Kỳ vọng về 'bình minh mới'

I-xra-en và Ma-rốc vừa chính thức ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao. Ðây là thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en với quốc gia A-rập thứ tư trong năm nay, do Mỹ bảo trợ. Cả I-xra-en và bốn quốc gia A-rập đều kỳ vọng về một 'bình minh mới cho Trung Ðông'.

I-xra-en và Ma-rốc vừa chính thức ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao. Ðây là thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en với quốc gia A-rập thứ tư trong năm nay, do Mỹ bảo trợ. Cả I-xra-en và bốn quốc gia A-rập đều kỳ vọng về một "bình minh mới cho Trung Ðông".

Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu đã mời Quốc vương Ma-rốc Mô-ha-mét VI thăm Ten A-víp, sau chuyến đi thành công của phái đoàn I-xra-en tới Ra-bát. Hai bên nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, nhân dịp phái đoàn I-xra-en và Mỹ đến Ma-rốc trong chuyến bay thương mại trực tiếp đầu tiên giữa hai nước gần đây. Quốc vương Ma-rốc hoan nghênh việc kích hoạt lại các cơ chế hợp tác giữa hai nước, theo đó các lộ trình và cơ chế để thực hiện những thỏa thuận cũng đã được xác định. Hai bên đã ký kết bốn thỏa thuận song phương, tập trung vào liên kết hàng không trực tiếp, quản lý tài nguyên nước, kết nối hệ thống tài chính và thỏa thuận miễn thị thực cho các nhà ngoại giao. I-xra-en và Ma-rốc cũng dự kiến sớm mở các văn phòng ngoại giao trên lãnh thổ của đối tác. Hai nước nhất trí sẽ thiết lập các đường bay thẳng trong vài tháng tới. Với khoảng 3.000 người, cộng đồng người Do thái ở Ma-rốc lớn nhất ở khu vực Bắc Phi, trong khi đó có 700.000 người Do thái gốc Ma-rốc sinh sống tại I-xra-en. Ðây là những yếu tố thuận lợi để hai quốc gia hóa giải những vấn đề tồn đọng, tiến tới hợp tác đầy đủ.

Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Ma-rốc là thỏa thuận thứ tư sau các thỏa thuận tương tự giữa I-xra-en với Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Ba-ren và Xu-đăng, do Mỹ làm trung gian. I-xra-en và các nước A-rập đã ký một loạt thỏa thuận nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại song phương, trong đó khuyến khích và bảo hộ các nhà đầu tư hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ của nhau. Các chuyến bay thẳng giữa thành phố Ðu-bai của UAE và thủ đô Ten A-víp của I-xra-en đã được khởi động. Hãng hàng không Isair đã trở thành hãng hàng không đầu tiên của I-xra-en hoạt động bay thương mại tới Ðu-bai. I-xra-en và UAE ký thỏa thuận miễn thị thực song phương, cho phép công dân hai nước có thể được cấp thị thực nhập cảnh tại sân bay. I-xra-en đặt mục tiêu mỗi năm thu hút khoảng 100.000 khách du lịch từ UAE, coi đây là chìa khóa cho việc xây dựng một nền hòa bình lâu dài giữa hai nước.

Với vai trò trung gian, Mỹ mong muốn các thỏa thuận hòa bình I-xra-en ký với UAE và Ba-ren sẽ đóng vai trò là nền tảng để mở rộng thương mại năng lượng. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đã mời các nước A-rập khác hợp tác với I-xra-en kéo dài đường ống dẫn dầu Trans-Israel (TIPline) nhằm vận chuyển dầu và các nguồn năng lượng khác. Hệ thống đường ống này kéo dài từ vịnh A-ca-ba ở miền nam I-xra-en tới cảng A-ske-lon bên bờ Ðịa Trung Hải, giáp phía bắc dải Ga-da của Pa-le-xtin. Mục tiêu của Mỹ là sản xuất và vận chuyển năng lượng ra khỏi khu vực, tạo ra những cơ hội kinh tế cho Ai Cập, I-xra-en và các nước muốn đưa khí đốt thiên nhiên, thậm chí dầu thô, tới thị trường thế giới.

Việc I-xra-en bình thường hóa quan hệ với các nước A-rập nêu trên mở ra một trang mới cho thời kỳ hợp tác giữa hai bên, đóng góp tích cực vào xu thế hòa giải, hợp tác thay cho đối đầu ở khu vực. Tuy nhiên, các thỏa thuận này đã đi ngược lại với chính sách nhiều năm qua của Liên đoàn A-rập (AL) đối với cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, trái với Sáng kiến hòa bình A-rập ký năm 2002, trong đó quy định các nước A-rập chỉ bình thường hóa quan hệ với I-xra-en sau khi I-xra-en chấm dứt chiếm đóng các vùng đất của người A-rập và người Pa-le-xtin. Pa-le-xtin kịch liệt phản đối xu hướng bình thường hóa quan hệ với I-xra-en của một số nước A-rập, cho rằng việc này làm đảo lộn tiến trình hòa bình Trung Ðông.

Thúc đẩy hợp tác là xu thế tất yếu trong xử lý các mối quan hệ quốc tế hiện nay. Sự hợp tác giữa I-xra-en với một số quốc gia A-rập đem lại tia hy vọng giúp tăng cường quan hệ giữa hai bên, mở ra nhiều cánh cửa cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, để thật sự có một "bình minh mới" cho khu vực Trung Ðông, các nước cũng cần ưu tiên tìm giải pháp cho các vấn đề quan trọng khác, nhằm thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững.

Hà Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/ky-vong-ve-binh-minh-moi--629877/