'Lá chắn xanh' của thôn Tân Lạc
Nhiều năm qua, thôn Tân Lạc, xã Tân Thủy (Lệ Thủy) vẫn quyết tâm bảo vệ một khu rừng tự nhiên quý hiếm còn 'sót lại' trên địa bàn. Thậm chí, người dân còn chủ động xây dựng một bộ quy ước để làm cơ sở chung tay giữ gìn, bảo vệ 'lá chắn xanh' vững chắc, độc đáo.
*Nơi từng được chọn làm căn cứ địa cách mạng
Dựa theo lời kể của nhiều vị cao niên và cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tân Thủy tập I (giai đoạn 1930-1975) xuất bản tháng 11-2002, trước đây, toàn bộ 11/12 thôn ở xã Tân Thủy đều có các vùng lòi (còn được gọi là bìa làng, nơi có các khu rừng tự nhiên được nhân dân giữ lại để bảo vệ xóm làng, chỉ trừ thôn Tân Hạ là không có). Mỗi vùng lòi như thế ước tính rộng chừng 3-5ha, có những vùng rộng lớn đến hơn chục ha như ở Tân Lực, Tân Truyền, Tân Lạc. Đặc biệt, nhiều vùng lòi ở xã Tân Thủy chính là nơi từng được cán bộ chọn làm căn cứ địa để hoạt động cách mạng, chống giặc ngoại xâm...
Dẫn chúng tôi luồn sâu vào hai khu rừng mà người dân thôn Tân Lạc thường gọi đây là Lòi Rỏi và Lòi Rậm (nằm bao quanh sông Rào Sen), ông Lê Thuận Tịnh, chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh thôn Tân Lạc chia sẻ: "Tôi sinh ra, lớn lên tại mảnh đất này nên đã từng chứng kiến và khá am hiểu về lịch sử của những khu rừng tự nhiên trong xã. Những dấu tích hầm, hào, đình làng, lăng, miếu… quanh đây hiện vẫn còn để chứng minh những tấm "lá chắn xanh" của xã Tân Thủy là nơi từng được cán bộ chọn làm căn cứ địa hoạt động cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, các vùng lòi của địa phương chúng tôi chính là địa điểm để quân và dân chọn làm nơi trú ẩn an toàn nhằm "bày binh bố trận" chống lại các trận càn quét, đánh phá của giặc…".
Vào tháng 11-1931, chi bộ Đảng Mỹ Thổ-Trung Lực ra đời, đây là tổ chức cộng sản đầu tiên tại vùng Nam Quảng Bình. Các chứng tích lịch sử, như: miếu "Thành Hoàng" (nơi thành lập Chi bộ Mỹ Thổ-Trung Lực, được Bộ Văn hóa-Thông tin ra Quyết định số 3959/VH/QĐ công nhận là Di tích lịch sử quốc gia ngày 2-12-1992) và lăng Quan Hữu, miếu Lòi Am (được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh năm 2015)… đã minh chứng rằng địa bàn xã Tân Thủy chính là chiếc nôi cách mạng của huyện Lệ Thủy nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung.
Để chống bọn hương lý đàn áp dân lành, chi bộ Đảng Mỹ Thổ-Trung Lực từng nêu khẩu hiệu: "Quyết không chặt một cây dù to hay nhỏ ở khu vực Lòi Dạ". Cùng với đó, chi bộ đã vận động nhân dân đi lấy củi ở xa làng, lấy lý do Lòi Dạ là rú thiêng, không được chặt cây ở đó. Đặc biệt, hầu hết các khu vực rừng tự nhiên ở xã Tân Thủy đều được người dân nơi đây xem như là những "tấm khiên" vững chắc để bảo vệ làng mạc nên rất ít bị chặt phá, được bảo vệ khá nghiêm ngặt...
Với địa hình rất thuận lợi cho quá trình hoạt động cách mạng, trong những năm đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tân Thủy là nơi tập kết, dừng chân ém quân, phương tiện kỹ thuật để đánh địch tại chỗ bảo vệ tuyến đầu miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, trực tiếp nhất là chiến trường Trị Thiên. Để chủ động đánh địch, hạn chế thương vong cho bộ đội và người dân, trong giai đoạn từ 1967-1972, các lực lượng bộ đội đóng quân trên địa bàn của xã Tân Thủy đã phối hợp với dân quân và nhân dân địa phương tiến hành đào đắp được trên 17km giao thông hào, xây dựng 950 công sự, trận chiến đấu, hầm cất giữ vũ khí, khí tài, cứu thương, sinh hoạt. Ngoài ra, xã Tân Thủy còn giúp bộ đội làm hai hội trường ở vùng lòi của làng Tân Truyền, Tân Lạc để cho các đơn vị này sinh hoạt, tổng kết…
*"Lá chắn xanh" bảo vệ xóm làng hiệu quả
Ông Dương Công Tuyến, Trưởng thôn Tân Lạc cho biết: "Tân Lạc là thôn nằm ở phía hạ nguồn của xã Tân Thủy, là nơi tiếp giáp với phía Nam vùng giữa huyện Lệ Thủy. Với vị trí địa lý này, hàng năm cứ đến mùa lũ lụt là địa phương lại phải gánh chịu những dòng nước lũ chảy xiết từ phía thượng nguồn đổ về, các đợt gió mạnh và sóng thủy triều lớn từ vùng giữa ập lên… Chính nhờ thôn Tân Lạc giữ được tấm "lá chắn xanh" Lòi Rỏi và Lòi Rậm nên đã hạn chế rất nhiều tình trạng sạt lở đất do nước thượng nguồn đổ về và ngăn chặn có hiệu quả các đợt sóng từ vùng giữa tràn lên gây hư hỏng nhà cửa, hoa màu, tài sản của nhân dân trong xã. Bằng chứng mới nhất là trong các đợt lũ cuối năm 2020, chính nhờ có rừng tự nhiên che chắn mà toàn thôn Tân Lạc không có gia đình nào bị sập nhà, đổ tường rào".
Theo Bí thư Chi bộ thôn Tân Lạc Đinh Công Thẹc, chính nhờ giữ được rừng, hiện nay, hệ sinh thái thực vật, động vật tại Lòi Rỏi và Lòi Rậm phát triển rất phong phú, đa dạng, tổng diện tích hiện có lên đến gần 10ha. Về cây gỗ thì hiện khu vực này có rất nhiều loài cây thích hợp với vùng trũng, ẩm như: trâm bầu, mưng, sanh… Nhiều cây hiện có đường kính hơn một vòng tay người ôm. Rừng ở đây có rất nhiều loài chim, như: bồ chao, cò, vạc, bìm bịp, cuốc…; các loài cá, tôm, đam, rắn, gà nước… "Đất lành chim đậu", khoảng 3 năm trở lại đây, từ tháng 9 đến tháng 11, hầu như năm nào khu vực Lòi Rỏi và Lòi Rậm cũng có một đàn sếu trên 300 con về trú ngụ. Để bảo vệ đàn sếu quý giá này, chính quyền xã Tân Thủy đã ban hành một văn bản yêu cầu toàn bộ người dân tuyệt đối cấm đặt bẫy, săn bắt dù chỉ một con…
Ông Dương Công Dưỡng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Thủy bày tỏ: "Khoảng từ năm 1975 đến nay, hầu hết rừng tự nhiên ở các vùng lòi của xã Tân Thủy đều bị người dân phá bỏ để sản xuất nông nghiệp, trồng rừng kinh tế, làm nhà ở…
Thế nhưng, nhân dân ở thôn Tân Lạc vẫn kiên quyết giữ lại toàn bộ rừng tự nhiên để cùng chung tay bảo vệ. Kể từ năm 1996 đến nay, chính quyền thôn Tân Lạc đã bắt đầu đưa việc bảo vệ rừng Lòi Rỏi và Lòi Rậm vào quy ước của thôn nhằm làm căn cứ xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng.
Việc bảo vệ rừng đã được giao cho chi hội Cựu chiến binh thôn đảm nhận, chịu trách nhiệm. Mỗi tháng, lực lượng này bố trí 24 người luân phiên nhau giữ rừng, mỗi năm được nhận tiền công đóng góp từ nhân dân là 360kg thóc/người (mỗi ca trực gồm có 3 người, toàn bộ tiền công được thống nhất đưa vào quỹ chung của chi hội). Đối với những hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của thôn, chính quyền xã Tân Thủy đều bố trí, bổ sung lực lượng đến để giải quyết, xử lý kịp thời…".
"Là địa bàn thuần nông còn lắm khó khăn, thế nhưng nguồn kinh phí để bảo vệ rừng tự nhiên ở khu vực Lòi Rỏi, Lòi Rậm đều do nhân dân trong thôn Tân Lạc tự đóng góp. Thời gian tới, nếu được cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí, việc giữ rừng tại hai khu vực này sẽ ngày càng có hiệu quả hơn", ông Dương Công Tuyến, Trưởng thôn Tân Lạc chia sẻ.
Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202105/la-chan-xanh-cua-thon-tan-lac-2189215/