thì còn khá hạn chế. Chúng ta cần phải cởi mở để có được những tác phẩm viết về chiến tranh bằng góc nhìn hiện đại. Viết về LLVT-CTCM hiện nay thì cần phải viết theo hướng mới, không nên đi theo lối mòn".

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, chia sẻ: “Tôi cho rằng thế hệ nhà văn, nhà thơ sinh sau chiến tranh cũng có nhiều lợi thế riêng khi viết về LLVT-CTCM. Họ có cái nhìn mới, hiện đại về hình tượng người lính hôm nay. Là một người đã từng tham gia một số trại sáng tác về LLVT-CTCM tôi thấy rằng, những cây viết mới hôm nay có quá nhiều vấn đề chi phối tới họ, không phải ai cũng có đủ thời gian để tham gia trại sáng tác dài ngày. Bên cạnh việc tổ chức trại sáng tác, ban tổ chức nên tạo sự liên kết giữa các đơn vị và các nhà văn, nhà thơ trẻ giúp họ được tiếp cận nhiều hơn, được đi đi lại lại đơn vị để tìm hiểu. Ngoài ra, việc tổ chức quảng bá các tác phẩm văn học đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Nếu chúng ta trả lời được câu hỏi “viết cái gì?”, “viết cho ai?” thì sẽ giải quyết được bài toán về thế hệ kế cận”.

Cùng quan điểm trên, Đại tá Đậu Xuân Luận, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản QĐND, Trưởng ban chỉ đạo trại sáng tác văn học về đề tài LLVT-CTCM giai đoạn 2015-2019, nhấn mạnh: “Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng văn học về LLVT-CTCM vẫn giữ được vai trò to lớn trong văn học Việt Nam hiện nay. Đây là sự khẳng định quan trọng, chúng ta có cơ sở xác định đúng hướng văn học về đề tài này. 5 năm qua, dù công tác tổ chức trại sáng tác còn gặp nhiều khó khăn nhưng xét về số lượng, chất lượng thì chúng ta đã có sự thành công. Nhiều tác phẩm có giá trị lớn, được đông đảo bạn đọc yêu thích. Để các nhà văn, nhà thơ trẻ đến gần với đề tài LLVT-CTCM thì cần sự chung tay hơn nữa giữa các đơn vị tổ chức”.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ky-vong-vao-nhung-cay-viet-tre-607200