'Lá chắn' bảo vệ trẻ khỏi bệnh tiêu chảy cấp
Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hàng trăm nghìn trẻ bị bệnh tiêu chảy cấp do mắc virus Rota. Đây là căn bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa và có thể gây tử vong ở trẻ em.

Vaccine Rota được đưa vào tiêm chủng mở rộng
Bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi
Chị Nguyễn Thị Hường (huyện Ba Vì, Hà Nội) đang chăm con gái 4 tuổi vừa bị bệnh tiêu chảy cấp.
"Mới đầu bé bị đau bụng, nôn, tiêu chảy, tôi nghĩ chắc con bị rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, con đã rất mệt. Tôi đưa con đi khám thì được biết con bị tiêu chảy cấp do mắc virus Rota.
Tôi có nghe tới loại virus này khi đưa con đi tiêm phòng từ lúc 2 tháng tuổi nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, lại thêm chủ quan nên không đăng ký cho con nhỏ vaccine Rota", chị Hường cho biết.
Theo Bệnh viện Nhi đồng I TPHCM, tiêu chảy cấp là 1 trong 5 bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, chủ yếu do mất nước và điện giải.
"Dịch tiêu chảy cấp do virus Rota thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, đặc biệt mùa đông và mùa xuân. Những năm gần đây, dịch bệnh có xu hướng thay đổi, các ca bệnh ghi nhận rải rác trong năm. Người là ổ chứa virus Rota duy nhất. Triệu chứng chủ yếu là nôn mửa, tiêu chảy, mất nước.
Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, chủ yếu qua con đường phân - miệng và tay - miệng. Virus Rota có thể sống trên các bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, mặt bàn ghế, tay vịn, trong nước hoặc trên da.
Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virus rồi đưa tay lên miệng, virus sẽ dễ dàng xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh", bác sĩ Trương Hữu Khanh (BV Nhi đồng 1 TPHCM) cho hay.
Bảo vệ trẻ từ những bước đầu tiên
Để bảo vệ sức khỏe trẻ em Việt Nam, vaccine Rota đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng Mở rộng. Theo Quyết định số 1596/QĐ-BYT ngày 10/06/2024 của Bộ Y tế, vaccine Rota sẽ được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em tại 32 tỉnh miền núi, khó khăn từ năm 2024 và mở rộng ra toàn quốc theo lộ trình đến năm 2026.
Trước thời điểm này, trẻ muốn nhỏ vaccine Rota phải tới các trung tâm tiêm chủng dịch vụ, với chi phí lên tới gần 1,7 triệu đồng/2 liều nên rất nhiều gia đình khó khăn không thể tiếp cận.
Thái Nguyên là 1 trong số 32 tỉnh được cấp vaccine Rota trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Ông Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Thái Nguyên, chia sẻ, Thái Nguyên có khoảng 110 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi nhiều gia đình chưa có điều kiện tiếp cận vaccine phòng bệnh.
Việc vaccine Rota được triển khai miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là một bước tiến trong công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
"Chỉ trong vài tháng, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ người dân. Từ quý IV/2024 đến nay, hơn 2.400 trẻ em đã được uống vaccine Rota, trong đó, hơn 1.200 trẻ đã hoàn thành đủ 2 liều.
Quá trình triển khai diễn ra an toàn, không ghi nhận trường hợp nào cần đặc biệt quan tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai vaccine cho khoảng 17.000 trẻ em mỗi năm, với mục tiêu đạt trên 96% trẻ được sử dụng vaccine này", ông Hoàng Anh cho biết.
Tháng 3/2025, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc phát động chiến dịch truyền thông "Bảo vệ bé từ những bước đầu tiên". Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt của cha mẹ, về vai trò quan trọng của vaccine Rota trong việc phòng ngừa tiêu chảy cấp do virus.
Chiến dịch kêu gọi các bậc cha mẹ cho trẻ đi uống đủ 2 liều vaccine Rota và hoàn thành trước 6 tháng tuổi, giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota, hình thành "lá chắn" bảo vệ trẻ phát triển khỏe mạnh.
+ Các nghiên cứu chỉ ra rằng, vaccine có tỷ lệ hiệu quả 85% - 98% trong việc ngăn ngừa tiêu chảy nặng và 74% - 87% đối với tiêu chảy cấp do virus Rota ở mọi mức độ trong năm đầu tiên sau khi uống.
+ Về khoảng cách và liều dùng vaccine Rota, mỗi trẻ được uống 2 liều. Uống lần 1 khi trẻ đủ 2 tháng tuổi; uống lần 2 ít nhất 1 tháng sau lần 1. Trường hợp trẻ chưa uống hoặc chưa uống đủ liều thì cần được uống bù càng sớm càng tốt và hoàn thành trước 6 tháng tuổi.
Nguồn: Bộ Y tế