Là công dân trước khi là nghệ sĩ
Được sống dưới thời bình, trong một xã hội an ninh và bình yên đã là một hạnh phúc. Vậy thì nếu chưa phải thực hiện các bổn phận liên quan đến an ninh quốc gia (như nhập ngũ chẳng hạn), có lẽ, những người của công chúng nên tự hiểu đừng tạo thêm sự bất ổn nào khác cho xã hội mà họ đang kiếm sống nhờ nó, đang thành danh nhờ đó.
Năm 2018, ở kỳ Đại hội thể thao châu Á (Asian Games), người Hàn Quốc rất kỳ vọng vào bộ huy chương Vàng cho môn bóng đá nam. Khi đó, danh thủ Son Heung-min của Hàn Quốc đã là một biểu tượng, thậm chí là một huyền thoại sống của nền bóng đá quốc gia này với những gì anh thể hiện ở CLB Tottenham. Nhưng đó cũng là năm Son Heung-min bước vào tuổi 26 và theo luật pháp Hàn Quốc, thanh niên nước này buộc phải nhập ngũ trước tuổi 28 nếu không muốn bị truy tố vì tội danh trốn quân ngũ.
Năm ấy, có thông tin rằng, chính quyền Hàn Quốc sẽ đặc cách cho Son Heung-min được miễn nghĩa vụ quân sự nếu như anh giúp Đội tuyển nước này vô địch Asian Games. Và Son Heung-min đã đáp ứng được yêu cầu kể trên. Như vậy, anh đã hoàn thành nhiệm vụ và có thể toàn tâm cống hiến hết tuổi xuân cho sự nghiệp bóng đá đỉnh cao chuyên nghiệp ở nước Anh.
Nhưng sang năm 2019, tận dụng quãng thời gian nghỉ thi đấu vì đại dịch COVID-19, Son vẫn lên đường tòng quân. Hành động đó đã giúp anh làm tròn trách nhiệm của một công dân như bất kỳ một công dân Hàn Quốc bình thường nào khác. Và Son không phải là ngôi sao duy nhất ở Hàn Quốc tòng quân theo đúng luật định. Trước và sau anh, vẫn có nhiều ngôi sao thể thao hay giải trí của nước bạn đã làm tròn bổn phận của mình.
Kể câu chuyện của ngôi sao Hàn Quốc để soi chiếu sang Việt Nam. Hãy thử nhìn lại kể từ thời kỳ nhạc trẻ bùng nổ trở lại từ cuối thập niên 90 thế kỷ XX và dẫn tới việc mở ra một thị trường giải trí náo nhiệt trị giá hàng trăm tỷ mỗi năm, đã có bao giờ chúng ta được biết tới một câu chuyện một ngôi sao đương thời lên đường tòng quân chưa nhỉ? Hình như là chưa. Và nếu có nhân vật giải trí nào đi tòng quân, có lẽ người ấy cũng chưa nổi tiếng, ít ra là chưa đủ để tạo thành câu chuyện truyền thông.
Rõ ràng, ở Việt Nam vẫn luôn có những ưu đãi thực sự cho những người của công chúng. Cái ưu đãi đó âu cũng là chuyện thường tình mà thôi. Cơ bản, ở đâu cũng vậy, công chúng luôn dành một biệt đãi cho người nổi tiếng, nhất là nghệ sĩ, một biên độ hành xử khác với người thường một chút. Có những việc người thường làm khó được chấp nhận thì với nghệ sĩ, công chúng sẵn sàng bỏ qua vì lý do “nghệ sĩ mà”.
Song, trước sự biệt đãi này, người nghệ sĩ phải đặc biệt lưu tâm để không thể có những hành vi vượt quá biên độ ưu ái cho phép. Những luộm thuộm của thị trường giải trí suốt thời gian qua cho thấy chính các nghệ sĩ, những người của công chúng đã luôn đi quá giới hạn hành xử mà công chúng có thể chấp nhận. Họ quên mất rằng, trước khi là nghệ sĩ, họ cần phải là một công dân trước đã, với đầy đủ các nghĩa vụ của một công dân đối với Tổ quốc, dân tộc và cộng đồng.
Nếu thế hệ đi trước vẫn có nhiều nghệ sĩ tham gia nghĩa vụ quân sự, đi thanh niên xung phong, đi làm các công tác tình nguyện ở vùng sâu vùng xa với một ý thức rõ rệt về trách nhiệm công dân thì ở thế hệ sau này, những việc bình thường như thế đã trở nên hiếm hoi và nếu có thì chỉ mang tính hình thức. Nhưng không chỉ có vậy, có những cá biệt còn tạo ra thêm những tác động tiêu cực tới hình ảnh nghề nghiệp của mình, mà điển hình là những vụ việc người của công chúng bị bắt vì sử dụng ma túy hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật khác.
Được sống dưới thời bình, trong một xã hội an ninh và bình yên đã là một hạnh phúc. Vậy thì nếu chưa phải thực hiện các bổn phận liên quan đến an ninh quốc gia (như nhập ngũ chẳng hạn), có lẽ, những người của công chúng nên tự hiểu đừng tạo thêm sự bất ổn nào khác cho xã hội mà họ đang kiếm sống nhờ nó, đang thành danh nhờ đó.