Lá cờ đầu của cuộc khởi nghĩa ở Thanh Hóa

75 năm trước, dưới dự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng và Ban cán sự Việt Minh huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), tự vệ và nhân dân Hoằng Hóa đã dũng cảm vùng lên, bắt sống tri phủ và đơn vị bảo an binh, làm nên 'ngày 24-7 kiên cường', giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hoằng Hóa sau đó được Tổng Bí thư Trường Chinh lúc bấy giờ đánh giá: Đây là cuộc khởi nghĩa đầy sáng tạo, trọn vẹn và rất táo bạo, xứng đáng là lá cờ đầu của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa.

Được đồng chí Lê Thị Sáu, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) giới thiệu, chúng tôi đến gặp cụ Nguyễn Hữu Bùi ở thôn Hồng Nhuệ 1. Hơn 90 tuổi nhưng mỗi khi có ai nhắc đến những ngày cuối tháng 7-1945, cụ Nguyễn Hữu Bùi như thấy mình trẻ lại, bao ký ức của 75 năm về trước hiện về như những thước phim quay chậm. Cụ Nguyễn Hữu Bùi tự hào kể: "Cách đây 75 năm, vào ngày 24-7, tại Cồn Ba Cây của xã, tôi cùng thanh niên trong xã và bà con nhân dân nhất tề đứng lên mít tinh, biểu tình, giành chính quyền về tay nhân dân”.

 Tranh sơn dầu về khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), ngày 24-7-1945. (Tư liệu Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa)

Tranh sơn dầu về khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), ngày 24-7-1945. (Tư liệu Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa)

Lật những trang lịch sử của Đảng bộ xã, đồng chí Lê Thị Sáu cho biết: “Những ngày tháng 7-1945, phong trào Việt Minh ở Hoằng Hóa phát triển mạnh mẽ ở khắp các vùng quê. Xã Hoằng Thắng trở thành trung tâm phong trào cách mạng của huyện nhà. Cán bộ Việt Minh về nắm tình hình, vận động nhân dân ủng hộ Việt Nam và bắt liên lạc với các cơ sở cách mạng để khi thời cơ đến thì nhất tề đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân”.

Khi tình thế cách mạng ngày một chuyển biến mau lẹ, để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, trung tuần tháng 7-1945, Chi bộ Đảng và Ban cán sự Việt Minh huyện Hoằng Hóa tổ chức các cuộc tuần hành có vũ trang quy mô lớn thu hút hàng nghìn người tham gia nhằm áp đảo bọn tay sai, phản động ngoan cố. Đây được coi là cuộc tập dượt cho quần chúng tiến lên, dùng bạo lực cách mạng giành chính quyền. Thấy rõ khí thế cách mạng đang lên ở Hoằng Hóa, phát xít Nhật và tay sai tập trung lực lượng đàn áp, hòng dập tắt phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân địa phương.

Sáng ngày 24-7-1945, phát xít Nhật và chính quyền bù nhìn phái một đơn vị bảo an binh ở tỉnh kéo về phủ lỵ Hoằng Hóa cùng tri phủ phối hợp kế hoạch đàn áp khu vực Đằng Trung (xã Hoằng Đạo ngày nay) và Liên Châu-Hóa Lộc (xã Hoằng Châu ngày nay), lùng bắt, tìm diệt cán bộ Việt Minh, hòng làm nhụt ý chí đấu tranh của nhân dân trong huyện. Trước đó, qua nắm bắt tình hình, Ban cán sự Việt Minh huyện Hoằng Hóa biết rõ kế hoạch của địch sẽ chia làm 2 tốp: Một tốp gồm 22 tên do Quản Hiến chỉ huy đánh Liên Châu-Hóa Lộc; tốp còn lại chỉ có 12 tên do tri phủ Phạm Trung Bảo đích thân cầm đầu đánh phía Đằng Trung nên đã chuẩn bị mọi kế hoạch tác chiến, huy động lực lượng tự vệ và quần chúng nhân dân bố trí phục kích, sẵn sàng tiêu diệt địch.

Theo kế hoạch đã định, toán lính do tri phủ Phạm Trung Bảo cầm đầu kéo tới Bút Cương, Đằng Xá, Đằng Trung, vừa đi chúng vừa ra “hiểu dụ” kêu gọi hương lý, lục soát nhà dân. Khi tới Cồn Mả Nhón (xã Hoằng Đạo) chúng lọt vào trận địa phục kích của lực lượng tự vệ Đằng Trung. Từ trong các lùm cây ven đường, tự vệ và quần chúng nhân dân xông ra vây kín quân địch; toàn bộ lính bảo an và tri phủ Phạm Trung Bảo bị bắt sống, 12 khẩu súng bị tịch thu tại chỗ.

Trong đó, dưới sự chỉ đạo của Quản Hiến, bọn lính bảo an kéo xuống Liên Châu-Hóa Lộc, đến đình làng Hoằng Chung thì bị trung đội tự vệ cảm tử do đồng chí Lê Văn Tướn chỉ huy tập kích. Sau ít phút bị bất ngờ, địch bắn trả quyết liệt, tự vệ và nhân dân các làng kéo đến ngày một đông, hò reo cổ vũ quân cách mạng, áp đảo tinh thần quân địch. Quản Hiến cùng những tên lính bảo an hoảng sợ rút lui về hướng sông Mã, cướp thuyền của dân vượt sang địa phận huyện Quảng Xương, chạy về tỉnh. Chỉ trong buổi sáng ngày 24-7-1945, cả hai cánh quân địch đều bị thất bại hoàn toàn, trận đầu ra quân của lực lượng vũ trang (LLVT) Hoằng Hóa giành thắng lợi giòn giã.

Buổi trưa hôm đó, Chi bộ Đảng và Ban cán sự Việt Minh huyện khẩn trương tổ chức cuộc mít tinh mừng chiến thắng tại Cồn Ba Cây. Lực lượng tự vệ, quần chúng nhân dân khắp nơi kéo về như ngày hội. Đúng 13 giờ, trước rừng người với khí thế cách mạng sục sôi, đồng chí Đinh Trương Lân, Tỉnh ủy viên thay mặt Ban cán sự Việt Minh huyện Hoằng Hóa đọc bản cáo trạng về tội ác khủng bố cách mạng của tri phủ Phạm Trung Bảo, lên án kẻ thù xâm lược và chính quyền tay sai; đồng thời, nêu rõ chính sách khoan hồng của cách mạng và biểu dương quân-dân trong huyện đã đập tan cuộc đàn áp của kẻ thù.

Khoảng hai giờ sau, quần chúng cách mạng và LLVT nòng cốt được tổ chức thành đoàn biểu tình lớn tiến về phủ lỵ. Trước khí thế cách mạng dâng trào của quần chúng nhân dân, lính tuần sai, nha lại trong phủ không dám chống cự; toàn bộ tài sản công, con dấu, hồ sơ, sổ sách, máy chữ, vũ khí đều được giao lại cho cách mạng. Ban cán sự Việt Minh huyện tạm thời quản lý, điều hành dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng huyện Hoằng Hóa.

Sau cuộc mít tinh ở Cồn Ba Cây, không đầy một tuần, vào cuối tháng 7-1945 với lực lượng sẵn có và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Chi bộ Đảng, quân và dân Hoằng Hóa tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trên phạm vi toàn huyện. Đây là thắng lợi mở đầu cho các cao trào khởi nghĩa giành chính quyền và đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển đến đỉnh cao, góp phần cùng cả nước làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

LÊ HỢI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/la-co-dau-cua-cuoc-khoi-nghia-o-thanh-hoa-632089