Kỳ World Cup thay đổi vùng Vịnh
World Cup Qatar 2022 sẽ thúc đẩy các quốc gia Vùng Vịnh giàu tài nguyên tìm kiếm sự chú ý, uy tín chính trị và đa dạng hóa kinh tế thông qua sự kiện thể thao quốc tế lớn.
Trong phần lớn đời mình, Mariam al-Anezi cảm thấy dường như không ai biết Qatar ở đâu.
Vì vậy, cô thường nói với mọi người rằng cô đến từ một quốc gia bên cạnh Dubai - thành phố nổi tiếng của Vùng Vịnh, cách đó 7 giờ lái xe.
Thế nhưng, giờ đây, khi đám đông người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đổ về đất nước của cô để xem World Cup, al-Anezi đang đi dạo trên đường phố ở thủ đô Doha của Qatar, chào đón những người lạ mặt từ Ấn Độ và châu Âu, say sưa với cảm giác tự hào về vị trí mới của quốc gia trên sân chơi toàn cầu.
“Bây giờ mọi người đã biết đến Doha”, al-Anezi (35 tuổi) nói. “Những người đến, họ sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt và sẽ biết cách tự đánh giá bằng trái tim”.
Trong thập kỷ qua, Qatar cùng các nước láng giềng Vùng Vịnh giàu tài nguyên đã đổ hàng tỷ USD vào thể thao quốc tế, mua các đội bóng, tài trợ và tổ chức hàng loạt sự kiện.
Động thái này một phần để củng cố sức ảnh hưởng toàn cầu, mặt khác xuất phát từ mong muốn đa dạng hóa nền kinh tế, thu hút du lịch, tiếp tục các mục tiêu chính sách đối ngoại và khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong nước.
Mới đây, Saudi Arabia đã đầu tư vào giải đấu golf mới, cạnh tranh với giải đấu danh tiếng PGA Tour. Các thành viên hoàng gia cùng tổ chức chính phủ ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Qatar cũng mua đội bóng nước ngoài, AP cho biết.
Năm ngoái, Quỹ đầu tư Công Saudi Arabia (PIF) đã chi 415 triệu USD để mua lại toàn bộ cổ phần của câu lạc bộ bóng đá Newcastle United.
Thế nhưng, sự kiện Qatar tổ chức World Cup mới là đỉnh cao của nỗ lực thúc đẩy khu vực tham gia các môn thể thao quốc tế. Đối với đất nước chỉ có ba triệu dân, giải đấu kéo dài một tháng là kết tinh của cả quá trình kéo dài 12 năm chuẩn bị với khoảng 220 tỷ USD đổ vào cơ sở hạ tầng.
Tất cả nằm trong dự án xây dựng hình ảnh quốc gia vĩ đại cho một nước có diện tích chỉ bằng bang Connecticut của Mỹ, được bao quanh bởi những quốc gia láng giềng hùng mạnh hơn.
Với hơn một triệu du khách dự kiến đổ về trong những tuần tới, đây cũng là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Qatar nhằm đưa đất nước Hồi giáo bảo thủ này từ một quốc gia ít được biết đến trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu.
Con dao hai lưỡi
Một số nhà phê bình chỉ trích các chính phủ Vùng Vịnh sử dụng thể thao để “gột rửa" danh tiếng quốc tế, trong bối cảnh họ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Tuy nhiên, New York Times nhận định đối với các nhà lãnh đạo Vùng Vịnh, thể thao còn mang lại ý nghĩa lớn hơn so với việc chỉ đơn thuần là tạo dựng một hình ảnh tốt đẹp ở nước ngoài.
Saudi Arabia đang gấp rút đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ và thể thao có thể thúc đẩy tạo việc làm cùng tăng chi tiêu của người tiêu dùng.
Trên khắp Vùng Vịnh, những người ủng hộ sức khỏe cộng đồng cũng muốn sử dụng thể thao để khuyến khích hoạt động thể chất, đặc biệt trong các cộng đồng dân cư phải vật lộn với bệnh béo phì và tiểu đường ở trẻ em.
Việc mua các đội bóng nổi tiếng thế giới cũng thể hiện uy tín của một tỷ phú hoàng gia. Bóng đá, môn thể thao được nhiều người trong khu vực yêu thích, là một phương tiện hoàn hảo để các nhà lãnh đạo tăng cường sự nổi tiếng và nâng cao danh tiếng của họ.
Thế nhưng, tất cả sự chú ý đó đều đi kèm với mặt trái. Trong những tháng gần đây, Qatar đã phải hứng chịu hàng loạt sự soi xét, chỉ trích và chế nhạo từ các nhà bình luận Mỹ và châu Âu.
Sự phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTQ và cách đối xử với những người lao động nhập cư cũng phủ bóng đen lên giải đấu.
Giống như nhiều nước láng giềng vùng Vịnh, Qatar phụ thuộc vào người lao động có thu nhập thấp từ Nam Á và châu Phi - những người thường làm việc nhiều giờ mệt mỏi với mức lương ít ỏi và đôi khi phải đối mặt với sự ngược đãi.
Mới đây, Guardian dẫn báo cáo của tổ chức nhân quyền Equidem cho biết các công nhân nhập cư xây dựng sân vận động phục vụ World Cup ở Qatar đã phải chịu đựng "hành vi vi phạm quyền lao động phổ biến và dai dẳng".
“Tôi không được trả tiền khi làm thêm giờ. Tôi phải làm việc từ 6h đến 18h suốt 7 ngày trong tuần”, một công nhân Bangladesh làm việc tại một số sân vận động ở Qatar nói.
Quyết định cấm bia tại các sân vận động vào phút cuối cũng gây ra làn sóng phản đối kịch liệt từ người hâm mộ. Một số người Qatar thậm chí nói rằng họ cảm thấy World Cup thu hút nhiều sự chú ý tiêu cực hơn là tích cực.
Tự vệ
Nhưng đối với các chế độ quân chủ Vùng Vịnh, đầu tư vào thể thao thường là một chiến lược để củng cố bản sắc dân tộc và hợp pháp hóa vai trò lãnh đạo của họ, hướng đến khán giả trong nước và khu vực cũng như khán giả nước ngoài.
Khi Qatar giành quyền đăng cai World Cup hơn một thập kỷ trước, mục tiêu chỉ đơn giản là được mọi người biết đến. Nhưng giờ đây, quốc gia này là trụ sở của một hãng hàng không quốc tế, có một căn cứ không quân Mỹ và kênh tin tức Al-Jazeera có thể tác động đến toàn thế giới trong tương lai.
Các quan chức hy vọng World Cup sẽ giúp Qatar trở thành một quốc gia riêng biệt có thể tự đứng vững bên cạnh các nước láng giềng lớn hơn, bao gồm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Danyel Reiche, phó giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Georgetown ở Qatar, người nghiên cứu về chính trị thể thao, cho biết những nỗ lực của chính phủ nhằm liên kết với cộng đồng quốc tế một phần được thúc đẩy bởi các “lỗ hổng” của Qatar, bao gồm khả năng tự vệ.
Những bất an đó có thể thấy rõ trên bản đồ. Qatar có ít hơn 400.000 công dân và là một bán đảo bị kẹp ở cả hai bên bởi các nước lớn trong khu vực: Saudi Arabia và Iran.
Nước này hiện duy trì mối quan hệ thân thiện với cả hai bên, nhưng nguy cơ vẫn tiềm ẩn.
Năm 2017, Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt quan hệ ngoại giao và giao thông vận tải với Qatar. Họ cáo buộc nước này hỗ trợ các phần tử Hồi giáo cực đoan và khủng bố cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của họ.
Qatar phủ nhận những cáo buộc đó và sự rạn nứt đã âm ỉ trong nhiều năm, ngày càng trở nên gay gắt trước khi nó được giải quyết phần lớn vào năm ngoái.
“(Việc tổ chức) World Cup là được xem một cuộc diễn tập hay bước đi của Qatar trong việc tìm cách đảm bảo an toàn cho chính bản thân, và thể hiện sự quan trọng cũng như tính hợp pháp”, Simon Chadwick, giáo sư thể thao và kinh tế địa chính trị tại Trường kinh doanh Skema có trụ sở tại Pháp, cho biết.
Tháng này, khi người hâm mộ đổ đến Doha, khu chợ truyền thống của thành phố giống như một lễ hội hóa trang.
Khoác trên vai lá cờ của đất nước mình, Abdulmajeed al-Harthi, 28 tuổi, đến từ Saudi Arabia, cho biết anh dự định ở lại Doha cho đến khi giải đấu kết thúc, ngay cả khi đội tuyển nước mình bị loại sớm.
“(Bóng đá) là tôn giáo thứ hai của chúng tôi”, anh nói.
Sau một thời gian dài chỉ được xem các sự kiện thể thao diễn ra ở Mỹ hoặc châu Âu trên sóng truyền hình, anh cảm thấy tự hào khi giờ đây đã được xem trực tiếp ngay tại Vùng Vịnh.
“Hầu hết phương Tây và châu Âu đều có hình ảnh xấu về chúng tôi, anh nói.“Chúng tôi muốn cải thiện cách họ nhìn chúng tôi. Chúng tôi muốn thay đổi quan điểm của họ, trước hết là về đạo Hồi”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-world-cup-thay-doi-vung-vinh-post1377309.html