Kỳ vọng vụ cá cuối năm

Nắm bắt nhu cầu thị trường vào thời điểm cuối năm, các làng nuôi cá nước ngọt ở xã Hòa Khương (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đang chứng tỏ sự năng động, thích ứng với xu thế và nhu cầu của người tiêu dùng mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Vì thế, ngoài việc túc trực trên các cánh đồng, người nông dân còn luôn dõi theo diễn biến thị trường với một kỳ vọng có thêm vụ bội thu.

Nắm bắt nhu cầu thị trường vào thời điểm cuối năm, các làng nuôi cá nước ngọt ở xã Hòa Khương (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đang chứng tỏ sự năng động, thích ứng với xu thế và nhu cầu của người tiêu dùng mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Vì thế, ngoài việc túc trực trên các cánh đồng, người nông dân còn luôn dõi theo diễn biến thị trường với một kỳ vọng có thêm vụ bội thu.

Người nuôi cá nước ngọt xã Hòa Khương.

Người nuôi cá nước ngọt xã Hòa Khương.

Khi ông Trần Văn Xuân (thôn Hương Lam) ôm bó cỏ to quẳng mạnh xuống nước, sau đó tiếp tục rắc bột thì từng đàn cá trắng, như trắm, chép, trôi, điêu hồng, thát lát nổi lên đớp mồi rào rào, quẫy đạp sôi động cả một góc ao. Đây là lứa cá được ông thả vài tháng trước để kịp xuất bán trong dịp Tết. Ông cho biết, năm trước, với hơn 5 sào mặt nước, ông thu hoạch gần 10 tạ cá trắng các loại, bán bình quân 42 ngàn đồng/kg, đạt doanh thu 65 triệu đồng. Cũng theo ông Xuân, làm ruộng may mắn vào những năm "mưa thuận, gió hòa" thì cao nhất được mấy tạ thóc, lãi lời chẳng đáng là bao nên khi có khoản thu từ việc nuôi cá, cuộc sống của gia đình mới được thuận lợi hơn...

Còn ở thôn Phú Sơn 2, bên 2 ao cá rộng gần 1.000m2 là ngôi nhà ngăn nắp, đầy đủ tiện nghi của ông Nguyễn Dũng. Là người nhanh nhạy nên khi địa phương có chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá tập trung, ông Dũng mạnh dạn cải tạo, chuyển đổi ruộng đất hoang hóa sang đầu tư ao nuôi cá thương phẩm. Ông bỏ thêm kinh phí kè bờ bao, cùng đó tuân thủ quy trình xử lý ao nuôi, mua giống ở cơ sở uy tín về thả. "Trước đây, khu vực này đa phần nuôi cá trê lai nhưng do thị trường tiêu thụ phụ thuộc rất nhiều vào thương lái ở các vùng cao Tây Nguyên, TT - Huế... nên người dân dần chuyển qua nuôi các loại cá trắng để vừa có đầu ra ổn định, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới", ông Dũng chia sẻ.

Được biết, xã Hòa Khương, hiện có khoảng 380 hộ nuôi cá dàn trải trên địa bàn nhiều thôn với tổng diện tích mặt nước 53,2ha; riêng khu nuôi cá tập trung ở 2 thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 có diện tích 12ha với hơn 70 hộ dân thâm canh. Nơi đây có hệ thống cấp nước của hồ Đồng Nghệ đi qua nên rất thuận lợi cho công việc nuôi trồng thủy sản. Trong đó, hộ ông Cao Văn Mễ (thôn Phú Sơn 2) nuôi cá theo phương pháp cuốn chiếu để thu hoạch nhiều vụ trong 1 năm. Từ tháng 7-2020, hộ này được các ban ngành liên quan hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật mở cơ sở sản xuất chả cá nên thu hút được nhiều hộ dân trong khu vực mang nguyên liệu đến chế biến thành chả cá làm thức ăn trong gia đình và từng bước quảng bá đến với người tiêu dùng...

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí, do có nhiều diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả, người dân lại không mấy "mặn mà" bởi công sức bỏ ra nhiều, nhưng nguồn thu nhập chẳng đáng là bao. Vì vậy việc "dồn điền, đổi thửa", quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản là hướng đi cần thiết và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Năm 2020, mặc dù thời tiết không thuận lợi và ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, nhưng toàn xã đã xuất bán hơn 1 ngàn tấn cá các loại, thu nhập khoảng 30 tỷ đồng. Nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương tiếp tục xác định: Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học kết hợp du lịch sinh thái, tiếp tục nâng cao hiệu quả nuôi cá nước ngọt gắn với du lịch trải nghiệm; đồng thời xây dựng thương hiệu "Chả cá Hòa Khương" thành sản phẩm tiêu biểu theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" gắn với xây dựng nông thôn mới.

"Thời gian gần đây, tình trạng thực phẩm bẩn không đảm bảo chất lượng đang là một vấn đề nóng được dư luận quan tâm và chính quyền các cấp đã có những chủ trương, chính sách nhằm ngăn chặn hạn chế các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo quy định. Vì vậy, các hội đoàn thể phải thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ dân nhận thức việc quản lý ao nuôi tốt để tăng giá trị, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích nuôi, tạo được sản phẩm thủy sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng; góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá nước ngọt tại địa phương", Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết thêm.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_237772_ky-vong-vu-ca-cuoi-nam.aspx