'Lá chắn thép' trên tuyến đầu chống dịch
Đêm đã khuya nhưng những chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh TT-Huế vẫn căng mình đón công dân Việt Nam trở về từ nước bạn Lào. Số lượng công dân từ Lào về Huế đến ngày 31-3 đã vượt quá con số 5.200 người và dự kiến lên đến 10.000 người trong vài hôm nữa. Và để có đủ số lượng giường cho công dân cách ly nằm, những ngày nay, chiến sĩ Trạm sửa chữa ô-tô thuộc Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh TT-Huế phải thức xuyên đêm để sản xuất...
Dành cho bà con những gì tốt đẹp nhất
1 giờ 30 sáng, tại Khu cách ly tập trung thuộc Trung tâm Giáo dục quốc phòng ở TX Hương Thủy, 7 xe khách loại 45 chỗ chở công dân Lào nối đuôi nhau tiến vào. Tất cả người dân được ra hiệu ngồi yên trên xe để tiến hành khử trùng xe trước khi xuống xe. Sau khi xe được phun khử trùng, những chiến sĩ trẻ bắt đầu công tác thu gom hành lý, giúp người dân khử trùng hành lý. Từng người được đo thân nhiệt, kiểm tra y tế chặt chẽ. Sau khi được đo thân nhiệt để phân luồng đối tượng cách ly, ai có nhiệt độ cao hơn 37,5 độ sẽ được cách ly riêng, mọi người được tiến hành lấy thông tin cá nhân và lịch sử di chuyển để lưu vào hồ sơ dịch tễ.
Binh nhất Phạm Văn Tuấn - Đại đội 594 vừa khiêng vác đồ đạc, vừa giúp đỡ những công dân có con nhỏ chia sẻ: "Mấy ngày đầu, chúng em chưa quen công việc, lại thức đêm suốt nên khá vất vả. Nhưng bây giờ thì tất cả đã vào guồng, các khâu, các bộ phận phối hợp với nhau rất nhịp nhàng, ăn ý, nên thời gian tiếp nhận cũng nhanh hơn mà vẫn tuyệt đối đảm bảo quy định, an toàn và chặt chẽ". Thượng tá Trần Bản - Khung trưởng Khung tiếp nhận Trung tâm giáo dục quốc phòng cho biết: Công dân từ nước ngoài về khi đến làm thủ tục tại Khu cách ly đều chấp hành quy định rất tốt. Biết mọi người cũng vất vả vì phải di chuyển quãng đường dài nên khi làm nhiệm vụ chúng tôi cũng quán triệt cán bộ, chiến sĩ phổ biến với người dân cần chấp hành nghiêm quy định, ưu tiên phụ nữ, trẻ em... để công việc được thuận lợi và rút ngắn thời gian.
Cử chỉ nhẹ nhàng, ăn nói hiền lành khi trực tiếp kiểm tra y tế cho những công dân được tiếp nhận vào Khu cách ly, Đại úy - Bác sĩ Quân y Nguyễn Trung Giang không khỏi xúc động: Dù có vất vả đến đâu, phải có thêm nhiều những đêm trắng để tiếp nhận công dân chúng tôi cũng sẽ dành cho bà con những gì tốt đẹp nhất có thể. Khi khó khăn, tất cả mọi người cùng san sẻ.
Không khỏi xúc động trước sự tiếp đón chu đáo và ân cần của những người lính, bà Nguyễn Thị Thúy (65 tuổi, trú H.Phú Lộc, TT-Huế) thổ lộ: "Khi còn ở bên Lào chúng tôi cũng được nghe tin là các khu cách ly được chuẩn bị chu đáo, sạch sẽ và tiếp nhận người dân chặt chẽ lắm. Nhưng khi về nước, thì mọi thứ còn hơn những gì chúng tôi được nghe. Không những các anh, các chị không quản ngại đêm hôm tiếp nhận, thu xếp chỗ ăn, ở, trang bị thêm đồ dùng cá nhân cho người dân mà còn luôn động viên tinh thần, hỏi thăm sức khỏe bà con chu đáo. Chúng tôi biết ơn chính quyền, bộ đội mình lắm".
Xuyên đêm sản xuất giường
Thượng tá Ngô Nam Cường - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh TT-Huế thông tin: Tính đến tối 31-3, Bộ CHQS tỉnh đã tiếp nhận hơn 5.250 công dân, chủ yếu là từ Lào về tại 7 khu cách ly tập trung. Hiện, đơn vị đang hoàn tất thêm 2 khu cách ly trên địa bàn tỉnh. Với dự báo số công dân về cách ly sẽ tăng mạnh vào những ngày tới, nhất là việc tiếp nhận lại thường diễn ra ban đêm nên Bộ CHQS tỉnh đã đặt toàn bộ LLVT tỉnh vào tình trạng thời chiến, tất cả CBCS sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ trong mọi thời điểm, trong mọi tình huống dù khó khăn, vất vả như thế nào cũng phải quyết tâm khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ.
Thượng tá Ngô Nam Cường chia sẻ, số lượng công dân từ Lào về Huế quá lớn ngoài dự kiến, vì vậy số lượng giường cho công dân nằm không đáp ứng đủ. "Đây là đầu việc rất nan giải, bởi những chiếc giường này trước đây thường đặt mua tại 1 công ty ở Hà Nội. Tuy nhiên, giai đoạn này không có giường để mua nữa. Huy động khắp nơi cũng không đủ", Thượng tá Cường nói.
Thượng tá Cường kể thêm: "Tôi gọi cho đồng chí Trạm trưởng Trạm sửa chữa ô-tô của Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS là Đại úy Lưu Xuân Tuấn hỏi về việc đóng giường cho công dân cách ly: "Nếu sản xuất 100 chiếc giường (1 giường 2 tầng tức là 200 chỗ nằm - P.V) thì mất bao nhiêu thời gian?". Đại úy Tuấn đáp: "Dạ xưởng mình từ trước đến nay chỉ chuyên sửa ô-tô nhưng giờ làm giường, nếu nhanh nhất cũng phải mất 1 tháng ạ. Thượng tá Cường nói: "Nếu như vậy thì không thể kịp, anh em xem 10 ngày có kịp không? Công dân bên Lào mấy ngày đến dự kiến về rất đông. Bà con không thể chờ mình có đủ giường mới về được...". Nghe đến đây, Đại úy Tuấn đáp: Dạ, anh em sẽ cố gắng làm xuyên đêm ạ. Trong vòng 1 tuần sẽ bàn giao 100 chiếc giường đầu tiên".
Chúng tôi đến Trạm sửa chữa nằm cuối đường Dạ Lê (P.Thủy Phương, TX Hương Thủy). Đồng hồ đã điểm 23 giờ, nhưng hơn 20 CBCS vẫn đang "căng mình" hoàn thiện những khâu cuối cùng để kịp ngày mai chuyển giường đến các khu cách ly. Dưới mái tôn nóng hầm hập, tiếng máy hàn khét lẹt, lửa tung tóe cả không gian xưởng sản xuất. Ở đó, những người lính, mặt mày lấm lem, áo đẫm mồ hôi vẫn đang miệt mài mài dũa từng thanh inox, thanh sắt để đấu nối... Ở không gian đối diện, 3 chiến sĩ thuộc Đại đội Trinh sát Bộ CHQS tỉnh TT-Huế đang tất bật hoàn thiện những khâu cuối cùng. "Em được điều động về đây cùng 2 đồng chí phụ trách phần sơn giường. Tụi em sẽ cố gắng làm để kịp đáp ứng đủ giường cho công dân cách ly về ở. Dù có phần vất vả nhưng công việc của tụi em có thấm gì đâu so với những người ở tuyến đầu chống dịch" - Binh nhất Phan Hữu Quân thuộc Đại đội Trinh sát đưa tay gạt mồ hôi trên trán, nói.
Theo Thượng tá Cường, ngoài một số chiến sĩ có tay nghề về cơ khí thì dịp này Bộ CHQS tỉnh cũng đã điều động nhiều CBCS "tay ngang" về làm cho kịp tiến độ. Được biết, bình thường 1 chiếc giường 2 tầng này đặt mua có giá khoảng 5,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi anh em trong Bộ CHQS đặt, cùng nguyên liệu giống nhau nhưng giá thành chỉ khoảng 2,8 triệu đồng.
Những ngày đến, số lượng công dân từ Lào về TT-Huế tránh dịch ngày càng nhiều, các khu cách ly tập trung được mở rộng, nên số lượng CBCS của Bộ CHQS tỉnh cũng phải bố trí phân tán, do đó công việc tại mỗi khu cách ly cũng thêm phần nặng nhọc. Chứng kiến những việc làm của những CBCS Bộ CHQS tỉnh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 mới phần nào thấu hiểu được sự vất vả của các anh, nhất là những người lính trẻ.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_222701_-la-chan-thep-tren-tuyen-dau-chong-dich.aspx