Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục giữ 'phong độ' trong năm 2025

'Bức tranh' xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tươi sáng hơn nữa trong năm 2025 sau khi hoàn thành chỉ tiêu đạt 10 tỷ USD năm 2024. Quan trọng là các doanh nghiệp cần ứng xử tốt trước những thách thức, giải quyết các tồn đọng về con giống, làm chủ về nguyên liệu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh...

Báo cáo cập nhật trong tháng 12/2024 về CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KBSV cho rằng biên lợi nhuận gộp của VHC sẽ cải thiện từ mức trung bình năm 2024 là 15% lên 17,5% trong 2025. Điều này nhờ chi phí nuôi cá giảm, giá bán cá duy trì ở mức tương đương cuối năm 2024.

Những tín hiệu khả quan

Theo KBSV, dự báo xuất khẩu (XK) cá tra của VHC vào thị trường Mỹ sẽ tiếp tục khả quan. Báo cáo hiệp hội nhà hàng tại Mỹ (NRA) cho thấy tâm lý lạc quan được cải thiện đáng kể sau cuộc bầu cử tổng thống. Trong khảo sát mới đây nhất, 46% chủ nhà hàng (tăng mạnh so với mức 28% ở tháng trước) cho biết kỳ vọng doanh thu tăng trong 6 tháng tới nhờ sự cải thiện đáng kể từ doanh số trên mỗi cửa hàng báo cáo.

Xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng 10 - 15%vào năm 2025 với mức trên 10 tỷ USD.

Chỉ số NRA hiệu suất và kỳ vọng đã có mức tăng vọt lên trên 100 điểm, cho thấy kỳ vọng khá lạc quan cho 6 tháng tới. Điều đó cho thấy dấu hiệu tâm lý tích cực trong ngắn và trung hạn, giúp nhu cầu cá thịt trắng tại Mỹ tiếp tục cải thiện. Qua đó sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ cá tra từ Việt Nam.

Ở kịch bản cơ sở, VHC dự phóng doanh thu nhập khẩu sang Mỹ của VHC trong năm 2025 sẽ tăng 8% so với năm 2024. KBSV cho rằng cá tra có lợi thế cạnh tranh tại Mỹ nhờ chi phí rẻ, tỉ lệ sống sót cao hơn đáng kể so với các loại cá thịt trắng và thủy sản khác.

Ngoài ra, theo Công ty chứng khoán Rồng Việt, nếu trong thời gian tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu đối với thủy sản Trung Quốc từ 60 - 100%, cao hơn so với các nước khác (từ 10 - 20%) thì ngành cá tra Việt sẽ được hưởng lợi đáng kể.

Tính đến gần cuối tháng 12/2024, xuất khẩu (XK) cá tra của Việt Nam đã về đích 2 tỷ USD như dự báo hồi đầu năm nay, tăng trên 10% so với 2023 nhờ sự tăng trưởng từ thị trường Mỹ và các thị trường khác. Qua đó cho thấy sức hút, sức cạnh tranh và tiềm năng của các thị trường vẫn mạnh mẽ, từ đó giúp cho các doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng cá tra tiếp tục có những bước tiến mới trong năm 2025.

Còn với ngành hàng tôm, tính lũy kế trong kim ngạch XK 10 tỷ USD mà ngành thủy sản đã về đích vào tháng cuối cùng của năm 2024 (đạt tăng trưởng khoảng 13%) thì riêng XK tôm đã chiếm đến 40%.

XK tôm đang cho thấy tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường. XK sang Mỹ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Không chỉ vậy, giá tôm XK có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho DN.

Vào ngày 23/12, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) tổ chức lễ tổng kết mốc sự kiện XK thủy sản đạt 10 tỷ USD cho năm 2024. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep, cho biết qua sự kiện này cũng nhằm đúc kết kinh nghiệm để định hướng XK cho năm 2025 sắp đến với khả năng duy trì mức tăng trưởng 10 - 15% tương ứng với mức khoảng trên 10 tỷ USD.

Theo ông Nam, với nhiều cơ hội tiếp tục mở rộng thị trường và gia tăng giá trị thì triển vọng XK thủy sản năm 2025 là rất khả quan. Để phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản một cách phù hợp trong thời gian tới, điều mà các DN cần làm là chủ động, đồng hành chặt chẽ với các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước.

Ứng xử tốt trước những thách thức

Đứng ở góc nhìn của một DN hàng đầu về XK tôm, Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), cho rằng năm 2024, tuy có những số liệu lạc quan như sản lượng tôm, cá nuôi tăng trưởng, chế biến tăng trưởng và dẫn đến kim ngạch XK tăng trưởng, nhưng niềm vui này chưa trọn vẹn, bởi còn không ít thách thức chưa thể ứng xử tốt hơn được.

Như lưu ý của ông Lực, con tôm con cá (hai mặt hàng chủ lực của thủy sản XK) đều có tồn đọng về con giống. Điều mong đợi là con tôm cần con giống chống chịu bệnh tốt; cá tra cần con giống tỷ lệ cá bột và tỷ lệ thu hồi cá thương phẩm cao hơn, hệ số thức ăn thấp hơn, nghĩa là mau lớn hơn. Một khi con giống tốt sẽ có tỷ lệ nuôi thành công cao hơn hẳn, sẽ giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh – coi như điểm đột phá.

Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm, ngành hàng tôm Việt Nam vẫn có những thách thức nội tại cần sớm vượt qua để có sự tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Cụ thể, tôm Việt Nam cần nâng cao chất lượng và giảm chi phí để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong đó, cần nâng cao các vấn đề về kiểm dịch chất lượng con giống, mùa vụ, mật độ nuôi, quản lý dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất và dự báo tình hình tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu, để góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị XK con tôm.

“Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy, thay vì chạy theo sản lượng, công nghệ cao thì cần phải chú trọng vấn đề bền vững và hiệu quả, đặc biệt là về chất lượng, môi trường, sức khỏe và giá bán. Đặc biệt là sự liên kết sản xuất theo chuỗi ngành gắn với các tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu thị trường”, bà Thu chia sẻ.

Còn với ngành hàng cá tra, bà Thu Hằng, chuyên viên phân tích của Vasep, cho rằng hoạt động sản xuất và XK cá tra sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2025, nhất là sự cạnh tranh mạnh với các loài cá thịt trắng khác. Vì thế, các DN Việt Nam buộc phải có những tính toán cho hướng đi mới đa dạng hơn, chủ động hơn để giữ vững và phát triển thị phần của ngành hàng cá tra Việt trên trường quốc tế.

Song song đó, ở thời điểm hiện tại khi cá tra không còn “một mình một chợ”, các DN Việt Nam cần đa dạng hóa các sản phẩm, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, quảng bá các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng để giữ vững vị trí số 1 về XK cá tra toàn cầu cho năm 2025.

Hơn nữa, các DN thủy sản cần tiếp tục phát triển hệ sinh thái khép kín và đầu tư bài bản nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng. Từ đó họ có thể bán được với giá cao hơn tại các thị trường có mức thu nhập và tiêu chuẩn kiểm định cao. Nhất là cần làm chủ trong vấn đề nguyên liệu, giảm được giá thành để duy trì vị thế XK vốn đang chịu áp lực cạnh tranh quyết liệt từ những đối thủ lớn.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ky-vong-xuat-khau-thuy-san-se-tiep-tuc-giu-phong-do-trong-nam-2025-1104314.html