Kỳ vọng về một khởi đầu mới ở Syria
Tình hình Syria ghi nhận một số diễn biến tích cực khi một loạt nhóm quân sự nổi dậy đồng ý giải tán để tập hợp thành một quân đội thống nhất dưới sự kiểm soát của chính phủ mới do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu. Tuy nhiên, Liên hợp quốc lo ngại căng thẳng chưa được hóa giải giữa các phe phái ở vùng Đông Bắc Syria có thể khiến xung đột tái bùng phát trở lại.
Reuters ngày 25/12 dẫn thông báo của chính quyền thực tế ở thủ đô Damascus của Syria do HTS nắm giữ, cho biết, lãnh đạo cao nhất HTS Ahmed al-Sharaa đã vừa đạt một thỏa thuận then chốt với thủ lĩnh các nhóm vũ trang nổi dậy về việc giải tán các nhóm vũ trang đó, rồi đưa lực lượng trực thuộc tập hợp lại dưới sự điều hành của Bộ Quốc phòng Syria mới. Chính quyền thực tế ở Syria thông báo lựa chọn ông Murhaf Abu Qasra, một trong những thủ lĩnh nổi dậy tham gia chiến dịch lật đổ cựu Tổng thống Bashar al-Assad làm tân Bộ trưởng Quốc phòng. Các động thái trên được mô tả là phù hợp với thông báo được đưa ra bởi Thủ tướng chính quyền chuyển tiếp của Syria Mohammed al-Bashir về việc HTS sẽ xây dựng lại quân đội Syria với hàng ngũ là các nhóm nổi dậy và một số cựu sĩ quan trong quân đội cũ của cựu Tổng thống al-Assad.
Hình ảnh do hãng thông tấn nhà nước Syria SANA đăng tải cho thấy, lãnh đạo cao nhất của HTS al-Sharaa (còn được biết đến với tên Abu Mohammed al-Jolani) trực tiếp thương lượng với thủ lĩnh các nhóm vũ trang ở thủ đô Damascus. Tuy nhiên, cuộc họp đó không có sự xuất hiện của đại diện lực lượng người Kurd đang kiểm soát vùng Đông Bắc Syria. Các nhóm vũ trang đồng ý hợp nhất đợt này được cho là các nhóm tham gia cùng HTS trong chiến dịch lật đổ cựu Tổng thống al-Assad hồi đầu tháng. Như vậy, sau quá trình hợp nhất, ở Syria còn hai phe phái chính, một do HTS kiểm soát và một bên là lực lượng người Kurd do nhóm Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) dẫn đầu. SDF kiểm soát phần diện tích rộng lớn ở bờ Đông Bắc sông Euphrates tiếp giáp Iraq, được Mỹ ủng hộ.
Theo Reuters, HTS những ngày qua kêu gọi lực lượng người Kurd quy thuận để "Syria không còn bị chia cắt". Trong tuyên bố được đưa ra cách đây hai ngày, thủ lĩnh HTS al-Sharaa khẳng định chính quyền mới sẽ là bên "kiểm soát toàn bộ vũ khí" tại Syria và chính sách này cũng áp dụng với cả SDF. Tuy nhiên, phát ngôn viên SDF sau đó đáp lại rằng, vấn đề sáp nhập các nhóm dân quân người Kurd ở Đông Bắc vào quân đội thống nhất do HTS dẫn đầu cần được "thảo luận trực tiếp" và rằng SDF luôn sẵn sàng đối thoại với chính quyền thực tế Damascus "để giải quyết mọi vấn đề".
Chưa rõ liệu các bên đã lên kế hoạch cho một cuộc đối thoại trực tiếp hay không. Giới quan sát mô tả việc HTS và SDF chưa đi đến tiếng nói chung phản ánh những mâu thuẫn phức tạp giữa các phe phái ở Syria cũng như sức ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực. SkyNews cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chiến dịch quân sự chống cựu Tổng thống al-Assad do HTS dẫn đầu và hậu thuẫn với một số nhóm tham gia cùng HTS, nổi bật là nhóm Quân đội Quốc gia Syria (SNA). Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại coi SDF là mối nguy an ninh nghiêm trọng ở khu vực biên giới, do SDF có thành phần chính là các tay súng YPG bị Ankara cáo buộc có liên hệ với tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK). PKK từng giao tranh với Thổ Nhĩ Kỳ trong quá khứ, bị nước này đưa vào danh sách khủng bố. Sau khi HTS tiếp quản thủ đô Damascus gần 3 tuần trước, giao tranh đã nổ ra giữa SDF và các nhóm vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ do SNA dẫn đầu ở thành phố chiến lược Manbij và SDF đã bị đẩy lùi. SNA được cho là đang lên kế hoạch tấn công thành phố Kobani mà SDF kiểm soát gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Dữ liệu do tổ chức quan sát chiến sự Syria SOHR cho thấy các cuộc giao tranh giữa hai bên khiến hàng chục người thiệt mạng.
Theo SkyNews, SDF muốn thúc đẩy một lệnh ngừng bắn, nhưng chưa thành công. Tại cuộc họp báo chung với lãnh đạo HTS al-Sharaa ở thủ đô Damascus hôm 22/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan kêu gọi YPG - nòng cốt của SDF, giải tán. Đây sẽ là một yêu cầu mà các nhóm người Kurd khó chấp thuận.
Từ phía Liên hợp quốc (LHQ), phát biểu trên Reuters ngày 24/12, đặc phái viên LHQ về Syria, ông Geir Pedersen, lo ngại việc các phe phái chưa đạt thỏa thuận về tình hình Đông Bắc Syria có thể "gây hậu quả nghiêm trọng cho toàn Syria". Ông khẳng định, bất cứ giải pháp nào đều "đòi hỏi những thỏa hiệp nghiêm túc" và cần được thực hiện dưới sự dẫn dắt của chính quyền chuyển tiếp. Tuy vậy, ông cũng tin rằng, khi vượt qua được "phép thử" khó khăn nêu trên, các bên có thể thật sự "tạo ra một đất nước Syria mới".
Bên cạnh nỗ lực thống nhất các nhóm vũ trang ở Syria, HTS đang tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc công nhận chính quyền mới và tái thiết Syria sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của chiến sự. Số liệu của LHQ cho thấy hơn 90% dân chúng nước này đang sống trong cảnh nghèo khổ; hàng triệu người phải sơ tán ra nước ngoài. Trong diễn biến tích cực liên quan, Bộ trưởng Giao thông và Cơ sở hạ tầng Thổ Nhĩ Kỳ Abdulkadir Uraloglu ngày 24/12 tuyên bố Ankara sẵn sàng giúp nước láng giềng sửa chữa, xây dựng mới các sân bay, cầu, đường bộ và tuyến đường sắt huyết mạch.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/ky-vong-ve-mot-khoi-dau-moi-o-syria-i754538/