Kỳ vọng về giải pháp khôi phục ổn định chính trị Pakistan
Nội các mới của Pakistan đã tuyên thệ nhậm chức vào tuần qua, hơn một tuần sau khi Quốc hội Pakistan bầu ông Shehbaz Sharif làm Thủ tướng thay ông Imran Khan. Nội các mới cùng với tân Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif được kỳ vọng sẽ tạo ra được nhiều đổi thay tích cực cho Pakistan.
Tháng 4 được coi là tháng diễn ra nhiều biến động chính trị tại Pakistan, khi cựu Thủ tướng Imran Khan đã buộc phải từ chức trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trước đó, quốc gia Nam Á này đã trải qua tình trạng bất ổn chính trị kéo dài nhiều tháng. Đảng liên minh do cựu Thủ tướng Imran Khan cầm quyền đã đánh mất đa số ghế tại Quốc hội Pakistan sau khi nhiều đảng quyết định rút khỏi chính phủ liên minh. Lãnh đạo các đảng cho rằng, ông Imran Khan đã thất bại trong việc khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, cũng như không thực hiện được các cam kết tranh cử của mình.
Sau khi mất đa số ghế tại Quốc hội, ông Imran Khan đã sử dụng các biện pháp để duy trì quyền lực, bao gồm giải tán Quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, Tòa án tối cao Pakistan coi tất cả các hành động của ông là bất hợp pháp và ra lệnh cho Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm. Sau phiên họp kéo dài 13 giờ đồng hồ, kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm được công bố ngày 10-4 cho thấy, có 174 nghị sĩ trong số 342 thành viên Hạ viện bỏ phiếu thông qua nghị quyết bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Pakistan Imran Khan.
Theo kết quả trên, ông Imran Khan buộc phải kết thúc gần 4 năm cầm quyền của mình. Ngày 11-4, các nhà lập pháp Pakistan đã bầu Chủ tịch đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) Shehbaz Sharif làm tân Thủ tướng của nước này. Tân Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif, sinh năm 1951, được đánh giá là chính trị gia dày dạn kinh nghiệm và là một nhà quản trị hiệu quả. Ông Shehbaz Sharif là em trai của cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif - người từng 3 lần giữ cương vị Thủ tướng Pakistan. Cha của họ, ông Muhammad Sharif, là người sáng lập Tập đoàn Ittefaq Group chuyên sản xuất thép. Ông Shehbaz Sharif cũng là một doanh nhân, đồng sở hữu một công ty thép tại Pakistan. Năm 1990, ông Shehbaz Sharif được bầu vào Quốc hội Pakistan. Năm 1997, ông Shehbaz Sharif trở thành Thủ hiến của Punjab - bang đông dân và quyền lực nhất Pakistan, đóng góp khoảng 50% GDP của cả nước. Năm 2018, ông giữ chức vụ lãnh đạo phe đối lập, đồng thời là Chủ tịch đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N).
Phát biểu ý kiến tại lễ nhậm chức ngày 11-4, ông Shehbaz Sharif nêu rõ: “Nền kinh tế đất nước đang trong tình trạng rất nghiêm trọng. Nếu phải cứu con thuyền đang chìm dần, điều cần làm là đoàn kết và nỗ lực làm việc chăm chỉ. Pakistan sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới”. Trong ngày ông Shehbaz Sharif nhậm chức, nhiều người dân Pakistan đã xuống đường ăn mừng và gửi gắm kỳ vọng nhà lãnh đạo chính phủ mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá, khôi phục ổn định sau cuộc khủng hoảng vừa qua là nhiệm vụ không hề dễ dàng, khi nền kinh tế Pakistan cận kề bờ vực đổ vỡ, chính trường chia rẽ sâu sắc, quan hệ đối ngoại gặp nhiều khó khăn.
Hiện, nền kinh tế Pakistan gặp nhiều khó khăn như: Đồng nội tệ liên tiếp mất giá, dự trữ ngoại hối gần chạm ngưỡng nguy hiểm, trong khi lạm phát tăng cao, đời sống người dân vốn khó khăn do đại dịch lại càng bấp bênh. Pakistan đang nỗ lực đàm phán, song kể cả khi đạt thỏa thuận với các nhà tài trợ, gồm cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thì các khoản vay tạm thời cũng chưa thể giải quyết các vấn đề cốt lõi của nền kinh tế. Về chính trị, ông Shehbaz Sharif và nội các mới sẽ phải lãnh đạo một liên minh cầm quyền nhiều thành phần, chia rẽ về lợi ích.
Nội các mới tại Pakistan được kỳ vọng thúc đẩy cải thiện các mối quan hệ đối ngoại của đất nước, vốn có nhiều bất ổn và thiếu cân bằng. Trong đó, trong quan hệ với các nước láng giềng, tân Thủ tướng Pakistan cam kết theo đuổi chính sách đối ngoại vì mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển tại khu vực. Trong tuyên bố hồi đáp lời chúc mừng của người đồng cấp Ấn Độ, Thủ tướng Shehbaz Sharif khẳng định, Pakistan mong muốn xây dựng và duy trì quan hệ hòa bình, hợp tác với Ấn Độ, giải quyết tranh chấp còn tồn tại.
Pakistan giữ vị trí địa chính trị quan trọng tại Nam Á, vì thế, bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế kéo dài của Pakistan có tác động mạnh đến cả khu vực. Nhiều nước và đối tác quốc tế đã bày tỏ ủng hộ tân Thủ tướng Shehbaz Sharif và nội các mới nỗ lực tìm giải pháp để khôi phục ổn định chính trị, vực dậy kinh tế đất nước.