Kỳ World Cup thảm họa trước Chiến tranh Thế giới 2
Với 12/37 đội bỏ giải, World Cup 1938 vẫn là kỳ World Cup đạt kỷ lục về số đội tuyển bỏ giải tính cả theo số lượng lẫn tỷ lệ.
Như mọi người cũng đã biết, từ năm 1939 đến năm 1945 Thế chiến 2 nổ ra. Nhưng từ những năm trước đó, cả thế giới đã bắt đầu có những xáo động dữ dội trong thời điểm sắp bước vào thềm cuộc chiến. Kỳ World Cup 1938 cũng không thoát khỏi ngoại lệ.
Mọi thứ đã hỗn loạn ngay từ quá trình bầu chọn nước chủ nhà đăng cai giải đấu. Ban đầu, vì nền bóng đá thế giới khi đó mới chỉ có hai khu vực là châu Âu và Nam Mỹ là đã phát triển mạnh. Nên cũng chẳng biết từ khi nào mà người hâm mộ bóng đá thế giới đã ra luật ngầm rằng 2 nơi này sẽ luân phiên tổ chức World Cup mỗi bốn năm.
Nhưng, vào ngày 15/08/1936, sau khi Olympic vừa kết thúc, cuộc họp gồm 40/45 thành viên FIFA diễn ra tại nhà hát opera Kroll (Berlin, Đức) đã quyết định chọn Pháp là nơi đăng cai kì World Cup 1938 tiếp theo. Ngay lập tức, các quốc gia đến từ Nam Mỹ đã nổi trận lôi đình vì kỳ World Cup 1934 trước đó đã tổ chức ở Ý rồi! Dù cho đã tổ chức đàm phán rằng vì hiện tại thế giới đang có nhiều chiến tranh nên việc tổ chức ở một nước có nền quốc phòng an ninh tốt như Pháp sẽ đảm bảo giải đấu diễn ra yên ổn. Tuy nhiên các nước Nam Mỹ lại lấy cớ là ngay sát vách Pháp, Tây Ban Nha đang nội chiến từ năm 1936 chưa xong, phải xin bỏ giải từ vòng loại thì yên ổn cái nỗi gì!
Thế là trong cơn điên tiết, đội tuyển Argentina là đội tuyển Nam Mỹ đầu tiên bỏ giải. Được đà khích lệ, Uruguay bắt đầu lôi lại chuyện các nước châu Âu tẩy chay World Cup 1930 để cùng Argentina bỏ giải! Thế là cả Nam Mỹ năm đó chỉ có mỗi Brazil vào đến vòng chung kết. Mà chính là vì Argentina bỏ giải mà Brazil mới có thể vào đá vòng chung kết mà… không phải đá một trận vòng loại nào cả!
Điều này cũng lặp lại với khu vực Bắc Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribbe (CONCACAF) khi đồng loạt 6/7 đội bao gồm Costa Rica, Guiana thuộc Hà Lan (nay là Suriname), El Salvador, Mexico, Colombia và Mỹ viện đủ cớ này cớ kia để bỏ giải. Thế là đội tuyển Cuba cũng chẳng cần phải đá một trận vòng loại nào mà cũng có lần đầu tiên và cũng là duy nhất đến bây giờ vào đá vòng chung kết World Cup.
Rồi cặp đấu loại trực tiếp giữa Romania và Ai Cập đã có cái kết rất “sặc mùi” tôn giáo khi phía Ai Cập phản đối việc phải thi đấu vào ngày trong tháng lễ Ramadan (cụ thể là ngày 17/12). Nhưng vì phía FIFA không chịu đổi ngày nên Ai Cập lai theo gót các đội ở trên bỏ giải! Thế là Romania cũng vào vòng chung kết mà chẳng cần phải mất sức cho một trận vòng loại nào!
Và tiền lệ bỏ giải này cũng đã xảy ra tương tự với cặp đấu châu Á. Vòng loại World Cup năm đó chỉ có đúng Nhật Bản và vùng bảo hộ Đông Ấn Hà Lan (Dutch East Indies, nay là Indonesia) đăng ký nên chỉ có hai đội này đá với nhau để tranh suất duy nhất của châu Á. Thế nhưng, do vào năm 1937, chiến tranh Trung - Nhật bùng nổ. Đứng trước tình hình còn phải lo đánh nhau, Nhật Bản cũng phải xin rút khỏi giải đấu. Thế là Đông Ấn Hà Lan có được tấm vé tới Pháp mà cũng chẳng cần phải đá trận nào.
Thế đấy! Mới là vòng loại thôi mà từ 37 đội xin đăng ký đá vòng loại ban đầu, đã có Argentina, Uruguay, Tây Ban Nha, Costa Rica, Guiana thuộc Hà Lan, El Salvador, Mexico, Colombia, Mỹ, Nhật Bản và Ai Cập, tổng cộng là 11 đội, xin bỏ giải!
Đến lúc đã có tên 16 đội vào vòng chung kết nhưng ngày 12/03/1938, Đức sáp nhập Áo. Các thành viên của đội tuyển Áo, người vào đội tuyển Đức, người bỏ đá! Tuyển Áo thành đội thứ 12 bỏ giải, buộc Pháp lại phải tìm đội tuyển mới thay chỗ. FIFA đã đề nghị vị trí này cho Anh, nhưng họ đã từ chối tham dự vòng loại từ đầu! Hết cách, FIFA đành phải đưa ra quyết định vô cùng gây tranh cãi là Thụy Điển, nước đã được bốc thăm ghép trận với Áo từ trước, sẽ không cần phải đá trận 16 đội loại trực tiếp vào ngày 5/6/1938 nhưng vẫn được vào vòng Tứ kết!
Một kỳ World Cup vì bom rơi đạn lạc, vì những mâu thuẫn và xâu xé lợi ích giữa các quốc gia ở cả trong bóng đá lẫn trên bàn nghị trường chính trị, mà đã đến những ngày sát giải đấu vẫn không yên! Đến nay, với 12/37 đội bỏ giải (tức gần 1/3 theo tỷ lệ), World Cup 1938 vẫn là kỳ World Cup đạt kỷ lục về số đội tuyển bỏ giải tính cả theo số lượng lẫn tỷ lệ!