La bàn chiến lược - định hướng quân sự mới của EU
Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch thiết lập một lực lượng chung lên tới 5.000 quân trong dự án quân sự mang tên 'La bàn chiến lược', để có khả năng can thiệp vào các cuộc khủng hoảng trên thế giới mà không bị phụ thuộc vào lực lượng quân sự của Mỹ.
Theo dự kiến, La bàn chiến lược sẽ được các nhà lãnh đạo EU thông qua tại một hội nghị cấp cao vào tháng 3/2022.
Với La bàn chiến lược, các Bộ trưởng Quốc phòng của EU đặt mục tiêu đến năm 2025, EU sẽ thành lập một lực lượng phản ứng nhanh bao gồm các thành phần quân lực trên bộ, trên biển và trên không; đồng thời có khả năng hoán đổi với bất kỳ lực lượng thường trực nào, tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng.
Đến tháng 12/2021, khối sẽ thống nhất trước về các kịch bản mà lực lượng phản ứng nhanh này có thể được triển khai và sau đó từ năm 2023, bắt đầu các cuộc tập trận quân sự thường xuyên, bao gồm cả các cuộc tập trận trên biển.
Theo dự thảo, EU sẽ xây dựng một trụ sở chỉ huy chung, bắt đầu hoạt động từ năm 2025, để có thể điều hành tất cả các nhiệm vụ huấn luyện, cũng như các cuộc tập trận và nhiệm vụ nhỏ hơn. Đến năm 2030, trụ sở này của EU sẽ điều hành tất cả các nhiệm vụ quân sự của khối.
EU cũng đặt mục tiêu phát triển thế hệ xe tăng chiến đấu mới và một “hệ thống không quân chiến đấu hiện đại của tương lai”, trước một thời điểm sẽ được ấn định theo thỏa thuận với các quốc gia thành viên trong thời gian tới. Trên không gian mạng, EU đặt mục tiêu vào năm 2022 khối sẽ thông qua và đưa “Đơn vị an ninh mạng chung” vào hoạt động.
La bàn chiến lược, tương tự như “Khái niệm chiến lược” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu, đặt ra các quy định và mục tiêu chiến lược cụ thể cho liên minh quân sự. Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell bày tỏ mong muốn các quốc gia thành viên EU sẽ cam kết “cung cấp các tài sản liên quan và các yếu tố hỗ trợ chiến lược cần thiết” cho liên minh mới này.
Nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các khí tài quân sự của Mỹ, mục đích của La bàn chiến lược là đến năm 2025, EU có thể lấp đầy những khoảng trống năng lực quân sự trước đây, gồm vận tải hàng không quân sự tầm xa, công nghệ liên lạc không gian và năng lực tình báo - những "yếu tố hỗ trợ chiến lược" theo thuật ngữ quân sự.
Hiện, EU đã có 60 dự án quân sự chung nghiên cứu vũ khí và các khả năng tác chiến khác đang được thực hiện, 14 dự án mới cũng đã được phê duyệt vào hôm 16/11, trong đó có một dự án nghiên cứu vận tải hàng không chiến lược cho hàng hóa ngoại cỡ.
Trước đó, Mỹ cũng đã kêu gọi EU tăng cường đầu tư cho lực lượng quân đội thường trực và Tổng thống Mỹ Joe Biden từng khẳng định những nỗ lực như vậy sẽ bổ sung năng lực tác chiến cho NATO. EU vẫn duy trì lực lượng thường trực 1.500 quân kể từ năm 2007 nhưng cũng chưa bao giờ được sử dụng.
Italia và Pháp, hai cường quốc quân sự của EU, đã hoan nghênh bản dự thảo quân sự La bàn chiến lược. Liên minh Chính phủ liên bang mới của Đức cũng sẽ đóng góp những ý kiến quan trọng trong thời gian sắp tới. Theo dự thảo, không nhất thiết toàn bộ 27 quốc gia thành viên phải góp quân vào lực lượng chung, nhưng bất kỳ việc điều động nào cũng cần đạt được sự đồng thuận từ tất cả các bên.