'Lá chắn xanh' ở vùng biển Quảng Ngãi

Rừng ngập mặn không chỉ tác dụng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển mà còn mở ra hướng thoát nghèo cho người dân trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch. Những cánh rừng ngập mặn được trồng ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi đang mang lại hiệu quả thiết thực…

Rừng giữ đất, rừng tạo sinh kế

Những ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi về khu rừng ngập mặn Bàu Cá Cái, thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Giữa cái nắng oi bức của mùa hè nhưng không khí ở đây mát rượi. Hơn 110ha nơi đây đang được phủ một màu xanh của rừng cây cóc trắng và đước khiến bao người phải ngỡ ngàng, cảm tưởng như đang ở sông nước miền Tây.

Ông Phạm Tuấn chở khách du lịch tham quan rừng Bàu Cá Cái.

Ông Phạm Tuấn chở khách du lịch tham quan rừng Bàu Cá Cái.

Từ khi rừng ngập mặn ở đây được trồng mới và khôi phục lại thì những tác động từ thiên tai đã giảm đi đáng kể. Người dân đã cảm nhận được lợi ích mà cánh rừng này mang lại. Ông Nguyễn Khương ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, cho biết, hơn 30 năm gắn bó với vùng đất này, ông đã chứng kiến nhiều trận mưa bão kinh hoàng. Mỗi lần mưa bão xuất hiện là nhà cửa bị sạt lở, ruộng đồng bị bồi lấp, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân.

“Những năm gần đây, nhờ có rừng ngập mặn che chắn, nên tác hại của bão đã giảm đi đáng kể. Rừng chắn gió, bảo vệ hoa màu và chống xói lở. Ngay cả mùa hè, bầu không khí cũng dịu mát hơn trước đó rất nhiều”, ông Khương phấn khởi.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2014, rừng ngập mặn tại Bàu Cá Cái đầu tiên được trồng bởi “Dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi” do Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Dự án đã trồng hơn 50ha rừng ngập mặn và diện tích này vẫn đang sinh trưởng, phát triển rất tốt.

Từ năm 2019 đến nay, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ thông qua chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tiếp tục tài trợ cùng với nguồn kinh phí của tỉnh đầu tư, tiến hành trồng mới thêm khoảng 22,52ha và hỗ trợ hộ dân nhận khoán bảo vệ 50ha rừng nói trên để cải thiện sinh kế. Từ khi cây cóc trắng được trồng lên ở đây, hệ sinh thái cải thiện rõ rệt. Rừng không chỉ giúp chắn gió bão mà còn thu hút nhiều loài chim về đây cư trú, sinh sản. Dưới các luồng lạch, cá, ốc, cua... cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, nhờ có cánh rừng này, lượng khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên rất đông, đem lại nguồn thu lớn cho người dân.

Ông Phạm Tuấn, một trong nhiều hộ tham gia chở khách du lịch ở Bàu Cá Cái, chia sẻ, ngày trước gia đình ông chủ yếu sống nhờ đánh bắt tôm cá quanh Bàu Cá Cái. Đến năm 2019, khi có nhiều người tới đây du lịch, chụp ảnh, gia đình ông chuyển qua công việc chở khách đi tham quan, buôn bán nhỏ. Thời điểm khách du lịch đông thì ông chở cũng được 3-4 chuyến, thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày. Ông mong sao khu rừng này được đầu tư bài bản để mở rộng phát triển du lịch cộng đồng nhiều hơn hơn...

Bán tín chỉ carbon rừng

Quảng Ngãi có bờ biển dài 130km và thường xuyên chịu tác động tiêu cực của thiên tai, gây sạt lở, xâm thực nghiêm trọng các địa phương ven biển, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Việc khôi phục, trồng mới rừng ngập mặn là giải pháp hữu hiệu. UBND tỉnh Quảng Ngãi tranh thủ kinh phí từ nhiều nguồn đã tập trung trồng và phục hồi rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển.

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói rằng, trồng rừng để ứng phó với biến đổi khi hậu đang là ưu tiên hàng đầu của địa phương. Ngoài việc trồng, nâng độ che phủ rừng ở miền núi thì trồng, khôi phục lại những cánh rừng ngập mặn ở vùng ven biển Quảng Ngãi đang được đẩy mạnh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sẽ chỉ đạo cho các địa phương rà soát, đánh giá lại tiềm năng những nơi mà có điều kiện phù hợp để kiến nghị với Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT đăng ký thực hiện. “Để khôi phục và phát triển được những cánh rừng ngập mặn thì phải làm sao tạo sinh kế cho người dân trong vùng. Khi thu nhập tăng lên, chắc chắn người dân sẽ dần từ bỏ thói quen xâm phạm rừng, tham gia ngày càng tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng”, ông Hiền nhấn mạnh.

Ông Trần Phước Hiền cho biết thêm, Quảng Ngãi có tiềm năng về phát triển rừng. Do vậy, địa phương tính toán, trồng rừng không chỉ để ứng phó với biến đổi khi hậu mà còn hướng đến bán tín chỉ carbon rừng trong tương lại. Kinh phí thu được từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ được tái sử dụng cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Nhà nước sẽ có cơ chế để người dân địa phương trực tiếp tham gia tuần tra, bảo vệ, trồng rừng, bảo quản, lưu giữ carbon…

Những cánh rừng ngập mặn đang được trồng ngày càng nhiều ở các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi. Những “lá chắn xanh” này giúp người dân giảm bớt tác hại của thiên tai, hình thành một khu vực với môi trường không khí trong lành, thiên nhiên hài hòa để phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững.

Ngọc Nhi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/la-chan-xanh-o-vung-bien-quang-ngai-i657079/