Kỳ XII: Dòng sông chở nặng chiến công
'Ơ... ơi, Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông/ Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng/ Đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mỹ xâm lăng'. Câu ca dung dị ấy đã toát lên truyền thống chống giặc giữ nước của những người dân Tây Ninh anh dũng kiên cường. Không chỉ trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Vàm Cỏ Đông chở nặng chiến công mà từ thời xa xưa, dòng sông này gắn liền với lịch sử của vùng đất Tây Ninh.
Thời sông Quang Hóa
Theo dòng lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Tây Ninh, dòng sông Vàm Cỏ Đông đã ít nhiều ghi dấu những chiến công anh hùng. Điển hình như địa danh Bến Trường (thuộc ấp Trường, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành ngày nay).
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh- người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa, lịch sử Tây Ninh, thời xa xưa, khu vực Bến Trường này là trường luyện quân của quân đội triều Nguyễn.
Ở bến sông này ngày xưa có một thời tấp nập ghe thuyền. Những ghe ô, ghe lê của triều Nguyễn chở quân đến và chở đi đến những vùng đất khác để bảo vệ biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc.
Lúc bấy giờ, người dân Tây Ninh loan truyền về kỳ tích của hai anh em tướng quân Lê Ngọc Vương và Lê Ngọc Báu. Khoảng đầu năm 1840 có giặc từ bên kia biên giới theo dòng sông này tràn sang và đã xảy ra cuộc chiến tranh giữa Đại Nam, Xiêm La và Chân Lạp. Trong trận đại chiến đó, vị tướng Lê Ngọc Vương bị thương nặng và thuyền của ông đắm, cách Bến Trường khoảng hơn 1 km về phía hạ nguồn.
Sau đó, ông men theo bờ sông đi đến một đất có cây xanh che mát, rồi gục ngã ở đó. Theo lời kể của người dân địa phương, sau đó, nơi tướng Vương mất, mối đất đùn lên thành ngôi mộ. Những năm sau, người dân xây dựng bên hữu ngạn sông Vàm ngôi mộ cho tướng Lê Ngọc Vương và ngôi miếu thờ ông.
Sau nhiều lần được thế hệ con cháu trùng tu, tôn tạo, hiện nay, ngôi mộ của vị tướng này được xây theo kiến trúc hình chiếc thuyền. Mũi quay ra hướng sông Vàm, xung quanh mộ lát gạch men màu xanh cẩm thạch. Trước bia mộ có một căn nhà sàn cột bê tông xi măng, khung sắt, lợp tôn vững chắc. Trong nhà sàn có ngôi miếu thờ với dòng chữ “Quan lớn đại thần Lê Ngọc Vương”.
Trên bệ thờ có đầy đủ nhang, đèn, lư hương, hoa, quả, có tượng tứ linh gồm long, lân, quy, phụng và đôi ngựa chầu xung quanh. Ông Nguyễn Quốc Việt cho biết thêm, hằng năm, vào ngày giỗ của tướng Lê Ngọc Vương (18.1 âm lịch), người dân địa phương đều tổ chức xuồng ghe đưa cư dân từ bên Bến Trường sang khu mộ này tham quan, cúng viếng.
Từ Bến Trường, chúng tôi theo ghe rẽ sóng vào sông Vịnh- một chi lưu của sông Vàm Cỏ Đông. Nhánh sông này không rộng lớn lắm, chỉ như một con rạch, nhưng quanh co, hai bên bờ địa hình hiểm trở. Có lẽ vì thế, thời kỳ xa xưa, ông Huỳnh Công Nghệ, một trong những anh em họ Huỳnh - những người thuộc thế hệ đầu tiên mang gươm mở cõi Tây Ninh đã chọn nơi này để lập đồn trú. Cả trăm năm nay, trên bờ sông Vịnh, người dân xây dựng một dinh thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Nghệ, thuộc ấp Bình Lợi, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành.
Trước Dinh có xây bến thuyền để thuận lợi cho người dân địa phương đến Dinh cúng viếng. Ông Huỳnh Công Nghệ là một trong những vị tướng, con của ông Huỳnh Công Cẩn, ở đàng ngoài. Vào khoảng năm 1749 (năm Kỷ Tỵ), Triều đình Huế phân công ông vào Nam dẹp loạn, lập ấp, giữ gìn an ninh. Ông và đội binh mã của mình đã lập nhiều chiến công hiển hách và đã hy sinh trên vùng đất Tây Ninh.
Trong Dinh thờ, bên cạnh đôi tượng ngựa, còn có 2 chiếc thuyền rồng bằng gỗ. Những chiếc thuyền này được cho rằng là phương tiện để ông đi lại trên dòng sông Vịnh. Hằng năm, vào dịp cúng giỗ ông, nơi đây đều có nghi thức thả thuyền trên sông để tưởng nhớ về bậc tiền nhân có công với vùng đất Tây Ninh từ thuở xa xưa.
Theo lời ông Nguyễn Quốc Việt, vị thế Dinh thờ Đại thần Huỳnh Công Nghệ hiện nay có thể là nơi đồn trú của ông Nghệ ngày xưa. Ở đoạn sông này là một khúc “cua” chữ A, mũi nhọn của chữ A là nơi có dinh thờ.
“Với địa thế này, khi thuyền bè qua đây đều phải di chuyển chậm lại. Điều đó thuận tiện cho việc binh lính trong đồn kiểm soát thuyền bè và dễ dàng ngăn quân địch nếu chúng tiến về đồn Trà Vong bằng đường thủy”, ông Việt giải thích.
Ông Trần Văn Thu, người quản lý Dinh thờ cho biết, hiện nay trên đất Tây Ninh có khoảng 4- 5 ngôi đền, miếu, dinh thờ ông Huỳnh Công Nghệ, nhưng Dinh thờ này có thể là cổ nhất. Từ năm 2019 đến nay, dưới bến sông này xuất hiện đàn cá thiên nhiên với số lượng ước tính cả tấn, trong đó có nhiều loại như cá sát, cá he, cá chốt, cá tra v.v… Hằng ngày các thành viên Ban Quản lý Dinh thờ hoặc người dân địa phương dùng cám thức ăn gia súc rải xuống sông Vịnh cho đàn cá ăn.
Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ
Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, chi lưu của sông sông Vàm Cỏ Đông cũng từng ghi dấu chiến tích lẫy lừng. Ở thượng nguồn sông Vịnh còn đậm chiến công của ông Trương Quyền- con trai Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định. Theo Bách khoa toàn thử mở (Wikipedia), năm 1859, Trương Định khởi binh chống Pháp, khi mới 17 tuổi, Trương Quyền theo cha ra trận.
Năm 1864, Trương Định bị thương rồi tuẫn tiết tại Ao Dinh (Gò Công). Nối chí cha, Trương Quyền dẫn quân đến vùng Đồng Tháp Mười và Tây Ninh (vùng An Cơ cũ) lập chiến khu tiếp tục kháng chiến. Ông đã liên kết với một số lực lượng khác đánh thắng nhiều trận ở sông Vịnh, Trà Vong (Tây Ninh). Nổi bật là cuộc đụng độ lớn đã xảy ra ở rạch Vịnh ngày 14.6.1866, Trung tá Marchaisse tử trận.
Trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sông Vàm Cỏ Đông còn gắn liền với những chiến công của quân và dân Tây Ninh.
Thượng nguồn sông Vịnh còn là nơi ra đời bài hát "Lên ngàn" của nhạc sĩ Hoàng Việt. Bài hát về hình ảnh người vợ lính chan chứa những tình cảm sâu đậm, chèo thuyền ngược dòng sông Vàm Cỏ Đông lên rẫy cắt lúa thay chồng nuôi con. Bách khoa toàn thử mở ghi lại lời kể của cố nhạc sĩ Xuân Hồng: vào năm 1952, khi ông là Ủy viên ban chấp hành Huyện đoàn Châu Thành, kiêm phụ trách phó đoàn tuyên truyền lưu động huyện.
Năm ấy Đoàn Văn công liên khu miền Đông có dịp đến địa phương công tác, trong đó có nhạc sĩ Hoàng Việt. Gần cuối năm, xảy ra cơn lũ lịch sử năm Nhâm Thìn, nhấn chìm một vùng rộng lớn ruộng lúa canh tác của nhân dân. Chỉ còn một vùng nương rẫy rất nhỏ tại Trảng Cồng thuộc xã Hòa Hiệp (nay thuộc xã Phước Vinh, huyện Châu Thành) không bị ngập.
Sông Vàm Cỏ Đông gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Tây Ninh.
Nhân dân các xã khác kéo nhau về Trảng Cồng gặt lúa mướn, đi mót lúa rơi để độ nhật qua ngày. "Trong số đoàn người ngược dòng sông Vàm Cỏ hướng về rẫy Trảng Cồng có Đoàn Văn công liên khu miền Đông và đoàn tuyên truyền lưu động của chúng tôi. Chúng tôi xin đi cắt lúa mướn, được nhân dân "chiếu cố" nhận cho làm, có nơi còn cho ăn cơm độn khoai mì, vậy là rất vững bụng.
Chỉ thương các chị, các cô con bế con bồng, có khi xin làm mướn không dễ, vì quá đông người, phải đi nhặt từng hạt lúa rơi vãi, chỉ mong có được nồi cháo trong ngày. Những cảnh ấy đều lọt vào mắt người nhạc sĩ tài năng của chúng ta. Bài "Lên ngàn" ra đời trong hoàn cảnh ấy".
Trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sông Vàm Cỏ Đông còn gắn liền với những nhiệm vụ đưa quân, tải đạn, vận chuyển lương thực của quân và dân Tây Ninh. Những chiến công thầm lặng ấy đã được khắc họa vào thơ và nhạc. Nhà thơ Hoài Vũ đã viết: “Đây con sông như dòng lịch sử/ Sáng ngời tên từ thuở Cha Ông/ Đã bao phen đoàn quân cảm tử/ Vùi đáy sông xác giặc tanh nồng”. Từ bài thơ này, Nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc bài hát cùng tên Vàm Cỏ Đông nổi tiếng một thời và mãi mãi.
Qua thực tế cho thấy, Vàm Cỏ Đông và những nhánh nhỏ của con sông này là một biên niên sử ghi lại cả một quá trình chống giặc giữ nước của người Tây Ninh từ thời mở cõi cho đến ngày quê hương sạch bóng quân thù.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-xii-dong-song-cho-nang-chien-cong-a176151.html