Kỳ vọng vào những công việc 'không có thực', giới trẻ Trung Quốc thất nghiệp sau tốt nghiệp
Thay vì chấp nhận làm công việc lương thấp hơn mong đợi, nhiều người trẻ Trung Quốc lựa chọn chờ đợi cơ hội tốt hơn, mặc dù những cơ hội đó có thể không tồn tại.
Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm trẻ cao kỷ lục
Trung Quốc dường như đã thất bại trong việc giải quyết tình trạng thất nghiệp ở nhóm người trẻ tuổi, khi tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng nhanh chóng và trở thành vấn đề đau đầu đối với chính quyền Bắc Kinh. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng thực trạng này phản ánh tình trạng mất cân bằng việc làm và sẽ thách thức các giải pháp của chính phủ trong nhiều năm tới.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên thuộc nhóm tuổi 16 - 24 ở Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4 vừa qua, cao hơn đáng kể so với vài tháng trước và cao hơn nhiều so với năm 2019, giai đoạn trước đại dịch, là dưới 13%.
Một số nhà kinh tế học tin rằng thị trường việc làm cho những người trẻ tuổi sẽ trở nên xấu đi trước khi kịp khởi sắc khi có tới 11,6 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp vào mùa Hè năm nay - con số kỷ lục mà nước này ghi nhận.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính là do Trung Quốc không tạo ra đủ công việc lương cao và đòi hỏi kỹ năng cao mà đông đảo tri thức trẻ đang tìm kiếm, nhiều người trong số họ có kỳ vọng cao hơn hẳn các thế hệ trước. Thay vì đánh đổi và chấp nhận làm những công việc lương thấp hơn kỳ vọng, nhiều người trẻ lựa chọn cách chờ đợi cơ hội tốt hơn, mặc dù những cơ hội đó thậm chí có thể… không tồn tại.
Ông David Wang, trưởng kinh tế gia của ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) cho biết: “Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ở Trung Quốc không phải là tình trạng nhất thời mà là do cấu trúc việc làm đang có sự chênh lệch lớn giữa các kỹ năng mà thanh niên được đào tạo tại trường đại học và các kỹ năng mà các công việc hiện tại yêu cầu”.
Giới chức Trung Quốc đang thử nghiệm một số giải pháp chiến thuật để giải quyết vấn đề này, bao gồm cả việc thúc ép các công ty nhà nước tuyển dụng nhiều sinh viên mới tốt nghiệp hơn, đồng thời khuyến khích nhiều người trẻ nhận những công việc lao động chân tay hoặc chuyển đến vùng nông thôn sinh sống.
Tuy nhiên, nhiều người trẻ dường như không tỏ ra hứng thú đến công việc chân tay, trong khi cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hạn chế bất chấp sự khuyến khích của chính phủ.
Thay vì chấp nhận làm công việc lương thấp hơn mong đợi, nhiều người trẻ lựa chọn cách chờ đợi cơ hội tốt hơn, mặc dù những cơ hội đó thậm chí có thể không tồn tại. (Ảnh: AFP)
Sun Yuexing, một sinh viên sắp tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh vào tháng 6 tới, cho hay cô đã phải bỏ ra nhiều giờ để rải sơ yếu lý lịch của mình tại một hội chợ việc làm tổ chức gần đây tại Bắc Kinh. Cô bày tỏ, dù bản thân đã hạ thấp kỳ vọng về mức lương của mình, nhưng vẫn chưa nhận được lời đề nghị nào.
“Thật buồn khi nhận ra rằng tôi sẽ thất nghiệp sau khi tốt nghiệp. Sự cạnh tranh rất khốc liệt”, cô sinh viên 24 tuổi nói.
Nếu Trung Quốc thất bại trong việc tạo thêm cơ hội việc làm cho thế hệ trẻ, điều đó có thể gây áp lực lên tăng trưởng tiền lương và tác động tiêu cực tới kế hoạch xây dựng một nền kinh tế được thúc đẩy bởi tiêu dùng của Bắc Kinh. Vấn nạn thất nghiệp cũng có thể làm suy yếu sự ổn định xã hội nếu nhiều người trẻ trở nên bất mãn.
Chỉ là hiện tượng nhất thời?
Một số nhà kinh tế vẫn tin rằng vấn đề này chỉ là hiện tượng nhất thời và sẽ có thêm nhiều thanh niên tìm được việc làm khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đà phục hồi.
Nhiều nhà kinh tế học cho hay, những người trẻ tuổi là đối tượng dễ bị thất nghiệp nhất, đặc biệt là trong thời kỳ nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, bởi họ tương đối thiếu kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, những ngành công nghiệp bị "đóng băng" trong giai đoạn đại dịch - bao gồm du lịch và F&B (thực phẩm và đồ uống) - cũng là những ngành nghề được giới trẻ yêu thích nhất, hiện đang trên đà phục hồi.
Ông Arthur Kroeber, Giám đốc điều hành của Công ty nghiên cứu kinh tế - chính trị Gavekal Dragonomics nhận định, ổn định việc làm sẽ trở lại trạng thái bình thường, bởi cơ hội việc làm trong lĩnh vực dịch vụ tăng lên chỉ là “vấn đề thời gian”.
Ông Rory Green, Trưởng nhóm nghiên cứu Trung Quốc và châu Á tại Công ty tư vấn dự báo kinh tế vĩ mô TS Lombard lại có quan điểm trái ngược. Theo ông, dù nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển hướng đến các nhóm ngành dịch vụ, song nhiều công việc dịch vụ được tạo ra trong thập kỷ qua lại là những công việc lao động cấp thấp, chẳng hạn như tài xế giao hàng hay nhân viên phục vụ nhà hàng – những công việc không mấy thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học.
Ông Green nhận định, có “sự chênh lệch lớn giữa số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp với chất lượng hàng đầu và các loại công việc phù hợp với bộ kỹ năng của họ”.
Trong thập kỷ qua, giới chức Trung Quốc cũng đã đưa ra một số biện pháp để giải quyết vấn nạn này, bao gồm mở rộng tuyển sinh giáo dục bậc cao. Trong 3 năm qua, hơn 28 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đã gia nhập thị trường lao động, chiếm khoảng 2/3 nguồn cung lao động mới ở thành thị.
Xu hướng trở lại trường học
Với thực tế rằng có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp để lựa chọn, nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể trở nên khó tính và kén chọn. (Ảnh: Caixin Global)
Fu Zihao cho biết anh đã gửi hồ sơ đến hầu hết các trường tuyển dụng giáo viên thể dục ở Bắc Kinh, nhưng đều ra về trắng tay.
“Tôi bị từ chối vì chỉ có bằng cử nhân. Các trường học ngày nay, kể cả trường tiểu học, đều yêu cầu giáo viên thể dục phải có bằng thạc sĩ”, Fu, người theo học chuyên ngành huấn luyện thể thao tại Đại học Thể thao Thẩm Dương, cho biết. Tuy nhiên, anh nói rằng vẫn sẽ tiếp tục cố gắng cho đến khi được tuyển dụng.
Ông Larry Hu, trưởng kinh tế gia Trung Quốc tại tập đoàn Macquarie Group (Australia), cho biết, do các hộ gia đình trung bình ở Trung Quốc trở nên khá giả hơn xưa, nhiều người trẻ có thể dành nhiều thời gian hơn để tìm kiếm việc làm nếu so với thế hệ cha mẹ của họ.
Nhiều bạn trẻ có xu hướng quay trở lại trường học để lấy bằng cấp cao hơn. Chỉ riêng trong năm nay, Trung Quốc đã ghi nhận con số kỷ lục 4,7 triệu sinh viên đại học đã đăng ký các kỳ thi để giành 1,2 triệu suất vào các trường sau đại học.
Theo Giáo sư Kinh tế Nancy Qian tại Đại học Tây Bắc (Trung Quốc), những người trẻ tuổi trì hoãn tham gia vào lực lượng lao động hoặc từ bỏ tìm kiếm việc làm không được tính là đối tượng tìm việc trong số liệu thống kê chính thức. Nếu tính cả nhóm này thì tỷ lệ thất nghiệp thực tế sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Đẩy mạnh nỗ lực định hướng, tuyên truyền
Trong một cuộc họp từ xa với các quan chức chính phủ vào đầu tháng này, Phó Thủ tướng thứ nhất Đinh Tiết Tường đã yêu cầu các tổ chức nhà nước phải tuyển dụng nhiều sinh viên mới tốt nghiệp hơn trong năm nay. Đây là một trong những nỗ lực của Trung Quốc giúp đất nước đạt được mục tiêu khoảng 12 triệu việc làm mới vào năm 2023.
Vào tháng 4/2023, chính quyền địa phương ở tỉnh Quảng Đông đã đặt mục tiêu định hướng cho 300.000 sinh viên tốt nghiệp trong 3 năm tới để giúp ươm tạo các công ty khởi nghiệp và khuyến khích những người trẻ theo đuổi sự nghiệp ở các vùng nông thôn.
Các nhà chức trách cũng đang cố gắng thuyết phục giới trẻ giảm bớt kỳ vọng của họ và nhận những công việc mà họ có thể coi là thấp kém hơn so với năng lực của mình.
Để giúp làm rõ vấn đề này, các báo cáo của truyền thông Trung Quốc đã viện dẫn nhiều bài học từ những người kiếm được nguồn thu nhập tốt từ những công việc mà số đông trí thức trẻ coi là thấp kém. Truyền thông nhà nước mới đây phát sóng cuộc phỏng vấn với một cặp vợ chồng trẻ kiếm được hơn 1.200 USD/ngày nhờ bán khoai tây và đậu phụ tại chợ đêm ở phía Đông thành phố Nghĩa Ô. Tuy nhiên, cư dân mạng sau đó đã đặt câu hỏi về tính xác thực trong thu nhập của cặp đôi.
Không muốn kéo dài tình trạng thất nghiệp, một bộ phận sinh viên trẻ mới tốt nghiệp cũng đã hạ thấp kỳ vọng của mình, mặc dù trong một số trường hợp, họ làm như vậy với hy vọng thăng tiến sau này.
Một sinh viên đang theo học chuyên ngành tài chính quốc tế tại Bắc Kinh cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, anh quyết định bắt đầu làm việc tại một viện dưỡng lão ở một ngôi làng miền núi phía tây nam tỉnh Quý Châu. Thu nhập của công việc này là 3.000 NDT, tương đương 427 USD/một tháng – con số tương đối khiêm tốn so với mức lương trung bình hiện nay ở Trung Quốc.
Anh này chia sẻ, nếu kiên trì làm việc, sau 2 năm phục vụ ở khu vực kém phát triển, anh sẽ được cộng thêm điểm trong các kỳ thi tuyển sinh sau đại học, hoặc có thể giúp anh trở thành một công chức làm việc cho chính quyền địa phương.
“Không khó để kiếm được một công việc, nhưng rất khó để kiếm được một công việc tử tế”, anh này cho hay.