Kỳ vọng xuất khẩu duy trì tăng trưởng nóng sau giảm tốc
Kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa của cả nước trong tháng 5/2022 tuy vẫn đạt mức khá cao 30,48 tỷ USD nhưng giảm 8,5% so với tháng trước. Bên cạnh yếu tố khách quan, việc giảm tốc như vậy, chưa duy trì tăng trưởng như kỳ vọng đang cho thấy hoạt động XK trong các tháng tới còn nhiều việc cần tiếp tục cải thiện, nhất là khi tín hiệu từ số lượng đơn đặt hàng mới đang tăng với tốc độ đáng kể là một yếu tố thuận lợi.
Đơn cử như mặt hàng thủy sản, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đánh giá mới đưa ra từ Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy mặc dù vẫn chạm mốc XK đạt 1 tỷ USD trong tháng 5/2022 nhưng vẫn "hạ nhiệt" so với tháng 4/2022 (đạt kỷ lục trên 1,1 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 50%).
Vì sao giảm tốc?
Theo chuyên gia phân tích của Vasep, XK thủy sản tháng 5/2022 chững lại một chút so với tháng 4/2022 chủ yếu do XK tôm. Trong tháng 5, XK tôm đạt 416 triệu USD, tăng 19%, sau khi tăng nóng 47% trong tháng 4.
Nhu cầu tôm của một số thị trường nhập khẩu chính được cho là có xu hướng chững lại sau khi tăng mạnh từ cuối năm 2021 tới nay. Do vậy, XK tôm quý II/2022 dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại so với quý I/2022.
Ngoài ra, XK cá tra trong tháng 5/2022 mặc dù đạt 245 triệu USD cũng được cho là tăng trưởng thấp hơn so với tháng trước đó. Theo chuyên gia của Vasep, nhiều doanh nghiệp (DN) cá tra đang hoang mang khi XK sang Trung Quốc vì quy định kiểm tra chặt dấu vết Covid trên thủy sản nhập khẩu.
Chính quy định này dẫn đến việc một số DN đã bị trả hàng về và bị tạm ngừng XK sang thị trường Trung Quốc vì lý do Covid. Mặc dù một số thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải đã mở cửa trở lại, nhưng chính sách “zero Covid” vẫn còn là trở ngại lớn với DN Việt Nam.
Không chỉ với XK thủy sản, ghi nhận vào kỳ 1 của tháng 5/2022 cũng cho thấy một số mặt hàng XK chủ lực có dấu hiệu giảm tốc so với kỳ 2 của tháng 4/2022.
Cụ thể như XK điện thoại các loại và linh kiện giảm 1,2 tỷ USD (tương ứng giảm 39,3%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 863 triệu USD (tương ứng giảm 32,1%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 481 triệu USD (tương ứng giảm 24,4%).
Không những vậy, trị giá XK hàng hóa của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 5/2022 đạt 9,24 tỷ USD, giảm 30,1%, tương ứng giảm 3,97 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 4/2022. Khối DN này đang chiếm 73,1% tổng trị giá XK của cả nước.
Còn theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, kim ngạch XK hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước đó. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,25 tỷ USD, giảm 7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,23 tỷ USD, giảm 9,1%.
Lý giải về chuyện giảm tốc này, giới phân tích cho rằng Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam. Vì vậy, việc quốc gia này thực hiện các biện pháp “zero Covid” không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu nội địa mà còn ảnh hưởng đến giao thông vận tải và hoạt động cảng.
Tín hiệu từ đơn đặt hàng mới
Điều đó đã phần nào ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng XK của của Việt Nam trong tháng 5/2022, điển hình như trường hợp XK thủy sản hoặc XK sản phẩm nhựa sang thị trường Trung Quốc trở nên khó khăn hơn và không xác định được thời gian giao hàng.
Tuy vậy, cần thấy rằng đơn hàng XK mới dù có chịu ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc nhưng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng nhanh hơn, đóng góp vào việc tăng sản lượng của tháng 5/2022.
Theo Báo cáo do IHS Markit vừa công bố, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5/2022 của Việt Nam đạt 54,7 điểm, cao hơn mức 51,7 điểm của tháng 4/2022, cho thấy các điều kiện sản xuất, kinh doanh của ngành sản xuất tại Việt Nam đã cải thiện ở mức tốt nhất trong hơn một năm trở lại đây.
Theo đó, các nhà sản xuất cho biết sản lượng tháng vừa rồi tăng mạnh và nhanh nhất trong 13 tháng trở lại đây là nhờ số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng với tốc độ đáng kể khi sức cầu được cải thiện.
Từ đánh giá khả quan như vậy, sau giảm tốc ở tháng 5, để XK duy trì tăng trưởng nóng như kỳ vọng, các nhà XK cần tiếp tục quan tâm đến sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia. Điển hình như cơ hội thâm nhập sâu hơn thị trường từ các quốc gia trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Với mặt hàng hàng thủy sản, XK sang các nước thành viên RCEP hiện chiếm trên 63% thị phần XK thủy sản của Việt Nam. Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), bên cạnh những thuận lợi, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng thủy sản. Điều này đòi hỏi các DN thủy sản phải chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.
Ngoài ra, theo nhận định của Bộ Công Thương, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động XK trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, để có thể duy trì tăng trưởng nóng, giới chuyên gia lưu ý các nhà XK nên theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, XK của mình để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp.