'Kỷ yếu trên bản' lưu giữ hình ảnh tuổi thơ vùng cao

Chụp ảnh, in ảnh, đóng khung gần 5.000 bức hình tặng thầy cô và học trò ở điểm trường các xã biên giới và vùng đặc biệt khó khăn, dự án 'Kỷ yếu trên bản' đang hiện thực hóa ước mơ của các em học sinh, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của tuổi học trò.

 Một bức ảnh về nụ cười tuổi thơ vùng cao trong dự án “Kỷ yếu trên bản”.

Một bức ảnh về nụ cười tuổi thơ vùng cao trong dự án “Kỷ yếu trên bản”.

Lễ bế giảng năm học 2023-2024 của thầy trò Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Du Già, huyện Yên Minh (Hà Giang) thật đáng nhớ, bởi gần 1.400 học sinh tại 14 điểm trường và 77 thầy cô đều được nhận bức ảnh chân dung của mình. Nếu như với học sinh thành thị, chỉ cần đưa điện thoại lên là có được tấm hình, thì với trẻ em vùng cao, điều này luôn là mơ ước.

Nhóm thực hiện dự án “Kỷ yếu trên bản” gồm 60 bạn trẻ là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, quay phim, các tiktoker, các nhà sáng tạo nội dung có ảnh hưởng trên các nền tảng số. Từ Hà Nội, mất hơn 10 giờ đồng hồ di chuyển, nhóm thực hiện mới có mặt tại huyện Yên Minh và phải tối muộn mới đến được xã Du Già do gặp sự cố cầu sập cho nên phải đi đường vòng.

Ở lại đây ba ngày thì hai ngày đầu trời mưa lớn, đoàn phải mất hàng giờ để leo bộ lên núi đến các điểm trường. Trèo qua nửa quả đồi trơn trượt dưới trời mưa, đến điểm trường Lũng Xùa tại thôn Ngài Sủng B để chụp ảnh và nấu ăn cho hơn 50 học sinh mầm non và tiểu học từ số thực phẩm đoàn mang theo, anh Lê Minh Tuyển (chủ tài khoản TikTok Lê Anh Nuôi) phần nào thấu hiểu những khó khăn mà thầy, trò vùng cao vượt qua mỗi ngày để theo đuổi con chữ. Không chỉ chụp, in và đóng khung gần 3.000 bức ảnh, nhóm còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, cùng các em tập làm nhiếp ảnh gia.

Anh Lưu Minh Khương (sinh năm 1994, người dân tộc Tày ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) - sáng lập viên dự án “Kỷ yếu trên bản”, cho biết: “Tôi là một người con dân tộc thiểu số, lớn lên từ một bản vùng cao. Nhìn lại tuổi thơ không có một tấm ảnh, không biết hồi nhỏ mình thế nào, trong khi các bạn đồng lứa ở thành phố được bố mẹ chụp cho những bức hình thật đẹp. Những bức ảnh đó là tài sản vô giá để sau này nhìn lại”.

Có niềm đam mê nhiếp ảnh từ những năm học trung học, nhưng mãi đến khi là sinh viên năm thứ hai Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Khương mới dành dụm đủ tiền để mua chiếc máy ảnh đầu tiên. Với dự án “999 bức ảnh đời thường khắp Việt Nam” của mình, ba năm trước, Lưu Minh Khương đã đến đủ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, ghi lại khoảnh khắc của người dân lao động. Mỗi nhân vật Khương gặp lại có một câu chuyện riêng thú vị, nhưng có một điểm chung là rất mến khách. Đi tới đâu Lưu Minh Khương cũng được mọi người chào đón.

Tình người ấm áp khiến Khương muốn đi nhiều và chụp nhiều bức hình hơn nữa. Trong một chuyến đi đến Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Lưu Minh Khương mang theo vài khung ảnh, mỗi lần cũng chỉ chụp hình được cho một, hai em nhỏ.

Thấy những bạn nhỏ khác tủi thân khi không có ảnh, Lưu Minh Khương trăn trở, quyết định quay trở lại và thực hiện dự án lớn hơn, chụp ảnh cho tất cả em nhỏ vùng cao. Khi chia sẻ ý tưởng này, Khương đón nhận sự đồng cảm và động viên từ bạn bè và cộng đồng nhiếp ảnh, bởi dù chỉ là những tấm ảnh nhỏ nhưng chứa đựng rất nhiều tình cảm và niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Từ đây, Khương bắt tay xây dựng ý tưởng cho dự án “Kỷ yếu trên bản”.

Chỉ là chụp ảnh tặng thầy cô và các em học sinh, nhưng mỗi lần thực hiện, nhóm lại có một cảm xúc khác biệt. Khởi động dự án “Kỷ yếu trên bản” mùa một, nhóm đã “đóng khung” 1.500 ảnh tặng hơn 600 học sinh và 40 giáo viên tại 10 điểm trường thuộc Trường tiểu học dân tộc bán trú Y Tý (Bát Xát, Lào Cai).

30 nhiếp ảnh gia, năm quay phim chuyên nghiệp, hơn 10 nhà sáng tạo nội dung trên các lĩnh vực... đã đồng hành, ghi lại hình ảnh các em nhỏ hồn nhiên và phong cảnh tươi đẹp của xã vùng cao, giáp biên giới Việt-Trung. Đội sương, vượt gió lạnh cùng các em đến trường, gặp gỡ những học sinh tại các điểm trường Sín Chải, Mò Phú Chải, Hồng Ngài...

Lưu Minh Khương cho biết: Không chỉ lưu giữ được những khoảnh khắc đẹp cho các em, nhóm thực hiện dự án mong muốn tiếp thêm động lực giúp học sinh vùng cao vươn lên trong cuộc sống bằng con đường tốt nhất là học tập. Thành công ở khâu chụp ảnh, nhóm hy vọng có thể giúp người dân quảng bá du lịch địa phương, góp phần tạo sinh kế giúp đồng bào nơi đây bớt khó khăn, các em nhỏ có điều kiện sống tốt hơn.

Tháng 9 này, mùa ba dự án “Kỷ yếu trên bản” sẽ đến với thầy và trò Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). 50 tình nguyện viên là những nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp đang háo hức với hành trình mang đến những tấm ảnh xinh xắn lưu giữ 800 hình ảnh trẻ thơ.

Chọn thời điểm tựu trường và trước Trung thu một tuần để chụp ảnh kỷ yếu, nhóm dự định tổ chức một buổi rước đèn và các trò chơi tập thể cho các em học sinh vùng cao. Đây là cách truyền cảm hứng, động lực, động viên các em vượt khó, học tập thật tốt.

Thời gian tới, nhóm sẽ nhân rộng mô hình này tới các câu lạc bộ nhiếp ảnh trên cả nước, để dự án ý nghĩa này đến được các điểm trường vùng biên giới, hải đảo, các địa điểm khó khăn chưa tiếp cận được công nghệ. “Kỷ yếu trên bản” sẽ là ký ức thật đẹp trong hành trình cuộc đời của thầy, trò các điểm trường vùng cao.

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ky-yeu-tren-ban-luu-giu-hinh-anh-tuoi-tho-vung-cao-post387841.html